Mở lại phiên tòa xét xử vụ lừa 'trăm tỷ'

Ngày 11/10, TAND cấp cao tại TPHCM sẽ mở lại phiên phúc thẩm lần 3 vụ án hình sự Nguyễn Thị Thủy Lộc và đồng phạm về tội 'Lừa đảo chiếm đoạt tài sản', vụ án từng gây chấn động bởi nhiều người bị lừa với số tiền hàng trăm tỷ đồng.

Bị cáo Lộc

Bị cáo Lộc

Theo cáo trạng, lợi dụng chỗ quen biết với ông Nguyễn Vinh Quang (Sinh năm 1955, nguyên giảng viên ĐH Đà Lạt), Nguyễn Thị Thủy Lộc (Sinh năm 1979, ngụ Phường 10, TP Đà Lạt) đã làm quen, tạo thân mật với bà Lê Thị Xuân Lan (vợ ông Quang, ngụ Phường 2, TP Đà Lạt).

Sau khi làm quen và tạo mối quan hệ, Lộc đặt vấn đề vay tiền của bà Lan và được bà Lan đồng ý cho vay. Từ ngày 5/12/2012 – 18/12/2013, Lộc và chồng là Nguyễn Thế Việt (Sinh năm 1977, ngụ TP Đà Lạt) đã vay của bà Lan khoảng 93,8 tỷ.

Nhằm tạo niềm tin cho bà Lan, Lộc đã thuê Đàm Thị Bé (30 tuổi) và Nguyễn Thị Bính Loan (28 tuổi), cùng ngụ TP Đà Lạt và cùng làm nghề tiếp viên karaoke đóng giả là cán bộ ngân hàng, mặc đồng phục ngân hàng để gặp bà Lan. Trong đó, Bé đóng giả cán bộ ngân hàng với tên gọi Nguyễn Nữ Huyền Trang, Loan đóng giả cán bộ ngân hàng với tên gọi Trinh.

Mục đích Lộc thuê Bé, Loan đóng giả cán bộ ngân hàng là để tạo niềm tin với bà Lan. Lộc đã chỉ đạo Loan giả chữ ký của Trang, Trinh (Trang, Trinh là 2 cán bộ ngân hàng-PV), xác nhận Lộc nợ bà Lan tổng số tiền 93,8 tỷ đồng và thông báo số tiền này đã được đáo hạn tại ngân hàng. Mỗi khi bà Lan chuyển tiền vào tài khoản cho Lộc và Việt thì cán bộ ngân hàng “dỏm” là Bé và Loan xác nhận qua tin nhắn với nội dung “ngân hàng đã nhận được tiền” để bà Lan yên tâm, khi nào bà Lan cần thì Lộc sẽ chuyển trả.

Vợ chồng nhà giáo bị lừa tại phiên tòa phúc thẩm

Tại phiên tòa sơ thẩm, bị hại đưa ra những chứng cứ chứng minh và khẳng định bị Lộc chiếm đoạt hơn 93,8 tỉ đồng (nhưng bị khấu trừ còn hơn 28 tỉ đồng theo cáo trạng). Đồng thời, bị hại cũng đưa ra những bằng chứng chứng minh trong số tiền mà Lộc đã lừa đảo đều có Việt là chồng Lộc “nhúng tay” vào.

Bởi mỗi khi đến nhà bà Lan hay ra ngân hàng lấy tiền, ngoài Lộc đều có mặt Việt. Ngày 29/03/2016, Lộc đã khai trước cơ quan điều tra với nội dung: “Khoản tiền 93,8 tỷ đồng tôi không mượn bà Lan. Ông Việt nhận tiền bà Lan. Ông Việt là người yêu cầu tôi viết giấy nợ bà Lan”.

Ngày 19/8/2016, tại buổi đối chất, Đàm Thị Bé đã khai và ghi vào biên bản (có sự chứng kiến của đại diện VKSND tỉnh Lâm Đồng): “Bé đã đưa tiền cho ông Việt 4 - 5 lần, tổng số tiền là một tỷ đồng”.

Tại phiên tòa sơ thẩm (năm 2017- PV), Lộc bị tuyên án chung thân, Bé bị tuyên án 16 năm tù giam và Loan bị tuyên án 14 năm tù giam.

Theo hai bị hại, bản án sơ thẩm có nhiều điều chưa được làm rõ nên đã kháng cáo và đề nghị làm rõ ai tiếp tay cho “nữ quái” Lộc đi lừa đảo, nếu không có trợ giúp của chồng là Việt. Tại phiên tòa phúc thẩm lần đầu vào tháng 3/2018, bị hại đã đề nghị HĐXX làm rõ vai trò của Việt trong vụ lừa đảo.

Trong phiên tòa phúc thẩm mở (tháng 8/2019), Nguyễn Thế Việt người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án vắng mặt. HĐXX đã gửi giấy triệu tập theo địa chỉ trong hồ sơ của tòa sơ thẩm nhưng Việt không tới. Bị hại cho rằng, chính Việt là người chủ mưu trong vụ án Nguyễn Thị Thủy Lộc cấu kết Đàm Thị Bé và Nguyễn Thị Bính Loan cùng lừa đảo.

Thẩm phán Phan Văn Yên - Chủ tọa HĐXX cho biết, tại phiên tòa ngày 11/10, nếu Việt có dấu hiệu lừa đảo thì HĐXX sẽ dùng chức năng để truy cứu trách nhiệm hình sự. Ông Việt có mặt hay không thì HĐXX vẫn thực hiện xét xử.

Xuân Hòa

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/toa-an/mo-lai-phien-toa-xet-xu-vu-lua-tram-ty-24288.html