Mở lại phiên tòa xét xử vụ bác sỹ bị cáo buộc hiếp dâm

Theo dự kiến, sáng mai (22/3), TAND TP Huế sẽ mở lại phiên tòa xét xử bị cáo Lê Quang Huy Phương sau hơn 3 tháng trả hồ sơ điều tra bổ sung…

Trước đó, ngày 1/12/2020, sau nhiều ngày xét xử, HĐXX TAND TP Huế (tỉnh Thừa – Thiên – Huế) đã quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án này. Bị cáo Lê Quang Huy Phương bị cáo buộc “Cố ý gây thương tích”, “Hiếp dâm” và “Bắt giữ người trái pháp luật.

Theo HĐXX, căn cứ các quy định của pháp luật, căn cứ kết quả xét hỏi, tranh tụng tại phiên tòa, xét thấy thiếu chứng cứ dùng để chứng minh hành vi phạm tội của Lê Quang Huy Phương mà không thể bổ sung tại phiên tòa được.

Chưa thực hiện triệt để yêu cầu của Tòa án

Liên quan đến vụ án, nhiều luật sư cho biết theo bản kết luận điều tra vụ án hình sự đề nghị truy tố của CQCSĐT CATP Huế ngày 29/12/2020 (28 ngày sau khi HĐXX TAND TP Huế trả hồ sơ), 4 yêu cầu mà HĐXX nêu ra chưa được cơ quan trên thực hiện triệt để.

Cụ thể, HĐXX yêu cầu giám định bổ sung đoạn ghi âm đã được giám định theo Kết luận giám định số 6906 của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an: chuyển toàn bộ nội dung, âm thanh của file âm thanh có thời lượng 1 giờ 13 phút 1 giây thành văn bản do nội dung giám định này chưa đầy đủ. Về vấn đề này, CQĐT đã kết luận sau khi giám định lại là “không có gì khác nhau”.

Thực tế, theo kết luận giám định số 8802/C09-P6, tại các vụ trí có dấu “…” là những đoạn các nhân vật nói trùng nhau, nói quá nhỏ, lặp từ, lẫn tạp âm hoặc không nghe rõ. Trong khi đó, kết luận giám định ban đầu ngày 26/12/2019, giám định viên Trần Vương Hương Lam cho rằng do “nhiều tiếng địa phương” còn bản kết luận giám định ngày 21/12/2020 lại là “Do các nhân vật nói trùng nhau, nói quá nhỏ, lặp từ”.

Theo luật sư Ngô Văn Nam, việc CQĐT vẫn sử dụng nội dung bản trích dẫn đoạn ghi âm cũ để làm căn cứ nhằm mục đích buộc tội bị cáo trong khi đoạn trích dẫn đó đã được HĐXX TAND TP Huế bác bỏ là thiếu cơ sở, chưa khách quan.

Phiên tòa xét xử trước đó

Không thực nghiệm điều tra lại

Đối với yêu cầu tiến hành thực nghiệm điều tra bằng cách dựng lại hiện trường, diễn lại hành vi, tình huống của bị cáo và bị hại từ khi bị hại đến và về ngày 17/9/2019, CQCSĐT đã không tiến hành thực nghiệm điều tra vì cho rằng không phù hợp và không đảm bảo an toàn, tính mạng, sức khỏe…

Nêu quan điểm về vấn đề này, luật sư Hoàng Văn Hướng cho biết, thực nghiệm điều tra có rất nhiều hoạt động trong đó có dựng lại hiện trường, diễn lại hành vi, tình huống. Trong vụ án này, bắt buộc phải thực nghiệm thì mới có thể xác định được sự thật khách quan. Bởi theo cáo trạng đã mô tả, lời khai của bị hại, lời khai của bị cáo, có sự mâu thuẫn. Do đó, cần thực nghiệm điều tra để xác định xem bị cáo có mục đích giao cấu trái ý muốn bị hại hay không?

Đồng quan điểm, luật sư Ngô Văn Nam cho rằng việc CQĐT không thực nghiệm điều tra thì không thể làm bộc lộ bản chất thật của vụ án, ảnh hưởng đến tính khách quan của vụ án.

Về yêu cầu giám định lại tỷ lệ thương tích của chị Dương Huỳnh T.T. tại thời điểm bị thương tích do căn cứ xác định tỷ lệ thương tích chưa rõ ràng, một số tài liệu do CQĐT thu thập gửi cơ quan giám định để làm căn cứ giám định là chưa đúng theo quy định của pháp luật.

Theo lời luật sư Hướng, theo quy định tại khoản 1, Điều 211 BLTTHS 2015, việc giám định lại được thực hiện khi có nghi ngờ kết luận giám định lần đầu không chính xác. Việc giám định lại phải do người giám định khác thực hiện. Dựa trên kết quả tranh tụng tại phiên tòa xét xử, lời trình bày của bị cáo, bị hại, người làm chứng, giám định viên và những người có liên quan khác, cũng như căn cứ hồ sơ tài liệu vụ án, HĐXX đã cân nhắc và ra quyết định yêu cầu giám định lại. Tuy nhiên, trong bản Kết luận điều tra bổ sung số 01/KLĐT-ĐTTH của CQCSĐT CATP Huế cũng như trong hồ sơ điều tra bổ sung, cơ quan này lại thực hiện việc xin ý kiến giải thích hướng dẫn của Cục quản lý khám, chữa bệnh Bộ Y tế để rồi đơn vị này hướng dẫn CQĐT lấy ý kiến của chính đơn vị giám định ban đầu. Hoạt động này của CQĐT không chỉ không phù hợp với quy định của pháp luật tố tụng hình sự, mà còn phản khoa học.

“Việc đánh giá chứng cứ, chứng minh tội phạm đã được thể hiện tại phiên tòa công khai mà kết quả là HĐXX đã có quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung. Có thể nói HĐXX đã thực hiện đúng và triệt để tinh thần của cải cách tư pháp, tôn trọng sự thật khách quan, tôn trọng kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Thế nhưng, CQCSĐT CATP Huế lại không thực hiện điều tra bổ sung dựa trên kết quả tranh tụng. Thay vào đó, cơ quan này phân tích nội dung đối tụng, phân tích công tác chuyên môn về giám định (mà tại phiên tòa, giám định viên đã thừa nhận thiếu sót) để cho rằng căn cứ để đưa ra quyết định của HĐXX là thiếu thuyết phục, từ đó không thực hiện việc giám định lại. Chúng tôi cho rằng việc phân tích này hoàn toàn không đúng với trình tự pháp luật”, luật sư Hướng cho biết.

Theo Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, HĐXX yêu cầu:

1. Giám định bổ sung đoạn ghi âm đã được giám định theo Kết luận giám định số 6906 của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an. Cụ thể, chuyển toàn bộ nội dung, âm thanh của file âm thanh có thời lượng 1 giờ 13 phút 1 giây thành văn bản do nội dung giám định này chưa đầy đủ.

2. Giám định lại thương tích của chị Dương Huỳnh T.T tại thời điểm bị thương tích do căn cứ xác định tỉ lệ thương tích chưa rõ ràng. Một số tài liệu do CQĐT thu thập gửi cho cơ quan giám định để làm căn cứ giám định là chưa đúng theo quy định của pháp luật.

3. Tiến hành thực nghiệm điều tra bằng cách dựng lại hiện trường, dựng lại hành vi, tình huống của bị cáo và bị hại từ khi bị hại đến phòng 203 khu chung cư Đống Đa cho đến khi bị hại ra về.

4. Tiến hành đối chất giữa bị cáo, bị hại về vấn đề còn mâu thuẫn trong lời khai.

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/mo-lai-phien-toa-xet-xu-vu-bac-sy-bi-cao-buoc-hiep-dam-183456.html