Mở rộng diện tích cây ăn quả trên vùng Đồng Tháp Mười

Huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang đã mở rộng diện tích trồng các loại cây ăn quả lên 17.700 ha, cho sản lượng mỗi năm trên 300.000 tấn quả với nhiều chủng loại có giá trị như dứa, dừa, thanh long, chanh, cây ăn quả có múi…, mang lại thu nhập khá cho người dân.

Xã viên Hợp tác xã Thiên Phúc, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang chăm sóc vườn thanh long giống mới vỏ vàng ruột trắng. Ảnh: Minh Hưng/TTXVN

Xã viên Hợp tác xã Thiên Phúc, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang chăm sóc vườn thanh long giống mới vỏ vàng ruột trắng. Ảnh: Minh Hưng/TTXVN

Là huyện vùng Đồng Tháp Mười duy nhất của tỉnh Tiền Giang, Tân Phước đã từng bị hoang hóa, nhiễm phèn nặng, thiên nhiên khắt nghiệt, dân cư thưa thớt. Thực hiện chủ trương về tiến công khai thác vùng Đồng Tháp Mười, tỉnh Tiền Giang đã đầu tư kiện toàn kiến thiết hạ tầng, giao thông, thủy lợi và các công trình tiện ích xã hội phục vụ dân sinh khác.

Huyện đã tăng cường khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp, định hướng để nông dân khai hoang sản xuất và hình thành các vùng sản xuất chuyên canh mang tính hàng hóa lớn phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Theo đó, phát triển các vùng chuyên canh cây ăn quả, cây công nghiệp có giá trị kinh tế tập trung cho sản lượng nông sản hàng hóa phục vụ thị trường là một trong những hướng đi quan trọng.

Đến nay, huyện xây dựng được vùng trồng dứa chuyên canh trên 15.000 ha; trong đó, có gần 14.000 ha đang cho trái. Dứa được coi là cây trồng đặc hữu của vùng Đồng Tháp Mười, huyện Tân Phước, năng suất từ 18 tấn đến 21 tấn/ha và sản lượng hàng năm đạt trên 255.000 tấn quả. Nhờ cây dứa, nhiều nông hộ đã có thu nhập cao, kinh tế ổn định.

Ông Đặng Văn Thích, cư ngụ tại ấp Hòa Thuận, xã Thạnh Hòa, huyện Tân Phước khai hoang trồng gần 10 ha dứa. Trung bình mỗi năm, gia đình ông Thích thu hoạch từ 180-200 tấn dứa, cho lãi từ 400 - 500 triệu đồng. Theo ông Thích, dứa thích hợp vùng đất nhiễm phèn Đồng Tháp Mười, cho năng suất và sản lượng cao, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế lớn.

Cùng với đó, huyện Tân Phước cũng đã trồng được 222 ha dừa với sản lượng thu hoạch hàng năm trên 1.000 tấn quả. Gần đây, nhờ đẩy mạnh khai hoang, phục hóa, nông dân địa phương còn phát triển thêm nhiều cây trồng mới có tiềm năng kinh tế lớn như: chanh, mít, thanh long...

Đặc biệt, Tân Phước cũng hình thành vùng trồng chuyên canh thanh long lên đến 1.030 ha, lớn thứ hai sau cây dứa; trong đó, có gần 950 ha thanh long ruột đỏ, còn lại là ruột trắng. Diện tích thanh long đang cho thu hoạch khoảng 600 ha, năng suất bình quân 21,8 tấn/ha và sản lượng mỗi năm đạt gần 13.000 tấn quả.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phước Huỳnh Văn Bườn cho biết, cây ăn quả đang là lợi thế của địa phương. Cùng với định hướng xây dựng các vùng chuyên canh, Tân Phước chú trọng hỗ trợ nông dân về các giải pháp kỹ thuật thâm canh theo khoa học, chọn giống tốt, hình thành các hợp tác xã và tổ hợp tác quy tụ nông dân vào làm ăn tập thể kiểu mới, nhằm xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại cho trái cây đặc sản.

Minh Trí (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/mo-rong-dien-tich-cay-an-qua-tren-vung-dong-thap-muoi-20210908103600786.htm