Mở kênh đối thoại Mỹ-Iran: Tàu Nga tăng tốc về Trung Đông

Sự thay đổi từ vùng đất nóng khiên việc mở kênh đối thoại giữa Mỹ và Iran đã cần thiết với Nga trong vị thế thực thể cân bằng quyền lực...

Nga sẵn sàng mở kênh đối thoại cho Mỹ và Iran

Theo TASS, phát biểu với báo giới hôm 14/1, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết rằng Moscow sẵn sàng hỗ trợ thiết lập kênh đối thoại trực tiếp giữa Washington và Tehran, nếu các bên cùng quan tâm đến đối thoại thay cho đối đầu.

"Nhiều quốc gia đã nỗ lực thuyết phục Mỹ và Iran cùng ngồi vào bàn đàm phán để giảm bớt căng thẳng. Chúng tôi cũng sẵn sàng giúp đỡ nếu các bên thực sự quan tâm đến vấn đề này".

Đây là lần đầu tiên Moscow chính thức và công khai đề cập đến việc sẵn sàng hỗ trợ mở kênh đối thoại nhằm giúp hạ nhiệt căng thẳng giữa Washington với Tehran tại khu vực Trung Đông, đảo ngược lập trường của mình.

Giới phân tích từng nhận định việc Nga kiên trì không kích hoạt kênh đối thoại nhằm giúp hạ nhiệt căng thẳng giữa Mỹ và Iran được cho là tính toán của Tổng thống Putin "vì thế giới và vì nước Nga", mà mục đích là kết liễu thế giới đơn cực.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov

Đó là Tổng thống Putin quyết không để Mỹ hợp pháp hóa việc phá vỡ thỏa thuận hạt nhân Iran, nó sẽ tạo ra "tiền lệ pháp nguy hiểm" là Washington có thể phá vỡ bất cứ thỏa thuận quốc tế nào mà Mỹ đã tham gia và ký kết.

Có thể thấy, bản chất xung đột Mỹ-Iran là thỏa thuận hạt nhân lịch sử, còn các hành động thù địch giữa Washington và Tehran chỉ là vấn đề phái sinh. Vì vậy, khi hướng vào giải quyết vấn đề phái sinh nghĩa chấp nhận việc phá vỡ thỏa thuận của Mỹ.

Trong bối cảnh ấy, nếu ông Putin kích hoạt kênh đối thoại cho Mỹ và Iran là rơi vào bẫy của ông Trump, mở ra cơ hội cho Washington có thể phá vỡ bất cứ thỏa thuận quốc tế nào mà thấy không còn có lợi cho Mỹ.

Với vị thế nước Nga trên trường quốc tế hiện nay, điều đó chẳng khác nào Moscow vô hình chung giúp Washington tái lập thế giới đơn cực, từ đó đưa nước Nga rơi vào vòng xoáy xoay quanh trục Mỹ.

Thực tế đó sẽ khiến Nga không còn là thực thể cân bằng quyền lực với Mỹ-phương Tây, như kỳ vọng của đa số người dân trên toàn thế giới, theo khảo sát của BBC trước khi ông Putin ra tranh cử tổng thống Nga nhiệm kỳ 4.

Có thể khẳng định, đây mới là nguy hại mà Tổng thống Putin phải tránh và là nguyên nhân của việc Nga kiên trì không kích hoạt kênh đối thoại cho Mỹ và Iran, dù thùng thuốc súng Trung Đông ngày càng nóng.

Tuy nhiên, rạng sáng 6/1 chính quyền Iran đã tuyên bố nước này không còn tuân thủ giới hạn làm giàu urani, đảo ngược những cam kết mà Tehran đã ký với nhóm P5+1 về vấn đề hạt nhân của Iran.

Với sự thay đổi căn bản như vậy từ phía Tehran, việc mở kênh đối thoại chính thức giữa Mỹ và Iran đã trở nên cần thiết với Nga trong vị thế của một thực thể cân bằng quyền lực, nhất là sau khi Mỹ ám sát tướng Soleimani và Iran đã trả đũa.

Iran thay đổi lập trường về Thỏa thuận hạt nhân, tạo điều kiện cho Nga mở kênh đối thoại

Ông Putin thúc đẩy con tàu Nga tăng tốc tiến về Trung Đông

Khi Tehran chưa thay đổi lập trường mà Nga kích hoạt kênh đối thoại cho Mỹ và Iran thì sẽ đưa Iran vào ảnh hưởng của vòng xoáy ngoại giao nước lớn, từ đó vô hình trung đưa Iran trở thành đồng minh của Nga, điều mà Moscow chưa sẵn sàng.

Dù chính quyền Trump đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, nhưng nếu Moscow kích hoạt kênh đối thoại với Washington, chắc chắn Tehran sẽ chấp nhận. Bởi điều đó sẽ như một sự bảo đảm cho Iran trước mối đe dọa của Mỹ.

Khi được Nga bảo trợ trước sức mạnh Mỹ, chẳng khác nào Iran đã có đồng minh. Như vậy, điểm yếu nhất của Iran được Nga giúp khắc phục qua kích hoạt kênh đối thoại Mỹ-Iran. Iran chính thức rơi vào ảnh hưởng của ngoại giao nước lớn Nga-Mỹ.

Chỉ có điều, khi đưa Iran vào vòng xoáy ngoại giao nước lớn Nga-Mỹ, trong khi Nga-Iran chưa phải là đồng minh chiến lược, sẽ khiến Nga rơi vào cảnh phải đánh đổi lợi ích thực tế cho Mỹ, rồi chờ đợi lợi ích kỳ vọng từ quan hệ Mỹ-Iran.

Theo giới phân tích, Nga chưa sẵn sàng xây dựng quan hệ đồng minh chiến lược với Iran, lý do là bởi Tổng thống Putin thực hiện chính sách đối ngoại "ưu tiên xây đối tác hơn là kết đồng minh", vì nó có lợi cho nước Nga trong bối cảnh hiện nay.

Rõ ràng, nếu kích hoạt kênh đối thoại cho Mỹ và Iran, vị thế của Nga được nâng lên, song lợi ích của nước Nga không hẳn được gia tăng theo tỷ lệ thuận với vị thế ấy, vì phải đánh đổi lợi ích thực tế lấy lợi ích kỳ vọng theo cung bậc của quan hệ Mỹ-Iran.

Tuy nhiên, khi cho không kích Baghdad tiêu diệt Tư lệnh đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran Qasem Soleimani, Tổng thống Trump đã làm hỏng ván cờ của Mỹ, khiến Mỹ không thể thay đổi thế cờ tại Trung Đông.

Điều này khiến cho việc Tổng thống Putin cho kích hoạt kênh đối thoại nhằm giảm căng thẳng giữa Washington và Tehran sẽ không đưa Iran vào vòng xoáy của ngoại giao nước lớn, Nga chưa phải kết đồng minh và bảo trợ cho Iran.

Tổng thống Putin quyết đẩy nhanh con tàu Nga tiến về Trung Đông

Vì vậy, dù Ngoại trưởng Lavrov đã nhấn mạnh rằng Moscow chỉ giúp mở kênh đối thoại, chứ không trực tiếp can thiệp vào quan hệ giữa Mỹ và Iran, đảm vai trò của thực thể cân bằng quyền lực, nhưng chắc chắn vị thế của Nga sẽ được nâng lên.

Trong khi đó, sau khi tướng Soleimani tử vì đạo thì Nga có lợi thế hơn Mỹ trong việc nâng tầm quan hệ với thế giới Hồi giáo, mà chính giới truyền thông và giới chính trị Mỹ cũng đã phải nhìn nhận, ghi nhận và công nhận điều này, theo CNN.

Với vị thế và lợi thế ấy, rõ ràng Tổng thống Putin đã tính toán rất kỹ khi sẵn sàng giúp mở kênh đối thoại giữa Mỹ và Iran nhằm làm giảm nhiệt cho thùng thuốc súng Trung Đông. Với nước đi này, Vladimir Putin giúp con tàu Nga tăng tốc tiến về vùng đất nóng.

Ngọc Việt

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/mo-kenh-doi-thoai-my-iran-tau-nga-tang-toc-ve-trung-dong-3395223/