Mở ra nhiều cơ hội việc làm từ học nghề nấu ăn

Trong những năm qua, nhiều phụ nữ ở các xã miền núi trên địa bàn tỉnh đã được học nghề và tiếp cận với nhiều nghề khác nhau để có thêm thu nhập. Một trong những nghề được chị em lựa chọn đó là 'Kỹ thuật chế biến món ăn'. Từ nghề học đơn giản này, không ít phụ nữ người dân tộc thiểu số đã tìm được việc làm, có kiến thức về dinh dưỡng để chăm lo cho gia đình.

Một buổi thực hành chế biến món ăn của phụ nữ dân tộc thiểu số ở Hướng Hóa -Ảnh: H.N

Những ngày này, chị Hồ Thị Bê và một số phụ nữ từng tham gia học lớp “Kỹ thuật chế biến món ăn” ở Bản Chùa, huyện Cam Lộ rất bận rộn. Lý do là vì ngoài công việc gia đình, các chị được giao chuẩn bị hậu cần cho Lễ hội lúa mới của bản diễn ra vào tháng 12/2023. Theo chị Bê, những năm trước, lễ hội này có quy mô nhỏ nên dân bản chỉ làm lễ cúng đơn giản. Năm nay thì khác, quy mô của lễ hội được mở rộng để bảo lưu nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân địa phương nên công tác hậu cần phải chuẩn bị thật chu đáo.

“Thôn đã họp nhiều lần và giao cho chi hội phụ nữ đảm đương phần ẩm thực vì 20 phụ nữ thôn đã được đào tạo học nghề “Kỹ thuật chế biến món ăn”. Chị em đã lên thực đơn của lễ hội trình xã phê duyệt. Chúng tôi sẽ chế biến các món ăn truyền thống trên những nguyên liệu đặc trưng của địa phương như lúa nếp, bánh đen, heo rừng, gà bản, bắp chuối rừng, cây đoác...”, chị Bê cho biết.

Đầu năm 2022, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Cam Lộ khảo sát mở lớp dạy “Kỹ thuật chế biến món ăn” cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Lớp học được tổ chức tại thôn Bản Chùa, xã Cam Tuyền, nơi có 101 hộ đều là người dân tộc Vân Kiều.

Do đường từ trung tâm xã lên bản tương đối xa, lại khó đi nên giáo viên chỉ dạy được vào ban ngày. Với thời gian đi học như thế nên lúc đầu nhiều chị em không muốn tham gia vì bận lên nương rẫy. Với vai trò Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn, chị Bê xung phong đăng ký tham gia đầu tiên, sau đó chị lần lượt vận động được 20 chị em trong bản cùng tham gia lớp học.

Kiến thức được học là kỹ năng chế biến các món ăn, từ khâu chuẩn bị nguyên liệu, sơ chế, chế biến đến cách trang trí, bày biện món ăn. Nhờ tham gia lớp học mà giờ đây chị em biết cách lựa chọn thực phẩm trong bữa ăn hằng ngày; chế biến, trình bày món ăn bắt mắt và phù hợp với truyền thống địa phương.

Sau khóa học, chị Bê đã mở một sạp bán thực phẩm tươi sống phục vụ nhu cầu hằng ngày của người dân địa phương. Buổi sáng chị tranh thủ chạy xe máy xuống các chợ Phiên, Ngô Đồng ở thị trấn lựa chọn các loại thực phẩm như rau củ, thịt cá... để mang về bán cho bà con dân bản. Từ ngày học lớp nấu ăn, chị Bê biết cách lựa chọn thực phẩm tươi ngon nên việc buôn bán ngày càng thuận lợi. Chị còn kết hợp với một số học viên đảm nhận chế biến các món ăn phục vụ những bữa tiệc liên hoan nhỏ tại địa phương.

“Không đủ điều kiện để mở dịch vụ kinh doanh ăn uống hay nấu ăn lưu động phục vụ quy mô lớn nhưng từ ngày học lớp nấu ăn, chị em chúng tôi đã có thể tự lên thực đơn, đi chợ nấu ăn cho những bữa tiệc nhỏ trong gia đình hoặc nấu đám giỗ, liên hoan... từ 3 - 5 mâm”, chị Bê chia sẻ.

Còn đối với Hồ Thị Kim Tú (sinh năm 1993) ở thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, nhờ nghề học nấu ăn mà cô có được một công việc ổn định tại trường mầm non.

Trước đây, vào năm 2013, Tú đã có bằng trung cấp mầm non nhưng không xin được việc làm. Vào thời điểm trước khi COVID-19 xảy ra, cô tình cờ biết đến thông tin lớp học dạy “Kỹ thuật chế biến món ăn” nên đăng ký tham gia.

Lý do đăng ký lớp học này, theo Tú là để bớt nhàm chán vì phải ở nhà suốt ngày và cải thiện bữa ăn trong gia đình. “Chỉ sau vài buổi đến lớp, em đã hình thành trong đầu được khái niệm thế nào là một bữa ăn ngon, đảm bảo dinh dưỡng trong bữa cơm gia đình, áp dụng là thấy ngay hiệu quả.

Ngoài ra, sau khi học xong, học viên hoàn toàn tự tin khi tự mình nấu được từ 3-5 mâm thức ăn. Chính điều đó đã tiếp thêm động lực để em và các học viên trong lớp theo học đến buổi cuối cùng”, Tú chia sẻ. Một may mắn đến với Tú là chỉ 3 tháng sau khi học nghề, cô được nhận vào làm việc tại Trường Mầm non xã Húc.

Thời điểm đó, trường mầm non này tuyển nhân viên nấu ăn cho trẻ, yêu cầu người dự tuyển phải có chứng chỉ nghề nấu ăn nên Tú nộp đơn và trúng tuyển. Đến nay, cô đã gắn bó với công việc này được 3 năm, lương cơ bản hơn 3,2 triệu đồng/tháng.

“Với một người suốt thời gian dài không tìm được việc làm thì công việc này với em là một niềm vui và sự may mắn. Em thấy lớp học “Kỹ thuật chế biến món ăn” tuy đơn giản nhưng hiệu quả mang lại thiết thực. Nhiều bạn cùng học với em cũng đã tìm được những công việc khác nhau”, Tú cho biết.

Cũng như Tú, Lê Thị Lành (sinh năm 1992) nhờ có chứng chỉ học nghề “Kỹ thuật chế biến món ăn” mà được nhận vào làm việc tại Trường Tiểu học Hướng Phùng. Trước đó, Lành ở nhà buôn bán lặt vặt, thu nhập rất bấp bênh nên chọn học nghề nấu ăn để đi xin việc làm.

Theo cô Trần Thị Thanh Truyền, giáo viên Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hướng Hóa, một năm trung tâm thường mở từ 2 - 4 lớp dạy “Kỹ thuật chế biến món ăn” cho người lao động trên địa bàn huyện. Riêng từ năm 2023, trung tâm chỉ mở lớp dạy cho người đồng bào dân tộc thiểu số. “Lớp có 20 học viên, thường được chia làm 2 nhóm để học lý thuyết xong là thực hành luôn. Tôi thấy học viên tham gia rất đầy đủ, chịu khó học và thực hành.

Ai cũng muốn học để trước mắt áp dụng trong chế biến các bữa ăn hằng ngày của gia đình; chế biến các món ăn vặt cho con cái hoặc phục vụ các bữa tiệc nhỏ. Vui nhất là nhiều học viên sau khi có chứng chỉ nghề đã xin vào trường mầm non hoặc các nhà hàng làm việc với thu nhập ổn định”, cô Truyền cho biết. Vì đối tượng học là người dân tộc thiểu số nên trong các bài thực hành, thực đơn phải có món truyền thống của bà con như xôi nếp than và những món ăn phổ biến như gà, bò.

“Việc theo học các lớp “Kỹ thuật chế biến món ăn” ngoài việc giúp một số chị em có cơ hội tìm kiếm việc làm còn góp phần thay đổi nhận thức của phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số về chế độ dinh dưỡng, tính thẩm mỹ trong các bữa ăn. Điều này cũng góp phần tăng vị thế, sự tự tin của chị em và nâng cao chất lượng cuộc sống ở mỗi gia đình”, cô Truyền chia sẻ.

Minh Thảo

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/mo-ra-nhieu-co-hoi-viec-lam-tu-hoc-nghe-nau-an/181756.htm