Mở lối cho dòng men Thiên Mục Việt

Dân chơi mộ điệu xứ Hà Thành đang kháo nhau về sự ra đời của một dòng gốm có chất men mới mang phong cách Thiên Mục Việt. Dù đa số sản phẩm của kỹ sư Võ Hải Thương là men hỏa biến nhưng một số đồ độc mang phong cách Thiên Mục vẫn đang được giới mộ điệu, dân chơi đồ độc săn lùng, sưu tầm.

Bát men Thiên Mục giọt dầu du trích độc đáo.

Bát men Thiên Mục giọt dầu du trích độc đáo.

Chất men Thiên Mục là một loại men độc đáo trong lĩnh vực gốm sứ rất nổi tiếng của Trung Quốc và Nhật Bản. Khác với tất thảy những dòng men phổ thông khác, dòng men Thiên Mục thường được nung ở nhiệt độ rất cao. Lượng ô xít kim loại được nung chảy ở nhiệt độ cao tạo nên nhiều màu sắc và hình thù độc đáo trên những sản phẩm gốm được tráng men Thiên Mục.

Cho đến này chưa có cứ liệu lịch sử để khẳng định chính xác thời điểm ra đời của dòng men này, nhưng theo đa số nhà sử học thì gốm làm bằng men Thiên Mục rất được ưa chuộng và phát triển mạnh vào thời nhà Tống khoảng năm 960 – 1279.

Theo đó, chất men Thiên Mục có nguồn gốc từ Kiến Châu, nay là Kiến Âu thuộc huyện Phúc Kiến ở Trung Quốc.

Ô xít kim loại nung chảy ở nhiệt độ cao tạo nên nhiều màu sắc và hình thù độc đáo trên những sản phẩm gốm được tráng men Thiên Mục.

Dòng men tráng gốm độc đáo này, vốn xa xưa chưa được gọi là Thiên Mục như bây giờ. Thủa ban sơ, dòng men này chỉ để sản xuất những chén uống trà nên được đặt tên là Kiến Trản theo nghĩa “Trản” là chén, còn “Kiến” chính là địa danh Kiến Châu, nơi làm ra chén.

Người xưa vì thế gọi dòng men này theo tên các loại chén như Thố Hào, Du Trích, Diếp mạt… hay phổ bến hơn cả là gọi là chén Kiến Trản. Chỉ đến khi các nhà sư Nhật Bản qua Trung Quốc học thêm về đạo Phật, có một nhóm sư đã đến đền Thiên Mục thưởng thức trà và đem những chén trà làm bằng men này về nước.

Những nhà sư đặt tên những chén trà này là Thiên Mục theo tên ngôi đền họ đã đến và tu hành, uống trà. Trào lưu uống trà bằng chén tráng men độc đáo này rất được ưa chuộng trong giới thượng lưu của Nhật và ở đất nước hoa anh đào dòng gốm có chất men này còn được gọi là Tenmoku…

Chén Thố Hào được nhiều nhà sưu tâm quan tâm.

Trên thị trường gốm sứ Việt Nam vẫn luôn có những sản phẩm gốm Thiên Mục được nhập khẩu từ Trung Quốc, Nhật Bản và Đài Loan… Đáng chú ý, gần đây xuất hiện những sản phẩm gốm làm bằng men Thiên Mục “made in Việt Nam”.

Đó là những thử nghiệm táo bạo của Kỹ sư Võ Hải Thương với dòng sản phẩm gốm phong cách men Thiên Mục với thương hiệu “Hoàng Long Cookware”. Kỹ sư Võ Hải Thương bộc bạch: “Tách trà Thiên Mục hay còn có tên khách là Tanmoku nổi tiếng với những chiếc tách và ấm cao cấp thủ công càng ngày càng hiếm. Từ thử nghiệm đến sản xuất thương mại dòng men này trên gốm gốm đối với thợ thủ công Việt Nam thực sự là một trải nghiệm khó khăn, bởi dòng men này đòi hỏi kỹ thuật hết sức khắt khe”

Kỹ sư Võ Hải Thương với chiếc Bát Thiên Mục Việt.

Tốt nghiệp khoa Hóa học, chuyên ngành vật liệu silicat, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Kỹ sư Võ Hải Thương đã có nhiều năm lăn lộn với nghề, từng đảm trách nhiều cương vị quan trọng như trưởng phòng kỹ thuật, chỉ huy trưởng, Giám đốc rồi Tổng Giám đốc công ty…

Vừa chớm bước qua tuổi “Tứ thập nhi bất hoặc”, kỹ sư Võ Hải Thương quyết định rời ghế Tổng Giám đốc công ty cổ phần Thạch Bàn Yên Hưng về làng Bát Tràng mở lối cho dòng gốm men thiên mục đầy mê hoặc.

Sản phẩm Hỏa Biến.

Đồ da dụng Hỏa Biến của Võ Hải Thương.

Võ Hải Thương tâm sự, may mắn của anh là nhận được sự hợp tác của những bạn trẻ tâm huyết ở làng Bát Tràng đúng vào thời điểm làng nghề có những cải tiến về Lò nung. Thực tế, những năm gần đây làng gốm Bát Tràng có sự phát triển thần tốc trong việc cải tiến Lò.

Cụ thể từ Lò Đàn truyền thống được nhung bằng củi, những nghệ nhân Bát Tràng đã ứng dụng sự phát triển của khoa học công nghệ cải tiền kiểu dáng Lò Đàn thành Lò Bầu và chuyển đổi Lò Hộp sang Lò Gas, Lò Điện…

Chén Thố Hào độc đáo

Tác phẩm hay gọi đơn giản hơn là sản phẩm đầu tiên của Võ Hải Thương về dòng men Thiên Mục là “Bát trà Thiên Mục Việt”. Bát cao 7 cm, đường kính khoảng 10cm được tạo hình gần giống mắt ngọc, các đốm hoa đổ xuống có lúc nhue giải ngân hà, có lúc như vệt sao băng. Ẩn sâu dưới ánh hòa quang lung linh“Bát trà Thiên Mục Việt” là đốm dầu pha elipson của ô xít sắt được nung ở nhiệt độ cao.

Để có chiếc “Bát trà Thiên Mục Việt” độc ẩm này, Võ Hải Thương đã táo bạo nung kim loại hóa trị này dưới lò nung lên tới hơn 1400 độ. Giới yêu trà và săn lùng đồ mỹ nghệ độc và lạ kháo nhau rằng, đây là sản phẩm đầu tiên và cũng là duy nhất hiện nay được xem là gốm Thiên Mục “made in Việt Nam”.

Bộ ấm chén có màu lạ mắt với men Thiên Mục Thúy Hồng.

Đa số sản phẩm của Võ Hải Thương được thị trường đón nhận hiện nay là những sản phẩm gốm Hỏa Biến theo dòng thương hiệu “Gốm Pavo Bát Tràng” như: gốm sứ gia dụng men hỏa biến xanh sợi Thiên phú, những bộ ấm chén hỏa biến Nhật Nguyệt men titan hay bình sương mai sợi xanh Hỏa Biến trên nền đen huyền bí…

Đối với Võ Hải Thương, anh chỉ khiêm tốn xem những thử nghiệm đầu tiên của mình là một tìm tỏi, ứng dụng thử nghiệm khoa học công nghệ mới với dòng gốm Bát Tràng với tư cách một người kỹ sư hóa học đã nghiên cứu và thực tiễn lao động nhiều năm trong nghề silicat. Võ Hải Thương không ngại đối mặt với những thách thức mới, có những đêm anh thức trắng chỉ để ngắm những ngọn lửa hồng sẽ đem đến sự hỏa biến của kim ở những loại hóa trị khác nhau tráng lên những sản phẩm gốm.

Tin rằng sẽ những người yêu trà và sưu tầm đồ mỹ nghệ sẽ hiểu được và đón nhận những giá trị tìm tòi này, Võ Hải Thương ngân nga “Ai cho những sợi tơ vàng/ Đem lên đồ gốm cho người đời chơi!”

Phúc Nghệ

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/van-hoa-giai-tri/mo-loi-cho-dong-men-thien-muc-viet-d133032.html