Mô hình tổ bắt chó thả rông sẽ được nhân rộng trên toàn quận

Để hạn chế thấp nhất những rủi ro do chó mèo gây ra, thời gian qua, bên cạnh việc áp dụng nhiều biện pháp đồng bộ nhằm tăng cường công tác quản lý động vật nuôi trên địa bàn, quận Thanh Xuân đã thí điểm thành lập tổ bắt giữ chó thả rông tại phường Khương Đình.

TP Hà Nội với tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều khu chung cư với số lượng dân đông cùng với đời sống kinh tế phát triển thì người dân có nhu cầu hơn trong việc nuôi thú cảnh. Thời gian qua số lượng chó, mèo trên địa bàn TP tăng nhanh, nhất là ở các khu đô thị, khu chung cư. Tuy nhiên bên cạnh cái được, mối nguy là hiểm họa gây bệnh dại có thể gây tử vong cho con người. Với loài chó dữ, chó có trọng lượng lớn (vài chục kg) thì khả năng gây tai nạn, gây thương tích cho con người nhất là người cao tuổi, phụ nữ và trẻ em là rất cao. Trên địa bàn TP Hà Nội thời gian qua đã không ít trường hợp chó giữ tấn công người gây thương tích, thậm chí gây tử vong.

Để hạn chế thấp nhất những rủi ro do chó mèo gây ra, quận Thanh Xuân đã tăng cường công tác quản lý thú nuôi trên địa bàn quận, ngoài việc tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, tổ chức tiêm phòng triệt để vắc-xin dại cho đàn chó trong diện tiêm thì phải kể đến một hoạt động thí điểm thành lập tổ bắt giữ chó thả rông tại phường Khương Đình.

Mô hình tổ bắt chó thả rông của quận Thanh Xuân bước đầu đã đạt được kết quả tích cực. Ảnh: Văn Biên

Theo đó, tổ bắt giữ chó (khoảng 7 người/tổ) gồm các thành viên của tổ bảo vệ, an ninh phường, chọn cử những người có kinh nghiệm, bắt giữ chó mèo, người đã tham gia các hoạt động tiêm phòng chó, mèo hàng năm, người có sức khỏe để tham gia công việc mang tính đặc thù này. Ban đầu tổ bắt giữ chó thả rông thực hiện với thời gian 2 – 3 lần/tuần, vừa đi bắt giữ chó đồng thời vừa làm công tác tuyên truyền vận động người dân hiểu được các quy định của pháp luật khi nuôi chó, mèo.

Cái được lớn nhất sau thời gian triển khai thực hiện là tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức khi đã nuôi chó là phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Khai báo với chính quyền địa phương để làm công tác quản lý, phải thực hiện nghiêm việc tiêm phòng vắc-xin dại, khi mang chó ra nơi công cộng phải có người dắt, có rọ mõm để chó không tấn công người khác, không làm mất vệ sinh môi trường, gây ồn trong khu vực dân cư khi nuôi chó. Trường hợp để chó tấn công người gây thương tích (thậm chí tử vong) phải chịu mọi trách nhiệm trước pháp luật cũng như phí tổn đối với người bị chó tấn công.

Việc xử lý vi phạm hành chính đối với chủ nuôi chó đã mang tính răn đe đối với nhiều người nuôi. Mức xử phạt tuy không lớn (khoảng 700 ngàn đồng/hộ/vụ vi phạm) song mang tính lan tỏa với người dân, chính quyền địa phương đồng tình ủng hộ cao. Bản thân hộ chăn nuôi cũng tuân thủ việc chấp hành vi phạm hành chính khi vi phạm.

Sau khi đánh giá kinh nghiệm mô hình “Bắt chó thả rông phòng trừ bệnh dại” tại phường Khương Đình, UBND quận Thanh Xuân lựa chọn tiếp 5 phường là Hạ Đình, Thượng Đình, Khương Trung, Nhân Chính, Kim Giang để thành lập 5 đội bắt chó thả rông. Đây là các phường có tổng đàn chó mèo lớn, nơi có tình trạng chó thả rông nhiều, gây bức xúc, có nhiều ý kiến phản ánh trong nhân dân. Tiến tới, năm 2020 sẽ thành lập tại các phường còn lại hoặc thành lập các đội liên phường.

Để thực hiện tốt, UBND quận Thanh Xuân đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo quyết liệt việc bắt và xử lý chó thả rông trên địa bàn quận Thanh Xuân, giao Trạm chăn nuôi & thú y tập huấn kỹ năng bắt chó cho thành viên các Đội xung kích, xây dựng quy trình để hướng dẫn UBND các phường tổ chức bắt và xử lý chó thả rông đúng quy định, các điều kiện và dụng cụ phục vụ bắt chó, xử lý chó sau khi bắt về, địa điểm lưu giữ, thời gian lưu giữ, quy trình chuyển giao cho chủ vật nuôi đến nhận và quy trình xử lý những trường hợp chó vô chủ. Các Đội bắt giữ chó thả rông được quận cấp, hỗ trợ trang bị dụng cụ để bắt chó (chuồng, vợt…); hỗ trợ kinh phí công đi bắt chó cho các thành viên.

Tập trung làm tốt công tác tuyên truyền từ quận đến các phường, nội dung truyền thông đi sâu về các quy định nuôi chó trong khu dân cư, chế tài xử phạt theo Nghị định 90/ 2017/NĐCP của Chính phủ và quy định cụ thể việc bắt và xử lý chó thả rông; gửi thông báo việc bắt chó thả rông đến từng hộ chăn nuôi, phát trên loa truyền thanh của phường và dán thông báo vào bảng tin tổ dân phố, để biển “ Cấm thả rông chó nơi công cộng” tại nơi công cộng, nơi nhiều người qua lại để nhân dân biết, cùng thực hiện, cùng giám sát.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết: “Mô hình thành lập các tổ bắt chó thả rông là một sáng kiến hay, cần được nhân rộng. Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp các ngành, sự đồng thuận của người dân, chắc chắn công tác quản lý chó nuôi phòng chống bệnh Dại trên địa bàn quận Thanh Xuân trong thời gian tới sẽ có chuyển biến tích cực”.

Khánh Phong

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/mo-hinh-to-bat-cho-tha-rong-se-duoc-nhan-rong-tren-toan-quan-160014.html