Mở lối cho sự phát triển chuyên nghiệp

Thứ Năm tuần rồi, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Nghị quyết 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Nghị quyết này nhiều nội dung mới, thiết thực, giúp ngành du lịch phát triển theo hướng chuyên nghiệp.

Khách du lịch ở Hạ Long. Ảnh: Đào Loan

Khách du lịch ở Hạ Long. Ảnh: Đào Loan

Trong Nghị quyết 82/NQ-CP, để phục hồi và tăng tốc phát triển du lịch, Chính phủ đặt ra nhiệm vụ là cơ cấu lại thị trường du lịch, phát triển sản phẩm theo hướng lấy trải nghiệm của khách hàng làm trung tâm, tạo thuận lợi cho khách nhập cảnh, thu hút nhà đầu tư lớn, hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực…

Trong đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục triển khai thực hiện đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn”. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc cơ cấu lại thị trường khách du lịch. Ngành du lịch sẽ không còn đếm lượng khách và tính toán thu nhập từ du lịch theo kiểu ước tính mà điều tra thông tin khách du lịch theo Chương trình điều tra thống kê quốc gia, tiếp tục triển khai việc áp dụng tài khoản vệ tinh theo khuyến nghị của Tổ chức Du lịch Thế giới; tính toán đầy đủ, chính xác đóng góp của ngành này vào GDP.

Về sản phẩm, Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung liên kết phát triển sản phẩm, thị trường; kết nối tour, tuyến và điểm du lịch trong vùng và liên vùng; hình thành mô hình liên kết giữa các địa phương, có sự tham gia của cơ quan du lịch quốc gia và doanh nghiệp lớn.

Nhiệm vụ được đặt ra là đa dạng hóa hình thức, sản phẩm du lịch, chú trọng liên kết giữa du lịch với các ngành khác trong chuỗi giá trị, gắn với phát triển xanh, bền vững nhưng phải theo phương châm “lấy trải nghiệm của khách du lịch làm trung tâm”.

Việc tạo thuận lợi cho du khách đến Việt Nam không chỉ được thực hiện bằng cách mở rộng diện miễn thị thực đơn phương, kéo dài thời gian lưu trú cho người nước ngoài mà còn là cải tiến mạnh mẽ quy trình kiểm soát thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh và thúc đẩy mở rộng các đường bay quốc tế đến Việt Nam.

Về thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, Chính phủ yêu cầu nhiều cơ quan, địa phương thúc đẩy thu hút các nhà đầu tư chiến lược để phát triển các tổ hợp vui chơi, nghỉ dưỡng, trung tâm du lịch quốc tế và các dịch vụ hỗ trợ du lịch như cơ sở lưu trú, trung tâm thương mại và dịch vụ bán lẻ để du khách chi tiêu nhiều hơn. Cùng với đó là tính toán các chính sách kích cầu, gói hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ hộ kinh doanh du lịch tiếp cận các nguồn vốn, gói kích cầu; tính giá điện cho các cơ sở lưu trú theo giá điện sản xuất thay vì kinh doanh…

Trao đổi với KTSG, một số chuyên gia đánh giá, điểm mới của Nghị quyết 82 là không tập trung giải quyết các vấn đề mang tính sự vụ mà đi rất sâu vào các vấn đề cốt lõi của ngành du lịch. Chẳng hạn, nghị quyết không đưa ra giải pháp tức thời cho vụ việc đang rất “nóng” là đề xuất miễn thị thực cho du khách từ một số thị trường mà đưa ra giải pháp toàn diện để tạo thuận lợi cho du khách đến Việt Nam.

Hay về vấn đề thị trường, nghị quyết không nói chung chung là cần phải thúc đẩy nghiên cứu phát triển thị trường mà dành nhiều thời lượng đề cập đến vấn đề tái cấu trúc thị trường, xây dựng hệ thống dữ liệu, điều tra khảo sát thông tin du khách.

Một điểm sáng nữa của Nghị quyết 82 là đề cập khá cụ thể về công tác nghiên cứu thị trường, thống kê dữ liệu và yêu cầu điều chỉnh cách thống kê số lượng du khách. Điều này mở đường cho việc loại bỏ cuộc đua thành tích, giúp các địa phương đo, đếm lượng khách và đóng góp của du lịch cho nền kinh tế một cách chính xác nhằm tính toán các chính sách phát triển du lịch phù hợp.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc đánh giá thị trường dựa vào dữ liệu, tạo sản phẩm theo hướng “lấy trải nghiệm của khách du lịch làm trung tâm” là rất quan trọng, nhiều nước đã làm để phát triển du lịch chuyên nghiệp nhưng ở Việt Nam, còn là khái niệm còn mới với doanh nghiệp và cấp quản lý. Vì vậy, những đơn vị thực thi cần phải có kế hoạch bài bản thì mới có thể triển khai hiệu quả Nghị quyết 82.

Theo đó, với một nghị quyết có nhiều nội dung đi sâu vào chuyên môn và những kiến thức mới về dữ liệu, thị trường như thế này thì cách làm cũ, như việc tổ chức các hội thảo, hội nghị để tìm ý kiến góp ý thực hiện là “không đi tới đâu”.

Thay vào đó, nhà nước cần có sự đầu tư đúng mức về ngân sách để nâng cao năng lực đội ngũ (công và tư) và tạo nguồn lực để triển khai các chương trình cụ thể. Chỉ khi năng lực của đội ngũ thực hiện cao hơn, chuyên nghiệp hơn và nguồn kinh phí đủ mạnh thì Nghị quyết 82 mới thực sự giúp du lịch tăng tốc phát triển và bền vững.

Đào Loan

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/mo-loi-cho-su-phat-trien-chuyen-nghiep/