'Mở khóa' giảm nghèo cho người dân vùng cao với những cách làm mới

Dù không có nhiều lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, song nhờ sự chủ động trong đổi mới phương thức sản xuất, ứng dụng hiệu quả cơ giới hóa, lĩnh vực nông nghiệp của nhiều địa phương vùng cao vẫn có được những thành công ấn tượng, nâng cao thu nhập cho người dân.

Từ sự thay đổi nhận thức của người dân và hành động của các cấp, các ngành trong việc đổi mới phương thức chăn nuôi, trồng trọt, phát triển nghề truyền thống..., nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở Quản Bạ (Hà Giang) đã và đang vươn lên thoát nghèo, làm giàu.

Chủ động bắt tay sản xuất

Điển hình như ở Tùng Vài, những năm qua, xã đã đẩy mạnh phối hợp cùng Đoàn Thanh niên kêu gọi các bạn trẻ cùng nhau liên kết làm kinh tế, thổi một làn gió mới vào hoạt động sản xuất tại địa phương.

Kết quả, đến nay, xã đã hình thành được các mô hình có tiềm năng phát triển và đem lại hiệu quả kinh tế cao như Tổ hợp tác thanh niên thôn Bản Thăng nuôi trên 600 con vịt bầu cổ ngắn; mô hình sản xuất của HTX Suối Vui kinh doanh phân bón, chế biến chè, vật liệu xây dựng, hay mô hình tổng hợp về chăn nuôi và sửa xe máy…

Việc bắt tay sản xuất đã giúp nông dân vùng cao nâng cao giá trị canh tác, thoát nghèo bền vững.

Anh Nguyễn Cao Chiến, Giám đốc HTX Suối Vui cho biết, HTX đang thu hút được 17 thành viên, với trên 50% là đồng bào dân tộc thiểu số. Công suất chế biến đạt khoảng 8 tấn chè tươi/ngày, trong đó chè sản xuất theo quy trình qua máy sao, vò đạt 3 tấn/ngày. Ngoài xuất bán cho các thương lái, HTX còn xuất khẩu sang Trung Quốc giúp mang lại nguồn thu gần 1 tỷ đồng/năm.

Cũng giống như ở Quản Bạ, thời gian qua, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) đang đẩy mạnh chuyển giao khoa học – kỹ thuật, coi đây như một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Nhờ ứng dụng hiệu quả công nghệ cao, giá trị canh tác của người dân trên địa bàn huyện ngày càng được cải thiện.

Đơn cử, mô hình trồng dưa chuột VietGAP đang dần phát huy hiệu quả kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân huyện Sơn Dương. Đáng chú ý, HTX chăn nuôi và sản xuất giống gia cầm Minh Tâm, xã Tú Thịnh, đang là một trong những điểm tựa sản xuất cho nông dân.

Ông Nguyễn Văn Đoan, thôn Gò Hu, xã Vĩnh Lợi là một trong những hộ tiên phong trồng dưa chuột ở Sơn Dương cho hay, sau năm đầu tiên khởi điểm với diện tích gần 1 ha đối mặt với nhiều khó khăn trong tiêu thụ, năm 2020 với sự đồng hành của HTX, ông nâng diện tích sản xuất lên 2 ha khi thấy đầu ra có chuyển biến.

HTX phát huy vai trò cầu nối

Theo tính toán, dưa chuột có thời vụ trong khoảng 40 - 45 ngày, năng suất bình quân đạt 52 - 55 tấn/ha. Với giá bình quân hiện đạt trên 4.000 đồng/kg, các hộ sản xuất có thể thu về gần 200 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí, cao gấp nhiều lần trồng lúa truyền thống.

Đại diện HTX Minh Tâm cho biết, để mở rộng diện tích trồng dưa chuột, HTX đã phối hợp với các xã xây dựng các mô hình điểm để nông dân đến tận nơi học hỏi kinh nghiệm, nâng cao trình độ thâm canh.

Sau khi ký hợp đồng tiêu thụ với người dân, HTX cung cấp giống, vật tư, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh theo tiêu chuẩn an toàn sinh thái, đảm bảo cây dưa sinh trưởng, phát triển tốt, sản phẩm đạt tiêu chuẩn thu mua.

Với những thành công đang có, HTX Minh Tâm đang tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với HTX An Hòa, tranh thủ sự hỗ trợ của các ban ngành huyện Sơn Dương để xây dựng chuỗi giá trị hàng hóa, hình thành thương hiệu dưa chuột mang tính đặc trưng thế mạnh tại địa phương.

Các HTX đang có đóng góp tích cực trong thúc đẩy kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo tại vùng cao.

Thực tế chỉ ra, các HTX là một trong những nhân tố quan trọng trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở Sơn Dương. Thống kê cho thấy, đến nay, toàn huyện có trên 40 HTX nông, lâm nghiệp, với nhiều HTX điển hình như: HTX Vĩnh Tân (xã Tân Trào), HTX chè Ngân Sơn Trung Long (xã Trung Yên), HTX nông lâm nghiệp xã Đại Phú, HTX nấm sạch Bình Yên, HTX chăn nuôi và giống gia cầm Minh Tâm (xã Tú Thịnh)…

Có thể thấy, nếu có sự chủ động trong đổi mới phương thức sản xuất, ứng dụng hiệu quả cơ giới hóa, công nghệ cao vào canh tác, các địa phương vùng cao cũng có thể tạo ra sự đột phá trong nông nghiệp, từ đó làm giàu cho nông dân. Đặc biệt, nếu phát huy tốt vai trò của các HTX, quá trình xóa đói, giảm nghèo sẽ được đẩy nhanh tốc độ đáng kể.

Vào đầu tháng 11 vừa qua, chia sẻ tại Tọa đàm “HTX: Đòn bẩy giảm nghèo đa chiều bền vững”, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân khẳng định kinh tế tập thể, HTX có vai trò vô cùng quan trọng trong thúc đẩy giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng bền vững.

Bởi kinh tế tập thể là một hình thức kinh tế chia sẻ, phát triển gắn với chuỗi giá trị. Kinh tế tập thể với nòng cốt là các HTX hoạt động có sự công bằng, không phân biệt người giàu, người nghèo. Điều này khác với mô hình công ty cổ phần, ai đóng góp nhiều thì có quyền năng nhiều.

Nhân rộng các HTX

Hiện nay, cả nước có gần 30.000 HTX, trên 223.000 tổ hợp tác, trong đó riêng vùng dân tộc thiểu số có khoảng 5.000 HTX và hơn 10.000 tổ hợp tác. Nhiều HTX, tổ hợp tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang làm tốt vai trò tạo việc làm, nâng cao thu nhập, nhận thức cho bà con.

Tiêu biểu như HTX thổ cẩm Tả Phìn (Sa Pa, Lào Cai) đã thu hút được 140 thành viên và nhiều hộ liên kết. Mỗi năm, HTX cung ứng hàng chục nghìn sản phẩm ra thị trường trong nước và nước ngoài.

Nhờ đó, HTX đã đem lại nguồn thu nhập khá ổn định cho các thành viên ở mọi lứa tuổi, ít nhất cũng đạt khoảng 3-4 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, nhờ vậy mà họ không phải đi bán hàng rong, chèo kéo khách du lịch như trước.

Thời gian tới, để tiếp tục phát huy vai trò của HTX trong giảm nghèo tại các địa phương vùng cao, vùng sâu, vùng xa, theo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân, trước tiên cần phát huy vai trò nòng cốt của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam trong việc bảo vệ quyền, lợi ích cho HTX thành viên. Đi liền với đó là chú trọng phát triển các HTX theo hướng chuỗi giá trị để mang lại giá trị lớn về chất lượng, số lượng nông sản.

Muốn vậy, cần hỗ trợ HTX về nguồn lực cũng như hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm, vì nội lực HTX còn mỏng. Nhất là việc hỗ trợ HTX đưa nông sản vào hệ thống siêu thị đang gặp khó khăn do cơ chế của chính các siêu thị, nên cần đẩy mạnh bằng các cơ chế, chính sách cho vay ưu đãi để hỗ trợ HTX đa dạng đầu ra, đầu tư máy móc, bao bì, xây dựng thương hiệu…

Đặc biệt, các địa phương vùng miền núi nên đẩy mạnh mô hình tổ hợp tác vì đây là mô hình dễ hình thành, phù hợp với đặc thù dân cư thưa thớt nhưng vẫn đảm bảo tính cộng đồng cao. Sau đó, khi tổ hợp tác ổn định sẽ phát triển lên HTX thì nền tảng của HTX sẽ vững vàng và thuận lợi trong thu hút thành viên, mở rộng quy mô...

Mỹ Chí

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/apos-mo-khoa-apos-giam-ngheo-cho-nguoi-dan-vung-cao-voi-nhung-cach-lam-moi-1096626.html