Mô hình tổ hợp tác dân quân trồng rừng, lý luận và thực tiễn

Tổng kết thực tiễn là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Ðảng lãnh đạo. Thực tiễn vừa qua cho thấy, mô hình 'Hợp tác xã dân quân trồng rừng' hay 'tổ hợp tác trồng rừng' với nòng cốt là lực lượng dân quân là một trong những mô hình đặt ra nhiều vấn đề cần nghiên cứu.

Hà Giang là một tỉnh biên giới đặc biệt khó khăn của vùng trung du miền núi phía bắc. Trong nhiều năm qua tỉnh Hà Giang đã xác định phải phát triển kinh tế đồi rừng, ưu tiên trồng rừng bên cạnh cây dược liệu. Một mặt tỉnh tập trung chỉ đạo liên kết với doanh nghiệp để trồng rừng lấy gỗ lớn và tập trung về diện tích. Mặt khác chỉ đạo thành lập một số hợp tác xã (HTX) mà xã viên là lực lượng dân quân để lập phương án sản xuất, trồng rừng tập trung trên cơ sở quản lý diện tích đất công (đất còn lại của tập thể sau khi đã giao đất giao rừng). Bước đầu một số HTX thí điểm đã trồng được diện tích rừng khá tập trung (các HTX Bạch Ngọc, Thượng Sơn, Ngọc Minh, Quảng Ngần, Thuận Hòa, Kim Thạch của huyện Vị Xuyên). HTX được thành lập theo luật, các xã viên đều đóng góp cổ phần để trở thành cổ đông; phương án sản xuất, kinh doanh được thảo luận trong tập thể; việc sản xuất của HTX cũng chính là nhiệm vụ của lực lượng dân quân trong vấn đề tuần tra quản lý địa bàn. Nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và nhiệm vụ chính trị vừa tách bạch rõ ràng vừa thống nhất trong một lực lượng. Một số HTX theo mô hình cho đến nay đang tiếp tục đề nghị với chính quyền xã giao thêm đất để mở rộng diện tích trồng rừng.

Ðiều đó cho thấy hiệu quả của việc trồng rừng bằng chính lực lượng dân quân gắn với phòng, chống cháy rừng; qua đó đã góp phần nâng cao đời sống của dân quân, tăng cường công tác quản lý đất đai, khắc phục tình trạng để đất đai hoang hóa, không kiểm soát, không sản xuất, khó quản lý.

Theo quy định của Luật Dân quân thì việc thực hiện nhiệm vụ của dân quân là có thời hạn cụ thể, trong khi nếu là xã viên HTX thì không có thời hạn. Các HTX quản lý đất phải theo các quy định của Luật Ðất đai, trong khi mô hình này có cấu trúc chưa chặt chẽ, chưa thực hiện được việc đấu giá, đấu thầu đất. Mô hình này chỉ thực hiện có hiệu quả cao đối với những nơi còn quỹ đất công, đất do tập thể quản lý. Trình độ quản lý, chất lượng nguồn nhân lực vẫn là khâu yếu.

Trước thực trạng có nhiều khó khăn trong quản lý đất chưa giao hay còn gọi là đất tập thể ở cơ sở thì việc nên có một phương pháp quản lý có hiệu lực là cần thiết. Việc khai thác, phát huy các quỹ đất ưu tiên cho phát triển kinh tế đồi rừng là một hướng đi đúng đắn, cần tập trung chỉ đạo. Tuy nhiên như đã nêu ở trên, nếu thành lập HTX thì sẽ có những ràng buộc về pháp lý cần giải quyết. Do vậy cũng từ thực tiễn Hà Giang đã chỉ đạo đó là thành lập "tổ hợp tác trồng rừng" nòng cốt vẫn là lực lượng dân quân. Tổ này hoạt động trên nguyên tắc "nhóm sở thích" và cùng có lợi. Tổ sẽ xây dựng phương án sản xuất và được UBND xã phê duyệt cho quản lý đất công của xã (thậm chí có nghị quyết của xã) và có đóng góp quỹ cho xã theo phương án được duyệt. Nếu thực hiện mô hình này thì sẽ có các thực tiễn sau được giải quyết. Một là: Mỗi xã có một trung đội dân quân nếu biết phát huy thì sẽ có thêm hiệu quả kinh tế, phát huy được vai trò của dân quân ngay trong cộng đồng dân cư nông thôn. Hai là: Quỹ đất công sẽ được quản lý tốt hơn so với trước đây. Ba là: Các định hướng chỉ đạo của xã dễ được triển khai trong mô hình này (gắn với chi bộ quân sự xã). Bốn là: Góp phần thực hiện quan điểm gắn quốc phòng với kinh tế ở địa phương. Năm là: Góp phần thực hiện chủ trương phát triển HTX, các loại hình tổ hợp tác, kinh tế tập thể.

Một mô hình hay là mô hình giải quyết được những bức xúc của thực tiễn. Những mô hình đó cần được tiếp tục động viên và chỉ đạo vừa tổng kết, vừa nhân rộng trong thực tiễn.

Triệu Tài Vinh

Ủy viên T.Ư Ðảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế T.Ư

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/41767802-mo-hinh-to-hop-tac-dan-quan-trong-rung-ly-luan-va-thuc-tien.html