'Mở lối' cho cây đặc sản

Là cây đặc thù, thích nghi tốt với thời tiết khắc nghiệt của vùng Bảy Núi, cây chúc còn gắn liền với sự phát triển của vùng đất này. Từ loài cây được bà con dân tộc thiểu số Khmer trồng quanh nhà để xua rắn và làm thuốc, nay cây chúc trở thành loại gia vị hấp dẫn trong nhiều món ăn, hay được chiết xuất thành tinh dầu với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Đây là hướng đi mới, không chỉ góp phần bảo tồn loại cây đặc sản, mà còn giúp đa dạng hóa các sản phẩm từ cây chúc, nâng cao thu nhập cho người dân.

Chiết xuất tinh dầu chúc

Nhìn thoáng qua, cây chúc có hình dạng như cây chanh, nhưng lá to, trái cũng to hơn, có vỏ ngoài xù xì, đặc biệt chứa rất nhiều tinh dầu với mùi thơm đặc trưng. Trước giờ người dân quê ở Bảy Núi hay sử dụng trái chúc để làm tăng hương vị trong một số món ăn như: gà hấp lá chúc, cháo bò... hoặc sử dụng để gội đầu, xông giải cảm.

Bản thân là giáo viên dạy môn Hóa học của Trường THPT Nguyễn Trung Trực (Tri Tôn, An Giang), chị Châu Hải Yến đã tự nghiên cứu chiết xuất tinh dầu từ lá và trái chúc - một loại cây hiện hữu nơi chị đang sống và làm việc.

Theo chị Yến, nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương, được bà con trồng theo kiểu sinh trưởng tự nhiên nên tinh dầu thu được từ lá, trái chúc sẽ đảm bảo an toàn. Đúng là lá và trái của cây chúc rất nhiều tinh dầu, nhưng phải tìm được phương pháp tối ưu nhất để chiết xuất hết lượng tinh dầu và phải giữ được mùi thơm tự nhiên vốn có không là một câu chuyện dễ dàng.

Sau nhiều lần thử nghiệm, có thất bại nhưng chị Yến đã không bỏ cuộc mà lấy đó làm kinh nghiệm cho lần sau. Đến cuối năm 2015, chị Yến đã thành công trong việc chiết xuất tinh dầu từ lá và trái chúc. Khi được kiểm nghiệm an toàn, chị Yến mới yên tâm đưa sản phẩm của mình giới thiệu với người thân, bạn bè.

Theo chị Yến, bình quân 1kg trái chúc thu được 300 - 400gr vỏ, chiết xuất được 12ml tinh dầu. Sản phẩm tinh dầu chúc Yến Hương của chị Châu Hải Yến đạt giải nhì Cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp” tỉnh An Giang lần I-2017 và được UBND tỉnh trao chứng nhận “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh” năm 2018. Đây là cơ hội cho sản phẩm tinh dầu chúc Yến Hương được nhiều người biết đến.

Tinh dầu chúc Yến Hương được nhiều người biết đến và lựa chọn sử dụng

Với việc thành lập Công ty TNHH tinh dầu chúc Yến Hương Vina đã giúp sản phẩm tinh dầu chúc ngày càng được nhiều người biết đến và tin dùng. Không dừng lại ở việc chiết xuất tinh dầu, chị Yến còn cho ra đời nước rửa tay hương chúc với dạng nước và khô để tặng miễn phí cho người dân và học sinh trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Hình thành chuỗi liên kết

Bước ra với giải nhất từ Hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi” - Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2018, anh Đặng Hoài Linh (Thoại Sơn) đã rất thành công mô hình trồng và chế biến các sản phẩm từ cây atiso đỏ. Ngoài liên kết với nông dân ở địa phương xây dựng vùng trồng theo hướng hữu cơ an toàn, anh Linh còn nghiên cứu cho ra đời với đa dạng từ cây hoa của cây atiso đỏ, như: trà, atiso đỏ sấy dẻo, nước cốt atiso đỏ...

Các sản phẩm từ cây atiso đỏ của anh Linh được giới thiệu rộng rãi, bày bán khắp cả nước và được nhiều người biết đến với công dụng hỗ trợ điều trị bệnh. Khi đã thành công với mô hình atiso đỏ, hiện nay, anh Linh đang khởi động chuỗi cung ứng và tiêu thụ cây chúc.

Không chỉ dừng lại ở việc bán cây giống như nhiều nơi đang làm, anh Linh còn liên kết hình thành vùng nguyên liệu, sau đó sẽ có hợp đồng thu mua sản phẩm lá, trái chúc với nông dân tham gia trồng. Theo anh Linh, để có được kế hoạch này cũng xuất phát từ nhu cầu của thị trường cùng với nhu cầu hàng hóa của phía đối tác hiện tại với công ty.

“Cây chúc chỉ ở An Giang mới có, là loại cây đặc thù nhưng chưa có được vùng nguyên liệu đủ lớn để cung ứng. Bên cạnh đó, mình cũng muốn mở ra hướng đi mới cho diện tích đất nông nghiệp sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây chúc” - anh Linh chia sẻ.

Như vậy bà con nông dân sẽ tăng giá trị sử dụng đất cũng như nâng cao thu nhập, góp phần quảng bá sản phẩm đặc trưng của tỉnh nhà. Hiện nay, đang ươm cây con và chuẩn bị xuống giống ở xã Vĩnh Bình (Châu Thành), dự kiến khoảng 2 năm cây chúc sẽ cho thu hoạch lá, 3 năm sẽ thu hoạch trái.

“Do chưa có vùng nguyên liệu nên mình phải quy hoạch vùng trồng, trước mắt là 1ha, sau đó sẽ mở rộng thêm. Lá chúc sẽ được thu mua để xuất khẩu, phần trái sẽ được chiết xuất làm tinh dầu, lá sản xuất làm bột gia vị. Đó là hướng đi cho chuỗi liên kết sản xuất mà mình đang tiến hành” - anh Linh thông tin.

ÁNH NGUYÊN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/-mo-loi-cho-cay-dac-san-a273557.html