Mở rộng đối tượng chuyển giao, giảm đầu tư trực tiếp cho DNNN

Tiếp tục tăng tỷ trọng đầu tư cho kết cấu hạ tầng, giảm tỷ trọng đầu tư trực tiếp của Nhà nước cho các DNNN; mở rộng đối tượng chuyển giao doanh nghiệp và vốn nhà nước tại doanh nghiệp; quy định rõ hơn quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước…

Hiệu quả hoạt động thấp hơn tốc độ tăng trưởng nguồn vốn

Theo số liệu Chính phủ báo cáo với Quốc hội về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2021, tổng tài sản DNNN là gần 3,65 triệu tỷ đồng, tăng 1% so với năm 2020. Lợi nhuận trước thuế tăng 25% so với 2020.

Về doanh thu năm 2021, báo cáo cho biết tổng doanh thu của 826 doanh nghiệp trên đạt 2.128.254 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2020. Trong đó, khối các tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con là 1.919.795 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2020, chiếm 90% tổng doanh thu của các doanh nghiệp.

Trong khi đó, lãi phát sinh trước thuế đạt 205.045 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2020. Tổng số phát sinh phải nộp ngân sách nhà nước là 323.876 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2020, chủ yếu thu từ hoạt động kinh doanh nội địa (chiếm 75% tổng số phát sinh phải nộp ngân sách nhà nước).

Tuy nhiên, năm 2021 vẫn có tới 48 DNNN thua lỗ với tổng số lỗ hơn 15.700 tỷ đồng. Trong đó tới 138 DN lỗ lũy kế với tổng lỗ hơn 50.000 tỷ đồng. Một số đơn vị lỗ nhiều nhất là Tập đoàn Hóa chất lỗ 3.038 tỷ đồng; Tổng Công ty Đường sắt lỗ 1.976 tỷ đồng; Tổng Công ty Cà phê 857 tỷ đồng...

Với 197 doanh nghiệp do Nhà nước giữ trên 50% vốn, theo Chính phủ, có 23 đơn vị bị lỗ trong năm 2021, với tổng lỗ phát sinh là 13.757 tỷ đồng…

TS. Trần Quốc Hưng - Đại học Thủy Lợi nhận định, kết quả hoạt động của DNNN đạt được chủ yếu dựa trên nguồn lực sẵn có (lĩnh vực, vốn, thị trường,..), có lịch sử hoạt động lâu đời và uy tín trên thị trường. Chất lượng và hiệu quả hoạt động của DNNN còn thấp hơn tốc độ tăng trưởng nguồn vốn kinh doanh. Một số DNNN quy mô lớn có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh còn thấp, nợ nần, thua lỗ, thất thoát lớn.

Bên cạnh đó, khả năng cạnh tranh, đặc biệt cạnh tranh quốc tế của DNNN đã có nhiều cải thiện nhưng vẫn chưa đạt kết quả rõ nét. Theo tổng hợp số liệu thống kê, trong lĩnh vực trọng yếu như thương mại với số thu cân đối ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu chiếm 13,81% tổng thu ngân sách nhà nước thì trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 9,36%, còn doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp khu vực tư nhân trong nước chiếm đều chiếm khoảng 2,2%. Như vậy, nếu sử dụng xuất khẩu là tiêu chí, thước đo để đánh giá năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thì có thể thấy khả năng cạnh tranh và vươn ra thị trường quốc tế của DNNN còn hạn chế.

PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến - Đại học Luật Hà Nội cho rằng, hiện nay, hiệu quả sản xuất - kinh doanh và đóng góp của các DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực Nhà nước đầu tư. Một số dự án của DNNN còn thua lỗ, thất thoát vốn lớn (12 dự án của ngành Công Thương); chưa nắm bắt được thời cơ và thu hút nguồn lực của thị trường do tác động của yếu tố thương mại để thu hút đầu tư và mở rộng quy mô sản xuất - kinh doanh; doanh nghiệp chưa chủ động và đa dạng hóa được thị trường, chủ yếu sử dụng thị trường truyền thống. Do đó, không gia tăng được sản phẩm, giá trị gia tăng, doanh thu, lợi nhuận, việc làm.

Ngoài ra, việc quản lý vốn đầu tư nhà nước vào doanh nghiệp còn bộc lộ nhiều tồn tại. Việc tách bạch giữa vai trò sở hữu Nhà nước và chức năng quản lý Nhà nước chưa đầy đủ. Chính sách phát triển ngành còn đan xen với chính sách chủ sở hữu của Nhà nước. Đầu tư Nhà nước cho phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ các thành phần kinh tế còn đan xen với đầu tư vốn chủ sở hữu Nhà nước cho doanh nghiệp Nhà nước và đầu tư của DNNN. Hệ quả là khó xây dựng khuôn khổ quản trị rõ ràng cho DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước như khu vực tư nhân, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ phát sinh đối xử bất bình đẳng và hạn chế cạnh tranh. Bên cạnh đó, DNNN đã áp dụng pháp luật kinh doanh và pháp luật cạnh tranh như các doanh nghiệp khác nhưng việc thực thi chưa nghiêm và những ưu đãi trên thực tế cho doanh nghiệp nhà nước đang là rào cản để DNNN đáp ứng chuẩn mực quản trị hiện đại.

Mặt khác, hệ thống quy định của pháp luật chưa quy định đầy đủ về việc giám sát cơ quan chủ sở hữu. Hiệu quả quản lý của cơ quan đại diện chủ sở hữu và trách nhiệm nâng cao giá trị vốn Nhà nước là những vấn đề chưa được thường xuyên xem xét, đánh giá và công bố công khai. Do thiếu cơ chế giám sát, đánh giá thường xuyên đối với cơ quan đại diện chủ sở hữu nên không tạo được áp lực cho các cơ quan đại diện chủ sở hữu (Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh...) phải quản lý vốn nhà nước tốt hơn, hiệu quả hơn. Cùng với đó, trách nhiệm giám sát DNNN còn phân tán cho nhiều cơ quan, thiếu sự thống nhất. Đặc biệt, hiện không cơ quan nào có đủ thẩm quyền và khả năng theo dõi, đánh giá doanh nghiệp nhà nước một cách đầy đủ, hiệu quả và toàn diện.

Giảm tỷ trọng đầu tư trực tiếp

Với những bất cập trên, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến kiến nghị, Ban soạn thảo sửa đổi Luật 69/2014/QH13 sửa đổi theo hướng điều chỉnh cơ cấu đầu tư vốn Nhà nước theo hướng tiếp tục tăng tỷ trọng đầu tư cho kết cấu hạ tầng phục vụ sự phát triển của mọi thành phần kinh tế và phát triển kinh tế - xã hội, giảm tỷ trọng đầu tư trực tiếp của Nhà nước cho các DNNN trong lĩnh vực kinh doanh cạnh tranh. Tập trung các nguồn vốn đầu tư nhà nước để xây dựng và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, năng lượng, nông nghiệp, đô thị, thông tin và truyền thông, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao, du lịch, cải thiện chất lượng môi trường; nâng cao năng lực quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Ngoài ra, cần tách bạch, phân định rõ chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của nhà nước với chức năng quản lý nhà nước đối với mọi loại hình doanh nghiệp, chức năng quản trị kinh doanh của DNNN. Trong đó, chủ sở hữu nhà nước thực hiện trách nhiệm đối với doanh nghiệp nhà nước, cổ phần, vốn góp của Nhà nước theo cách thức chuyên nghiệp, chuyên trách, có hiệu lực và hiệu quả; đóng vai trò là nhà đầu tư, chủ sở hữu, bình đẳng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm với các nhà đầu tư khác trong doanh nghiệp.

Theo PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, việc hoàn thiện quy định pháp luật về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp cần theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với DNNN. Đồng thời, rà soát, tiếp tục mở rộng đối tượng chuyển giao doanh nghiệp và vốn nhà nước tại doanh nghiệp về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và SCIC, tiến tới mô hình các Bộ, cơ quan ngang Bộ không thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Thêm nữa, cần quy định rõ cơ quan đại diện chủ sở hữu chịu trách nhiệm toàn diện về việc giám sát doanh nghiệp nhà nước, về quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Đề cập về sửa đổi, bổ sung quy định về cơ quan đại diện chủ sở hữu tại Luật 69/2014/QH13, ông Phạm Đức Trung - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đề xuất, cơ quan soạn thảo sửa đổi Luật cần quy định rõ hơn các quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước, bao gồm: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ quan đại diện chủ sở hữu, thành viên hội đồng thành viên công ty TNHH một thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên.

Đối với cơ quan đại diện chủ sở hữu, cần sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 42 và Điều 43 Luật 69/2014/QH13 trên nguyên tắc đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp; cơ quan đại diện chủ sở hữu không quyết định những vấn đề thuộc lĩnh vực điều hành và quản trị kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó: Nghiên cứu, sửa đổi quy định về quyền của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với DNNN là công ty TNHH một thành viên tương tự như quyền của đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần nhằm hạn chế việc cơ quan đại diện chủ sở hữu phải thực hiện trách nhiệm ban hành các quyết định thuộc lĩnh vực điều hành kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, bổ sung các các quy định hướng dẫn trình tự, thủ tục thực hiện các quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo hướng phân cấp mạnh mẽ quyền tự chủ và nâng cao trách nhiệm của hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, nhất là đối với lĩnh vực đầu tư, tài chính doanh nghiệp.

Ngoài ra, Ban soạn thảo cần sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ quy định pháp luật để xác định rõ cơ quan chủ trì và các cơ quan phối hợp thực hiện đối với từng nội dung quản lý nhà nước về đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Theo đó, quy định hướng cụ thể Điều 8 Luật 69/2014/QH13 và các quy định có liên quan của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp.

Hạnh Trần/Tạp chí in số tháng 5/2023

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/mo-rong-doi-tuong-chuyen-giao-giam-dau-tu-truc-tiep-cho-dnnn-d39150.html