'Mơ Rồng' - giấc mơ thú vị của múa rối Thăng Long

'Mơ Rồng' vừa được Nhà hát Múa rối Thăng Long dàn dựng và ra mắt mang lại những thú vị mới về nghệ thuật múa rối trong lòng người xem bởi sự thể nghiệm những sáng tạo độc đáo, mượn giấc mơ để nói câu chuyện của hiện thực hôm nay.

Vở diễn được đạo diễn Lê Quý Dương dàn dựng để tham dự Liên hoan Sân khấu thử nghiệm quốc tế Hà Nội 2019, diễn ra vào tháng 10 tới.

“Mơ Rồng” bắt đầu từ tình huống một nghệ sĩ tạo hình các nhân vật rối trong một đêm làm việc và sáng tạo miệt mài, mệt quá đã ngủ thiếp đi. Từ đây, giấc mơ rồng của anh dần hiện hữu. Vì là mơ nên người nghệ sĩ tạo hình rối, hay đúng hơn là đạo diễn, tác giả kịch bản Lê Quý Dương đã thỏa sức bay bổng, sáng tạo và cả những mơ mộng về rồng. Không chỉ có rồng châu Á mà còn có cả rồng châu Âu, như một ý nghĩa hòa nhập với thế giới. Rồng ở đây không chỉ là hình tượng cụ thể mà còn là ước mơ chinh phục, khai phá và gắn kết, tương trợ giữa người với người, giữa các quốc gia với nhau.

Cảnh trong vở múa rối “Mơ Rồng”.

Vẫn dựa trên tích trò truyền thống của múa rối-chủ đạo là chú Tễu đã cùng với Rồng Bay tham gia hành trình phiêu lưu và du ngoạn khắp hành tinh. Hai nhân vật chính đã gặp những con rồng khác như: Rồng Đất (Rồng đất châu Á), Rồng Vàng (Rồng vàng châu Âu), Rồng Lửa (Rồng lửa châu Phi), Rồng Gió (Rồng Mỹ), Rồng Nước và Rồng Hoa đến từ châu Đại Dương. Tễu và Rồng Bay giúp họ bằng những hành động anh hùng, chiến đấu với các thế lực hung ác, đen tối. Đồng thời, sau trận chiến kinh hoàng, họ đã cảm hóa được Rồng Gió trở về với điều thiện. Vở diễn kết thúc với Lễ hội hòa bình nơi Tễu và Rồng Bay mời bè bạn từ khắp bốn biển, năm châu về quanh hồ Hoàn Kiếm giữa lòng Hà Nội - Thành phố hòa bình.

Những gì mà Tễu và Rồng Bay trải qua cũng chính là những gì mà hiện thực cuộc sống nóng bỏng của nhân loại hôm nay: Biến đổi khí hậu, bắt cóc trẻ em, rác thải công nghệ, bệnh tật đói nghèo, tranh chấp đại dương…Vì đây là vở diễn tham dự Liên hoan Sân khấu thử nghiệm quốc tế Hà Nội 2019 nên ngoài vấn đề nội dung, vở diễn phải đạt yếu tố quan trọng là sự thử nghiệm, thể hiện sự tìm tòi, sáng tạo mới mẻ của tác giả. Đạo diễn Lê Quý Dương vẫn lấy cái gốc là nghệ thuật múa rối truyền thống, để từ đó thể hiện sự sáng tạo mang tính tiếp nối, kế thừa bằng việc kết hợp truyền thống với hiện tại.

Ở “Mơ Rồng”, lần đầu tiên khán giả được nhìn thấy những tạo hình rối đầy mới lạ, phong phú với đủ loại hình từ rối nước, rối cạn, rối dây, rối que và kết hợp với nghệ thuật hình thể. Những người vốn chỉ thầm lặng đứng sau tấm mành tre để điều khiển các nhân vật rối truyền thống, trở thành những diễn viên tràn đầy năng lượng và cảm xúc, với kỹ thuật biểu diễn hình thể hiện đại. Điều này đã mang lại sự sáng tạo mới mẻ cho các nghệ sĩ để họ được thăng hoa hơn trên sân khấu. Với kỹ thuật biểu diễn hình thể hiện đại, khi hóa thân thành thể xác, lúc nhập tâm thành linh hồn của các nhân vật rối tưởng vô tri vô giác nhưng có một đời sống nội tâm và hình thể vô cùng phong phú.

Các nghệ sĩ múa rối đón mừng sự tán thưởng của khán giả trước những sáng tạo mới.

Theo đạo diễn Lê Quý Dương, “Mơ Rồng” là một cuộc thử nghiệm sân khấu thú vị nhưng cũng đầy thách thức trong việc mở rộng không gian và khả năng diễn tả, của nghệ thuật múa rối nước truyền thống, một di sản sân khấu quý báu đã hình thành và được gìn giữ suốt hơn mười thế kỷ tại Việt Nam. Theo đó, không gian múa rối nước không chỉ là bể nước mà toàn bộ không gian của nhà hát đã được chủ động khai thác đa dạng, năng động và mới lạ.

Sau khi xem “Mơ Rồng”, ông Tobias Biancone - Tổng Giám đốc Viện Sân khấu Quốc tế, Chủ tịch Mạng lưới ITI/UNESCO về Giáo dục Đại học về Nghệ thuật sân khấu cho rằng: “Đạo diễn Lê Quý Dương đã cho ra đời một kiệt tác bắt nguồn từ truyền thống Việt Nam theo cách thể hiện hiện đại và sáng tạo. Đối với tôi, đó là một hình thức thể hiện xuất sắc và mẫu mực trong nghệ thuật sân khấu, đồng thời thể hiện bản sắc văn hóa địa phương với số lượng lớn nhất, gồm cả người trẻ, người già, người Việt Nam và các dân tộc trên thế giới”.

Với “Mơ Rồng”, các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Múa rối Thăng Long, Hà Nội đã dành trọn tình yêu và tâm huyết để thổi luồng gió mới vào nghệ thuật múa rối truyền thống quý báu của cha ông trong sự kết hợp sáng tạo, để đưa khán giả trải nghiệm trong không gian của những khai mở mới, với hy vọng tạo ấn tượng thú vị trong Liên hoan mang tính quốc tế sắp tới.

Bài, ảnh: VƯƠNG HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/mo-rong-giac-mo-thu-vi-cua-mua-roi-thang-long-591849