Mở hướng thoát nghèo cho người dân vùng biên

Trong những năm qua, nhờ tập trung phát triển các nguồn lực tại chỗ nên kinh tế nông nghiệp của các địa phương vùng biên giới phía Bắc đã có bước chuyển biến tích cực. Đặc biệt, sự vào cuộc của các HTX đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất, từ tự cấp tự túc sang sản xuất hàng hóa, liên kết bao tiêu, nâng cao giá trị nông sản địa phương, giúp giảm nghèo bền vững.

Thông qua việc triển khai liên kết sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm... các HTX thuộc các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc như: Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Lạng Sơn... đang khẳng định vai trò, vị trí của mình trong việc tạo công ăn việc làm, hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo...

Phát triển sản phẩm OCOP

Đơn cử như Chương trình OCOP, bằng việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, các HTX đã triển khai nhiều chương trình giúp đỡ các thành viên, người lao động phát triển sản xuất, kinh doanh bằng chính sản phẩm thế mạnh của địa phương.

Các sản phẩm đạt chuẩn OCOP sẽ giúp HTX, hộ dân thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Các sản phẩm đạt chuẩn OCOP sẽ giúp HTX, hộ dân thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Như ở HTX Tân Thịnh Phát, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La, với quyết tâm phát triển giống cây địa phương, HTX đã mạnh dạn đầu tư trồng 11ha chuối nuôi cấy mô theo hướng VietGAP ứng dụng công nghệ cao. Sản phẩm chuối sấy lạnh của HTX được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh và được đánh giá đạt 3 sao vào cuối tháng 12/2022.

Anh Tòng Văn Đội, Phó Giám đốc HTX cho biết, sau hơn một năm trồng và chăm sóc, đến thời điểm này, cây chuối đã bắt đầu cho "trái ngọt". Để nâng cao chất lượng sản phẩm, HTX đã tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP. HTX đã đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy móc đưa ra sản phẩm chuối sấy khô. Chuối sấy lạnh được chế biến bằng công nghệ sấy lạnh tiên tiến, giữ lại được 100% hương vị và giá trị tự nhiên từ nguồn gốc chuối tươi của Sơn La.

"Chúng tôi áp dụng công nghệ sấy bằng phương pháp dung không khí khô để làm giảm độ ẩm của sản phẩm, cô lượng đường của chuối sấy, từ đó tạo ra sản phẩm không quá khô, dẻo, độ ngọn vừa phải, giữ được vị tự nhiên của quả chuối. 100% sản phẩm được chế biến từ quả chuối tự nhiên, không có chất bảo quản", anh Đội nói.

Ông Đặng Quang Hưng, Chủ tịch UBND huyện Phù Yên, cho biết, các sản phẩm đạt chuẩn OCOP sẽ giúp HTX, hộ dân tiếp cận với các phương thức sản xuất, quản lý kinh doanh theo hướng hiện đại hóa, cải thiện được mẫu mã, bao bì sản phẩm, mã vạch, gia tăng giá trị hàng hóa nông sản, góp phần quan trọng vào thay đổi cách làm truyền thông, nâng cao giá trị sản phẩm vùng biên. Huyện cũng tích cực tuyên truyền, vận động các chủ thể sản xuất thực hiện nghiêm các quy định và kiểm tra chặt chẽ.

Thời gian tới, tiếp tục phổ biến nội dung các tiêu chí đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP, khuyến khích HTX mở rộng quy mô sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tăng cường khả năng kết nối giữa người sản xuất, với các nhà đầu tư và người tiêu dùng, củng cố chuỗi giá trị hiện có gắn với phát triển các sản phẩm OCOP tại các xã, thị trấn trên toàn huyện.

HTX đồng hành cùng thành viên làm giàu

Còn tại vùng đất biên giới phía Bắc của tỉnh Lạng Sơn, thời gian qua sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của người dân còn gặp nhiều khó khăn, hầu hết các sản phẩm nông sản vẫn được người nông dân sản xuất theo phương thức cũ.

HTX vùng biên đã quy tụ được số lượng lớn thành viên, hàng năm tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động.

Trong bối cảnh đó, sự ra đời của HTX nông nghiệp sản sạch Tràng Định, huyện Tràng Định là một giải pháp hữu hiệu giúp cho người nông dân là thành viên HTX thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và có mức thu nhập ổn định so với những hộ gia đình nông dân trên địa bàn không phải là thành viên HTX.

Ông Hoàng Văn Hải, Giám đốc HTX cho biết, Tràng Định là huyện vùng cao biên giới nằm ở phía Bắc của tỉnh Lạng Sơn với đường biên giới dài 52 km. Tràng Định là địa phương nổi tiếng với nhiều nông sản đặc sản. Chính vì vậy, ngay từ khi thành lập, HTX đã xác định lĩnh vực chính là kinh doanh dịch vụ đầu tư vào nông nghiệp, cây trồng, vật nuôi, chế biến thực phẩm. Trong đó, mục tiêu chủ yếu là kinh doanh và trồng lúa bao thai hồng, bao thai trắng, lúa nếp cái ong vàng và các nông sản, đặc sản của Tràng Định

Với tâm huyết xây dựng thương hiệu và tìm đầu ra ổn định cho các loại nông sản, đặc sản địa phương, những năm qua, HTX nông sản sạch Tràng Định trở thành đầu mối thu mua với giá ổn định, giúp người dân nâng cao thu nhập, tránh bị tiểu thương ép giá.

Ngoài liên kết trồng lúa, HTX nông sản sạch Tràng Định còn hợp đồng với người dân trên địa bàn huyện trồng và bao tiêu các sản phẩm nông sản, đặc sản như: rau củ quả an toàn, bí thơm, thạch đen, cốm, cây cà gai leo… với giá cả ổn định, thậm chí cao hơn thị trường, nên bà con rất yên tâm.

Đặc biệt là sản phẩm gạo nếp cái ong vàng của HTX đã được UBND tỉnh Lạng Sơn công nhận OCOP 3 sao. Việc công nhận sản phẩm OCOP này đã ghi nhận sự nỗ lực của HTX, đồng thời từng bước khẳng định giá trị cũng như thương hiệu sản phẩm mà HTX đã và đang xây dựng.

“Từ khi thành lập đến nay, HTX đã tham gia rất nhiều hội chợ tại các tỉnh bạn để trưng bày các sản phẩm nông sản, đặc sản của Tràng Định nói riêng và của Lạng Sơn nói chung. Từ đó đã có rất nhiều khách hàng tại các tỉnh bạn biết đến đặc sản của Lạng Sơn”, Giám đốc Hoàng Văn Hải chia sẻ.

Có thể thấy, các HTX vùng biên đã quy tụ được số lượng lớn thành viên, hàng năm tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động. Cùng với đó, các HTX cũng đã xây dựng được sản phẩm thương hiệu theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGap và đưa nhiều sản phẩm có giá trị ra thị trường. Nhờ phát triển kinh tế HTX, nhiều hộ nông dân trên địa bàn không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu từ các ngành, nghề sản xuất. Đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế của hộ gia đình nông thôn, khu vực biên giới.

Đoàn Huyền

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/mo-huong-thoat-ngheo-cho-nguoi-dan-vung-bien-1091311.html