Mộ huyệt đất và mộ chum - bí ẩn của di tích Bãi Cọi

Di tích Bãi Cọi là một quần thể mộ táng được phân bố trên một diện tích rộng lớn với hai loại hình mộ chính là mộ huyệt đất và mộ chum được chôn xen kẽ. Bãi Cọi là di tích khảo cổ học đặc biệt, bởi nó mang đặc trưng của cả hai nền văn hóa Đông Sơn và Sa Huỳnh nổi tiếng. Điều đó chứng tỏ, với vị trí đặc biệt, Bãi Cọi chính là nơi hội tụ, gặp gỡ của cư dân văn hóa Sa Huỳnh và Đông Sơn. Vì vậy, di tích Bãi Cọi có ý nghĩa rất quan trọng…

Cán bộ phòng Nghiên cứu- Sưu tầm Bảo tàng LSQG xử lý hiện trường khai quật khu di tích Bãi Cọi.

Khám phá mộ huyệt đất và mộ chum

Di tích khảo cổ học Bãi Cọi là cụm di tích bao gồm Bãi Cọi và các địa điểm xung quanh như Bãi Lòi, Bãi Phôi Phối, thuộc xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.

Tháng 5 năm 1974, Khoa Lịch sử trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) đã tiến hành thăm dò, thám sát Bãi Phôi Phối; đến tháng 4 năm 1976, chính thức khai quật địa điểm này. Kết quả khai quật phát hiện nhiều đồ gốm, đồ đá, rìu mài ở lớp trên và công cụ ghè đẽo ở lớp dưới. Những người khai quật đưa ra những nhận định ban đầu: Bãi Phôi Phối là di chỉ Hậu kỳ Đá mới thuộc văn hóa Bàu Tró, ngoài ra cũng ghi nhận tại đây có cư dân thời đại đồng thau hoặc muộn hơn tại đây.

Năm 1977, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) khảo sát Bãi Phôi Phối và thu được một số hiện vật, đặc biệt là 2 vòng thủy tinh màu xanh lục có đường kính khoảng 8 - 9cm. Đây là dấu hiệu cho thấy sự tồn tại của một giai đoạn muộn hơn ở di tích Bãi Phôi Phối.

Ông Nguyễn Thành Đồng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ, cuối năm 2008 đến đầu năm 2009, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh, Bảo tàng Hà Tĩnh tiến hành khai quật di tích Bãi Cọi lần thứ nhất và đã thu được khối lượng lớn di vật cùng 16 mộ. Các nhà nghiên cứu nhận định đây là di tích mộ táng mang dấu ấn văn hóa Sa Huỳnh nhưng có giao lưu, ảnh hưởng mạnh với văn hóa Đông Sơn, tồn tại vào khoảng thế kỷ I - II.

Cuối năm 2009, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tiếp tục tiến hành cuộc khai quật lần thứ hai tại Bãi Cọi đồng thời tiến hành khảo sát rộng ở các khu vực xa trung tâm di tích và mở một số hố thám sát tại Bãi Phôi Phối, Bãi Lòi, Tráng Vạn, Đền Phúc Đa... và đã phát hiện 13 mộ cùng nhiều đồ tùy tang. Tổng thể di tích, di vật trong lần khai quật này đã cho thấy rõ hơn tính chất văn hóa Sa Huỳnh của di tích Bãi Cọi. Khu mộ táng này phân bố trên một địa bàn khá rộng, tồn tại từ khoảng thế kỷ III trước Công nguyên đến đầu Công nguyên. Đây là khung niên đại này được cho rằng phù hợp hơn so với nhận định ban đầu trong lần khai quật thứ nhất.

Độc đáo mộ huyệt đất.

Cuối năm 2012, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh, Bảo tàng Hà Tĩnh và Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc khai quật lần thứ ba di tích Bãi Cọi. Và đã phát hiện 15 mộ với số lượng đồ tùy táng phong phú. Chương trình hợp tác khai quật này đã làm sáng tỏ nhiều bí ẩn: Bãi Cọi thuộc văn hóa Sa Huỳnh vùng Trung bộ, có sự du nhập của văn hóa Đông Sơn (miền Bắc) và văn hóa đồ sắt Trung Quốc.

Hiện vật thu được qua các đợt nghiên cứu, khai quật chủ yếu nằm trong các mộ táng này. Căn cứ vào khối lượng di vật, tư liệu hiện biết, mộ chum - đặc trưng văn hóa Sa Huỳnh có niên đại diễn biến từ sớm tới muộn; mộ huyệt đất - mang đặc điểm táng thức của văn hóa Đông Sơn có niên đại muộn hơn, nhiều trường hợp mộ huyệt đất đào cắt qua những mộ chum đã chôn trước đó. Điểm lý thú, tạo nên giá trị đặc biệt của di tích Bãi Cọi là trong các mộ chum (Sa Huỳnh) có các hiện vật thuộc văn hóa Đông Sơn, ngược lại trong các mộ huyệt đất (Đông Sơn) lại không hiếm gặp các hiện vật mang đặc trưng văn hóa Sa Huỳnh và cả những hiện vật thuộc văn hóa đồ sắt Trung Quốc.

Mộ chum là một trong những táng thức điển hình, được coi là dấu hiệu nhận biết của văn hóa Sa Huỳnh. Qua 3 lần khai quật Bãi Cọi, các nhà khảo cổ đã phát hiện được 17 mộ chum. So với những chum gốm của các di tích văn hóa Sa Huỳnh điển hình, chum gốm ở Bãi Cọi có kích thước nhỏ hơn, hình dáng biến đổi nhiều, chủ yếu là hình trái đào và hình trứng. Đây là một dạng biến thể mang tính địa phương, loại chum gốm này cũng đã được tìm thấy ở di tích Gò Mả Vôi (Duy Xuyên, Quảng Nam), Cồn Ràng (Hương Trà, Thừa Thiên - Huế). Nắp chum gồm có các loại: nắp nón cụt, nắp “hình lồng bàn” và nắp bằng nồi hoặc bát bồng. Những mộ chum cỡ lớn được chôn theo phương thức đào huyệt hình tròn sau đó đặt chum vào giữa phủ đất ngang vai chum và chôn các đồ tùy táng xung quanh, trong một vài chum gốm còn thấy dấu vết xương cháy (dấu hiệu của hài cốt được hỏa táng).

Đồ tùy táng bên trong và xung quanh các chum gốm này chủ yếu là đồ gốm thuộc các loại hình: nồi, bình, bát bồng, chõ... Bên cạnh các đồ gốm với kiểu dáng, kỹ thuật, hoa văn đặc trưng Sa Huỳnh còn có các đồ gốm có nguồn gốc từ văn hóa Đông Sơn như:nồi, bìnhgốm văn chải thô, chõ gốm...

Mộ huyệt đất (kè gốm, rải gốm) là một trong những táng thức phổ biến của văn hóa Đông Sơn. Tại di tích Bãi Cọi, mộ huyệt đất có niên đại muộn hơn so với mộ chum; nhiều trường hợp mộ huyệt đất đào cắt qua những mộ chum đã chôn trước đó; huyệt mộ dùng các mảnh gốm để kè biên, phân chia khu vực mai táng trung tâm và khu vực tùy táng. Đồ gốm tùy táng được đập vỡ một cách cố ý xếp, chèn quanh di cốt. Hình thức này rất gần gũi với táng thức mộ huyệt đất ở di tích Làng Vạc (Nghệ An) gần đó - một di tích thuộc loại hình sông Cả của văn hóa Ðông Sơn.

Đồ gốm tùy táng trong mộ huyệt đất tại di tích Bãi Cọi được chôn thành bộ điển hình gồm chõ - bình có chân - nồi... Đồ gốm tùy táng trong mộ huyệt đất có những hiện vật mang đặc trưng đồ gốm văn hóa Đông Sơn với văn chải thô, văn thừng, văn đập... và một số đồ tùy táng thuộc các loại hình bình, nồi, bát bồng... mang đặc trưng rõ nét của văn hóa Sa Huỳnh. Điều đó chứng tỏ mối quan hệ, giao lưu, ảnh hưởng đặc biệt mật thiết giữa cư dân của hai nền văn hóa này tại di tích Bãi Cọi.

Mộ nồi bình úp nhau.

150 hiện vật “kể chuyện” “Bãi cọi nơi gặp gỡ các nền văn hóa”

Nhằm tổng kết, đánh giá những kết quả nghiên cứu về di tích này, cũng như ghi nhận thành công của mô hình hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, khai quật khảo cổ học giữa Bảo tàng Lịch sử quốc gia với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh và các nhà khoa học của Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Bảo tàng Hà Tĩnh tổ chức trưng bày chuyên đề “Bãi Cọi - Nơi gặp gỡ các nền văn hóa” bắt đầu từ ngày 18/11/2020 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (số 1 Phạm Ngũ Lão, Hà Nội).

Ông Nguyễn Quốc Bình, Trưởng phòng Trưng bày (Bảo tàng Lịch sử quốc gia) cho hay, trưng bày giới thiệu với công chúng trên 150 hiện vật, tư liệu thuộc sưu tập hiện vật Bãi Cọi lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Bảo tàng Hà Tĩnh. Có thể kể tới: Hiện vật bình gốm Sa Huỳnh có hiện trạng nguyên lành và hoa văn đặc trưng nhất; Mộ nồi úp bình - táng thức đặc biệt được phát hiện tại di tích Bãi Cọi; Chõ - hiện vật gốm đặc thù được tùy táng bên trong các mộ thuộc cả hai loại hình mộ huyệt đất và mộ chum, phản ánh phong tục mai táng liên quan đến văn hóa ăn uống của cư dân ở đây; Thạp đồng Đông Sơn bên trong đặt một bát đồng thời Hán và một bình gốm Sa Huỳnh. Đồ kim: rìu, lưỡi cày, mũi tên, mũi chĩa đồng; khuyên tai kim loại, vòng tay đồng. Đồ sắt gồm có mũi lao sắt, dao sắt, cuốc sắt, rìu đồng gồm có rìu hình chữ nhật, rìu xòe cân, rìu mũi hài

Công cụ, vũ khí kim loại cùng các vật dụng như chì lưới, dọi xe sợi bằng đất nung cho thấy đời sống kinh tế phong phú của cư dân Bãi Cọi. Đây là những cư dân nông nghiệp phát triển biết dùng cày, cuốc, có nghề làm gốm, nghề đánh cá và có thể cả nghề làm muối kết hợp với săn bắt, hái lượm những sản vật tự nhiên; nghề dệt vải cũng đã có mặt và phát triển trong cộng đồng này.

Ông Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho hay, trưng bày “Bãi cọ nơi gặp gỡ các nền văn hóa” là dịp để công chúng trong nước và bạn bè quốc tế có thêm nhận thức về vị trí, vai trò của di tích này trong diễn trình lịch sử, văn hóa Việt Nam.

Bảo Mi

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/mo-huyet-dat-va-mo-chum--bi-an-cua-di-tich-bai-coi-d141307.html