Mồ hôi muối và mồ hôi dầu khác nhau thế nào?

Đây là hai dạng mồ hôi cơ bản mà cơ thể người tiết ra; cách phân biệt mồ hôi muối và mồ hôi dầu thế nào, chúng ảnh hưởng tới làn da ra sao?

Mồ hôi là loại dịch tiết có công dụng làm mát cơ thể khi chúng ta vận động mạnh hoặc thời tiết oi bức. Có hai dạng mồ hôi cơ bản thường gặp, đó là mồ hôi dầu và mồ hôi muối.

Phân biệt mồ hôi muối và mồ hôi dầu

Tuyến mồ hôi hoạt động giống như một “kênh” làm mát của cơ thể. Khi nhiệt độ tăng lên hoặc bạn tập thể dục, vận động mạnh, cơ thể sẽ nóng lên. Lúc này, hệ thần kinh thực vật sẽ nhận được tín hiệu để điều khiển tuyến mồ hôi hoạt động nhiều hơn mức bình thường, giúp cơ thể nhanh chóng hạ nhiệt.

TS Jasrup Kaur, chuyên gia nội khoa tại Tập đoàn Y tế Hackensack Meridian, Mỹ, cho biết: “Đổ mồ hôi là một chức năng quan trọng của cơ thể, giúp bạn hạ nhiệt khi quá nóng”.

Thành phần chủ yếu của mồ hôi là nước. Trong mồ hôi có các chất điện giải như natri, clorua và kali; ngoài ra còn có một số chất thải từ quá trình chuyển hóa của cơ thể như amoniac và urê. Đây là lý do vì sao khi bạn ăn nhiều thực phẩm giàu protein, mồ hôi sẽ có mùi khai khó chịu.

Trên bề mặt da, mồ hôi cũng "chở" theo lượng dầu mà các tuyến nhờn cung cấp nhằm giữ ẩm cho da. Tuy nhiên, lượng muối và dầu trong mồ hôi của mỗi người không giống nhau. Đó là yếu tố giúp bạn phân biệt mồ hôi muối và mồ hôi dầu.

Mồ hôi muối là gì?

Mồ hôi muối khá phổ biến, là dạng mồ hôi có vị mặn cao. Độ mặn của mồ hôi ít nhiều có sự thay đổi, phụ thuộc vào cơ địa của từng người và một số yếu tố khác như khẩu phần ăn, bệnh lý hay mức độ vận động. Ở những người có mồ hôi muối, khi mồ hôi đổ nhiều, trên da và quần áo thường có vệt trắng do các tinh thể muối kết tinh.

Khi đổ mồ hôi quá nhiều, bạn không chỉ mất nước mà còn mất muối và các khoáng chất khác.

Mồ hôi dầu là dạng mồ hôi có kèm theo dầu, có cảm giác nhờn dính. Còn mồ hôi muối có vị mặn. (Ảnh: Real Simple)

Độ mặn cao của mồ hôi có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý, chẳng hạn như xơ nang.

Mồ hôi dầu là gì?

Mồ hôi dầu là dạng mồ hôi có kèm theo nhiều dầu, gây cảm giác nhờn dính. Loại mồ hôi này thường để lại vết ố trên quần áo, khiến cơ thể có mùi chua, da dễ bị nổi mụn. Mồ hôi dầu xuất hiện ở cả nam lẫn nữ, phổ biến nhất ở những người trẻ tuổi.

Lớp dầu nhờn ở trên da là một trong những yếu tố bảo vệ da, ngăn ngừa tình trạng lão hóa. Tuy nhiên, làn da tiết dầu quá mức sẽ khiến lỗ chân lông bị bít tắc, da trở nên nhạy cảm hơn và dễ nổi mụn. Bên cạnh đó, quần áo sẽ bị ố vàng ở những vị trí tiết ra nhiều dầu nhờn, gây mất tự tin khi giao tiếp với người khác.

Có nhiều nguyên nhân khiến da tiết mồ hôi dầu nhiều hơn bình thường. Hiện tượng này có thể liên quan đến sự rối loạn các chức năng của hệ thần kinh thực vật và có tính di truyền.

Tình trạng tiết mồ hôi nhờn cũng thường xuất hiện trong giai đoạn tiền mãn kinh, khi nội tiết tố có sự thay đổi. Mồ hôi nhờn nhiều cũng có thể do thừa cân hoặc những bệnh mạn tính như cường giáp, stress, ung thư, tiểu đường...

Nguyệt Ánh (Tổng hợp)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/mo-hoi-muoi-va-mo-hoi-dau-khac-nhau-the-nao-ar828058.html