Mô hình VietGap giúp vùng dân tộc thiểu số xóa đói, giảm nghèo

Thời gian qua, mô hình trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn theo tiêu chuẩn VietGap đã giúp vùng dân tộc thiểu số xóa đói, giảm nghèo.

Sáng 27/6, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Hội thảo "Hội nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi", gắn với tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24 của Ban chấp hành Trung ương khóa IX về công tác dân tộc và 25 năm thực hiện Chỉ thị số 45 của Ban Bí thư khóa VII về một số công tác ở vùng dân tộc Mông.

Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đến nay có 2,7 triệu lượt nông dân được các cấp hội nông dân tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ. Qua đó, đã hình thành gần 11.000 mô hình trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, hơn 170.000 mô hình sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Hơn 151.000 hộ nông dân được vay vốn phát triển sản xuất với số tiền hơn 3.000 tỷ đồng. Trong đó có gần 100.000 lượt hộ dân tộc thiểu số nghèo, với số tiền vay đạt 2.100 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trong vùng dân tộc thiểu số vẫn còn cao nhất cả nước, chiếm tới 50%.

Hàng nghìn mô hình trồng trọt, chăn nuôi đã giúp người dân vùng núi xóa đói giảm nghèo. (Ảnh minh họa: KT)

Hàng nghìn mô hình trồng trọt, chăn nuôi đã giúp người dân vùng núi xóa đói giảm nghèo. (Ảnh minh họa: KT)

Ông Nguyễn Nam Long, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình nêu một số nguyên nhân từ thực tế địa phương: “Đối với tỉnh Quảng Bình, số lượng chỉ chiếm 2,4% dân số toàn tỉnh, nhiều tộc người và tỉ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc còn cao. Nguyên nhân là do đồng bào dân tộc đều sinh sống ở vùng sâu, vùng xa; khí hậu thời tiết Quảng Bình rất khắc nghiệt, rất khó trong sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, trình độ dân trí, chất lượng lao động trong đồng bào dân tộc còn hạn chế; tư tưởng trông chờ, ỉ lại vẫn còn cao; thiếu vốn, thiếu khoa học kỹ thuật, thậm chí nhiều hộ thiếu đất sản xuất”.

Sau 25 năm thực hiện Chỉ thị số 45, Trung ương Hội nông dân đã chỉ đạo Hội nông dân các tỉnh vùng đồng bào dân tộc Mông đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tạo điều kiện tốt nhất cho đồng bào phát triển kinh tế-văn hóa, xã hội và sinh hoạt tôn giáo được thuận tiện.

Ông Thào Xuân Sùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho rằng, những kết quả này, phản ánh sự đồng thuận, nỗ lực rất lớn của Hội Nông dân từ Trung ương đến cơ sở, nhưng còn rất nhiều mục tiêu, nhiệm vụ cấp bách cần sự chung tay của tất cả các cấp hội và hội viên trong thời gian tới.

“Chính phủ sẽ tập trung đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống đường giao thông, hệ thống điện quốc gia và nước tưới ẩm, nước sinh hoạt. Đây là 3 lĩnh vực dân cần nhất. Hội Nông dân Việt Nam với Chính phủ phải phối hợp tập trung đầu tư hỗ trợ xây dựng và thực hiện chính sách bảo vệ phát triển rừng và nông dân phải sống được bằng rừng. Điều này phải đổi mới cơ chế quản lý nhà nước về rừng. Phải có một chương trình dự án riêng về dạy nghề cho lao động nông thôn nói chung, cho lao động nông nghiệp ở vùng dân tộc thiểu số nói riêng”, ông Thào Xuân Sùng nhấn mạnh./.

Hoài Thu/VOV4

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/mo-hinh-vietgap-giup-vung-dan-toc-thieu-so-xoa-doi-giam-ngheo-925824.vov