Mở rộng cảnh báo nhiễm khuẩn lên lô sữa Karicare

Sau khi có thông tin thu hồi các sản phẩm sữa của Fonterra ở Việt Nam, sáng 4/8, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) lại tiếp tục cảnh báo về sản phẩm sữa dinh dưỡng Karicare nhiễm khuẩn Clostridium Botulinum gây chứng ngộ độc thịt.

Theo đó, các sản phẩm có thể bị nhiễm khuẩn Clostridium Botulinum gồm: Karicare Formula số 1 (cho trẻ từ 0-6 tháng tuổi) với số lô 3169 và 3170 hạn sử dụng 17/6/2016 và 18/6/2016; Karicare Gold+ Follow on Formula số 2 (cho trẻ từ 6-12 tháng tuổi) với số lô D3183; hạn sử dụng 31/12/2014.

Bộ Công nghiệp cơ bản New Zealand cho biết các sản phẩm này chỉ được bày bán trên thị trường New Zealand và đã được Công ty Nutrica tự nguyện thu hồi. Dù chỉ là đợt thu hồi phòng ngừa song các quan chức New Zealand vẫn khuyến cáo các bậc phụ huynh tạm thời ngưng sử dụng cả hai sản phẩm này. Còn ở Việt Nam, sau khi tiến hành rà soát các sản phẩm Karicare của Công ty Nutricia đã công bố tại Cục ATVSTP từ đầu năm 2012 đến nay, chưa có sản phẩm Karicare cho trẻ dưới 12 tháng tuổi nào bị Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) khuyến cáo. Song đơn vị nhập khẩu sản phẩm Karicare vào Việt Nam là Công ty TNHH MTV dinh dưỡng Châu Úc vẫn phải có báo cáo về Cục ATVSTP trước ngày 6/8.

Cũng trong sáng 4/8, đại diện Công ty Abbott Nutrition Việt Nam đã thông báo đề nghị khách hàng đổi hoặc hoàn trả sữa Similac GainPlus EyeQ mới (số 3, dành cho trẻ 1-3 tuổi loại hộp 400g và 900g) thuộc 10 lô sản xuất ở New Zealand bị cảnh báo nhiểm khuẩn.

Trong khi đó, theo Herald Sun, nhiều loại đồ uống do Coca Cola, Vitaco và Wahaha của Trung Quốc cũng được làm từ loại whey protein có thể đã nhiễm khuẩn đã được tuyên bố là an toàn. Tuy nhiên, các hãng hứa sẽ tiếp tục theo sát và thu hồi sản phẩm của mình nếu thấy cần thiết.

Còn Bộ Nông nghiệp, Thủy sản và Lâm nghiệp Úc (DAFF) cho biết nước này đã nhận được hai lô sữa có khả năng đã nhiễm độc. Một lô được xác nhận là đã nhiễm khuẩn clostridia và không được phép bán cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, DAFF lo ngại rằng một số sản phẩm có thể đã được bán làm thức ăn chăn nuôi.

Dù Fonterra cho biết vụ việc có thể xuất phát từ đường ống chưa được tiệt trùng và loại khuẩn gây ngộ độc thịt có thể dễ dàng bị tiêu trừ trong quá trình xử lý nhiệt. Song Bộ trưởng Thương mại New Zealand Tim Groser cho biết vụ việc là rất nghiêm trọng và Chính phủ sẽ sớm có buổi làm việc với Fonterra để xác định người phải chịu trách nhiệm cho bê bối này.

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/doi-song-suc-khoe/mo-rong-canh-bao-nhiem-khuan-len-lo-sua-karicare