Mở rộng địa bàn cấp nước sinh hoạt có nguồn nước mặt từ sông Hồng

Theo quy hoạch đến năm 2030, nguồn cấp nước chính trên địa bàn tỉnh là nguồn nước mặt sông Hồng và sông Đáy đoạn từ xã Tân Sơn (Kim Bảng) đến ranh giới hành chính giữa huyện Kim Bảng và thành phố Phủ Lý. Để đáp ứng nhu cầu trên, UBND tỉnh chỉ đạo các doanh nghiệp nhanh chóng mở rộng đường ống cấp nước sạch sinh hoạt có nguồn nước mặt được lấy từ sông Hồng bảo đảm nâng cao chất lượng phục vụ tốt nhu cầu của khách hàng.

Theo quy hoạch đến năm 2030, nguồn cấp nước chính trên địa bàn tỉnh là nguồn nước mặt sông Hồng và sông Đáy đoạn từ xã Tân Sơn (Kim Bảng) đến ranh giới hành chính giữa huyện Kim Bảng và thành phố Phủ Lý. Để đáp ứng nhu cầu trên, UBND tỉnh chỉ đạo các doanh nghiệp nhanh chóng mở rộng đường ống cấp nước sạch sinh hoạt có nguồn nước mặt được lấy từ sông Hồng bảo đảm nâng cao chất lượng phục vụ tốt nhu cầu của khách hàng.

Dự án công trình nước sạch ở xã Hợp Lý (Lý Nhân) phục vụ nhân dân ở 4 xã: Văn Lý, Hợp Lý, Công Lý, Chính Lý được đưa vào sử dụng có công suất 3.900 m3/ngày đêm do Công ty TNHH Đồng Tiến Thành Hà Nam nhận quản lý khai thác và kinh doanh. Trước đây nhà máy này được thiết kế lấy nguồn nước mặt từ sông Châu, tuy nhiên, do nguồn nước sông Châu không bảo đảm, Công ty TNHH Đồng Tiến Thành Hà Nam đã chuyển sang đầu tư đường ống lấy nước mặt ở sông Hồng để khai thác nguồn nước đầu vào phục vụ người dân trong vùng.

Công nhân đang vận hành hệ thống nước sạch ( Nhà máy nước sạch Khu A huyện Kim Bảng).

Ông Vũ Kim Hà, Phó Giám đốc Công ty TNHH Đồng Tiến Thành Hà Nam cho biết: Công ty hiện nay đang quản lý 3 nhà máy cấp nước từ sông Hồng với tổng công suất đạt hơn 6.700 m3/ngày đêm phục vụ cho 26 nghìn hộ của 11 xã của huyện Lý Nhân. Đây là 3 nhà máy đều được khai thác nguồn nước mặt từ sông Hồng, bảo đảm đáp ứng các điều kiện chuyển đổi khai thác nguồn nước mặt để nâng cao chất lượng nước sinh hoạt cho người dân. Ưu điểm của nước sông Hồng là dòng chảy nhanh, nguồn nước thô bảo đảm, tỷ lệ ô nhiễm ít hơn so với sông Châu. Để chủ động nguồn nước phục vụ cho khách hàng, công ty đã cho xây dựng mỗi nhà máy một hồ chứa lớn chuyên để lắng phù sa sau đó mới bơm xử lý. Ngay sau khi đưa công trình nước sạch vào khai thác nhiều hộ dân bỏ hẳn được thói quen sử dụng nước giếng, nước ao trong sinh hoạt, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trong vùng.

Cũng như Công ty TNHH Đồng Tiến Thành Hà Nam, đến thời điểm này Công ty cổ phần nước sạch Hà Nam cũng đã đưa Nhà máy nước sạch ở xã Mộc Nam (thị xã Duy Tiên) có công suất thiết kế 200.000 m3/ngày đêm vào khai thác giai đoạn I có công suất 100.000 m3/ngày đêm, phục vụ một phần thị xã Duy Tiên, Khu công nghiệp (KCN) Đồng Văn I, II, III, IV và một phần thành phố Phủ Lý. Ông Phạm Trọng Khôi, Giám đốc Công ty cổ phần nước sạch Hà Nam cho biết: Từ tháng 4/2023, Công ty cổ phần nước sạch Hà Nam đã bán nước sạch ở Nhà máy nước sông Hồng phục vụ cho các doanh nghiệp trong các KCN Đồng Văn I ,II, III và một phần KCN Đồng Văn IV theo hình thức bán buôn và bán lẻ.

Đối với các hộ dân và doanh nghiệp ở khu vực phường Lam Hạ, Liêm Chính và phần lớn các hộ dân ở Phường Minh Khai, Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Lương Khánh Thiện cũng đã được cấp nước mặt sông Hồng thay vì dùng nước sông Đáy như trước đây. Qua thực tế cho thấy, việc chuyển đổi từ khai thác nước ngầm sang nước mặt sông Hồng là hoàn toàn phù hợp theo đúng chủ trương của UBND tỉnh, đồng thời đáp ứng yêu cầu về nguồn nước, chất lượng dịch vụ cấp nước phục vụ khách hàng. Về lâu dài, công ty sẽ có chiến lược chủ yếu khai thác nước sông Hồng để xử lý thành nước sạch sinh hoạt phục vụ cho khách hàng.

Công ty cổ phần nước Setfil Hà Nam (KCN Đồng Văn I) sử dụng nguồn nước mặt sông Hồng bảo đảm chất lượng nước phục vụ sản xuất cho các doanh nghiệp. Ảnh: Trần Thoan

Theo quy hoạch vùng cấp nước tỉnh Hà Nam đến năm 2030, toàn tỉnh sẽ có khoảng 40 nhà máy cung cấp nước sạch; tỷ lệ bao phủ dịch vụ cấp nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung tại khu vực nông thôn đạt 100%; dịch vụ cấp nước liên tục, đủ áp lực 24 giờ trong ngày đối với khu vực thành thị; giảm tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch dưới 15% tại các đô thị, dưới 20% tại khu vực nông thôn. Tiêu chuẩn cấp nước sinh hoạt đối với thành phố Phủ Lý giai đoạn 2030 là 150-180 lít/người/ngày đêm. Đối với khu vực đô thị còn lại, giai đoạn đến 2030 là 120-150 lít/người/ngày đêm. Đối với khu vực nông thôn, đến 2030 là 100 lít/người/ngày đêm. Tiêu chuẩn cấp nước công nghiệp tập trung 22-25 m3/ha/ngày đêm. Nguồn cấp nước chính là nguồn nước mặt sông Hồng và sông Đáy đoạn từ xã Tân Sơn (Kim Bảng) đến ranh giới hành chính giữa huyện Kim Bảng và thành phố Phủ Lý. Hạn chế và tiến tới không sử dụng nguồn nước ngầm tại khu vực đã có hệ thống cấp nước tập trung sử dụng nguồn nước mặt. Trường hợp nguồn sông Đáy bị ảnh hưởng bởi môi trường và biến đổi khí hậu, sẽ sử dụng nguồn nước sông Hồng là nguồn cấp nước chính.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh chỉ đạo các doanh nghiệp cấp nước phải nhanh chóng chuyển đổi công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nước đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhân dân; căn cứ chất lượng nguồn nước thô, tính chất và vai trò của các nhà máy nước để áp dụng các công nghệ xử lý nước theo hướng hiện đại, tiết kiệm năng lượng, bảo đảm chất lượng nước cấp theo quy chuẩn hiện hành.

Trần Hữu

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/moi-truong-do-thi/mo-rong-dia-ban-cap-nuoc-sinh-hoat-co-nguon-nuoc-mat-tu-song-hong-105393.html