Mở rộng đối tượng để tạo khích lệ và lan tỏa

Chia sẻ với Báo phóng viên Đại biểu Nhân dân về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục ĐẶNG XUÂN PHƯƠNG nhấn mạnh phải chú trọng nâng cao chất lượng thi đua, khen thưởng. Việc mở rộng đối tượng để tạo sự khích lệ, tạo sự lan tỏa nhưng tiêu chí phải chặt chẽ.

Khen thưởng phải chính xác

- Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) có bổ sung thêmcác đối tượng khen thưởng. Vậy quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Tôi rất đồng tình với các phương án của dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) trình tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV. Trong đó, mục xét tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân, Nghệ sỹ Ưu tú vẫn giữ nguyên các đối tượng, trường hợp đề xuất xét tặng gồm nhạc sỹ và phát thanh viên và có bổ sung thêm một số các đối tượng khác như, nhiếp ảnh gia, kiến trúc sư…

Nếu bỏ sót những trường hợp xứng đáng được nhận các danh hiệu sẽ không tạo được sự lan tỏa, động viên với giới văn nghệ sỹ. Đối với nghệ sỹ, điều quan trọng nhất vẫn là những cống hiến của họ trong hoạt động nghệ thuật. Do đó, nếu có cống hiến thì họ được ghi nhận. Do đó, tôi cũng đánh giá cao nỗ lực của Ban soạn thảo trong việc tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia và các nhà nghiên cứu. Những nội dung sửa đổi lần này, nhằm hạn chế việc bỏ sót đối tượng xét tặng theo quy định trong Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành. Chính vì vậy, tôi nghĩ rằng, các bổ sung lần này rất kịp thời và hợp lý.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đặng Xuân Phương phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đặng Xuân Phương phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ

Những năm qua, Đảng, Nhà nước và Nhân dân luôn luôn đánh giá cao và ghi nhận các đóng góp to lớn của các văn nghệ sỹ cho sự nghiệp chung của dân tộc bằng việc trao tặng nhiều hình thức khen thưởng như trao tặng các huân chương, huy chương…

Do đó, việc bổ sung các đối tượng xét tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân, Nghệ sỹ Ưu tú cho các nghệ sỹ sáng tác cũng là một hình thức để ghi nhận đóng góp, cống hiến của lực lượng nghệ sỹ đối với công cuộc kiến thiết, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…

Bảo đảm tính công bằng, tiến bộ

- Đánhgiá về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) lần này, có ý kiến cho rằng, nên bổ sung và xét danh hiệu Nghệ sNhân dân, Nghệ sƯu tú cho các nghệ sỹ sáng tác, có quá trình cống hiến và đạt được tiêu chí theo quy định thay vì chỉ trao cho các nghệ sỹ biểu diễn, ông đánh giá như thế nào về vấnđề này?

-Tôi cho rằng, việc bổ sung một số trường hợp là các nhà hoạt động trong lĩnh vực văn hóa vào diện xét danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú, Nghệ sỹ Nhân dân cũng là phù hợp. Bởi vì, không phải chỉ có những người tham gia biểu diễn mà kể cả những tác giả là nghệ sỹ sáng tác cũng đều cống hiến cho nghệ thuật và công chúng. Họ cần được đánh giá, nhìn nhận và khen thưởng một cách công bằng. Vì nghệ sỹ sáng tác cũng có khả năng biểu đạt được tư tưởng của mình trong những công trình, những sản phẩm văn hóa. Ví như, những kiến trúc sư, nhà điêu khắc làm các tượng đài, họ có thể có những dấu ấn thể hiện ở trong công trình đó. Để khi mọi người nhìn vào những sản phẩm, “đứa con tinh thần” của nghệ sỹ có thể thấy được những tư tưởng rất lớn chứa đựng trong mỗi tác phẩm và có tác động tích cực đến xã hội. Ngoài ra, những nhà biên kịch, nghệ sỹ sáng tác loại hình nghệ thuật khác cũng cần được ghi nhận, đánh giá những cống hiến của họ. Tuy nhiên, vấn đề là ở đây là cần nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng, phù hợp, chặt chẽ về tiêu chí nhưng cần mở rộng đối tượng để khích lệ, động viên, tạo sự lan tỏa…

Bởi vì, các tiêu chí trong Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành gần như mới chỉ dành cho nhóm các nghệ sỹ có hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Còn những nhà hoạt động văn hóa khác như là nhạc sỹ, biên kịch, kiến trúc sư, nhiếp ảnh thì các tiêu chí này vẫn chưa phù hợp, cần phải bổ sung để tiếp tục hoàn thiện.

Theo tôi, nếu chưa hoàn thiện được ngay thì trong dự án luật cũng nên có quy định mở để có hướng dẫn bổ sung sau này. Còn nếu đưa ra những quy định xác định là phải cần bao nhiêu năm hoạt động nghệ thuật thì sẽ rất khó khăn trong việc xét tặng. Ví dụ như, một nhà nhiếp ảnh, họ không phải hoạt động nhiều năm mà không chỉ làm trong lĩnh vực nhiếp ảnh mà họ có thể tham gia ở rất nhiều lĩnh vực, có thể là một nhà báo, nhà văn… Nhưng chỉ cần một số tác phẩm ghi được dấu ấn lớn và để lại những giá trị về mặt tư tưởng sâu sắc, có tầm ảnh hưởng đến xã hội, đến đất nước và quốc tế thì cũng nên có sự điều chỉnh tiêu chuẩn cho phù hợp.

- Sự điều chỉnh đó, sẽ tạo ra sự khích lệ cho các nghệ sỹ không tham gia biểu diễn, thưa đại biểu?

- Mỗi danh hiệu đều mang một ý nghĩa, một giá trị nhất định. Và việc mở rộng các đối tượng khen thưởng quy định trong luật cũng thể hiện, khẳng định sự tôn vinh của Nhà nước, của xã hội đối với những người hoạt động nghệ thuật. Rõ ràng, điều này, góp phần khích lệ, động viên và tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng nghệ sỹ và tác động tích cực đến xã hội.

Hơn thế, việc sửa đổi, bổ sung các văn bản luật hiện hành cũng là để thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác thi đua, khen thưởng; khắc phục những bất cập của các quy định hiện hành; bổ sung những vấn đề mới phát sinh phù hợp với thực tiễn về công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới và đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.

- Xin cảm ơn ông!

Đức Hiệp thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/mo-rong-doi-tuong-de-tao-khich-le-va-lan-toa-i290129/