Mở rộng 'kênh Nam Ninh', Trung Quốc và ASEAN cùng thúc đẩy phục hồi kinh tế khu vực

Qua CAEXPO và CABIS 2020, 'kênh Nam Ninh' đã được thiết lập và trở thành nền tảng quan trọng cho sự mở cửa, hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN.

Hội chợ và Hội nghị thượng đỉnh thương mại - đầu tư Trung Quốc - ASEAN (CAEXPO và CABIS) lần thứ 17 ở Nam Ninh, Trung Quốc. (Nguồn: Xinhua)

Hội chợ và Hội nghị thượng đỉnh thương mại - đầu tư Trung Quốc - ASEAN (CAEXPO và CABIS) lần thứ 17 ở Nam Ninh, Trung Quốc. (Nguồn: Xinhua)

Ngày 27/11, Hội chợ và Hội nghị thượng đỉnh thương mại - đầu tư Trung Quốc - ASEAN (CAEXPO và CABIS) lần thứ 17 đã khai mạc tại Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc.

CAEXPO và CABIS đã được tổ chức thành công trong 16 lần liên tiếp kể từ năm 2004. Qua đó, "kênh Nam Ninh" đã được thiết lập và trở thành một tấm gương sáng của khu vực Quảng Tây (Trung Quốc) và là nền tảng quan trọng cho sự mở cửa, hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN.

Sự đổi mới của CAEXPO và CABIS năm nay

"Kênh Nam Ninh" gần đây đã được mở rộng, đặc biệt năm nay bối cảnh kinh tế kỹ thuật số càng nâng cấp chất lượng hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN hơn, thông qua việc làm sâu sắc hơn hợp tác Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Qua đó, kênh này giúp đẩy mạnh hợp tác Trung Quốc-ASEAN và hướng tới phục hồi kinh tế khu vực, đối phó với những thách thức kinh tế toàn cầu.

Năm nay, CAEXPO tổ chức các cuộc triển lãm, đồng thời xây dựng nền tảng kỹ thuật số và tạo ra một "Cloud CAEXPO" để đáp ứng nhu cầu của thế giới hậu Covid-19, đồng thời góp phần giúp xây dựng một "năm hợp tác kinh tế kỹ thuật số Trung Quốc-ASEAN" và cung cấp dịch vụ đàm phán trực tuyến, tiếp thị trực tiếp cho các nhà triển lãm Trung Quốc và nước ngoài.

Bên cạnh đó, CAEXPO lần này cũng thiết lập khu triển lãm dành cho Khu Vịnh lớn Quảng Đông - Hong Kong - Macau, mở rộng quy mô sáng kiến Hành lang Thương mại Biển - Đất liền Quốc tế mới phía Tây Trung Quốc, tối ưu hóa khu vực tài chính, tiếp tục tăng cường quan hệ với ASEAN và triển lãm quốc tế theo BRI, thu hút nhiều tiêu dùng nội địa Trung Quốc và tập trung vào khả năng đáp ứng nhu cầu nội địa Trung Quốc.

Với sự mở rộng của "Kênh Nam Ninh", CAEXPO và CABIS không ngừng phát triển và đóng một vai trò to lớn trong sự nâng cấp của Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA), tạo nền tảng vững chắc tăng cường hợp tác Trung Quốc-ASEAN và góp phần thúc đẩy phục hồi kinh tế khu vực đối phó với sự ảm đạm của nền kinh tế toàn cầu.

3 điểm chính của kinh tế khu vực

Hiện nay, có ba đặc điểm chính của nền kinh tế khu vực:

Một là, môi trường phát triển của nền kinh tế toàn cầu đang vô cùng bất ổn do chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch ở phương Tây, hệ quả là kinh tế khu vực đang phải đối mặt với áp lực giảm mạnh và tình hình chung không mấy lạc quan. Triển vọng kinh tế thế giới do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố báo cáo rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 giảm mạnh từ 2,8% năm 2019 xuống còn -4,4% năm 2020 do sự bùng phát của chủ nghĩa bảo hộ và đại dịch Covid-19.

Là quốc gia có tốc độ tăng trưởng dương lớn nhất thế giới, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể sẽ là 1,9%. Bên cạnh đó, Việt Nam có khả năng trở thành quốc gia duy nhất có mức tăng trưởng tích cực trong khu vực. Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và các nền kinh tế lớn khác ở Đông Nam Á sẽ cho thấy nhiều mức độ suy giảm khác nhau.

Hai là, đang diễn ra sự chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế số trong khu vực. Các nền kinh tế mới nổi như nền kinh tế thông minh và nền kinh tế số đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của nhiều quốc gia trong cuộc cách mạng khoa học và công nghệ mới. Điển hình là các nước ASEAN đang đẩy mạnh cách mạng Công nghiệp 4.0.

Ba là, Trung Quốc và các nước ASEAN quyết tâm thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và thương mại tự do trong khu vực, đồng thời dần phục hồi thương mại. Trong 10 tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại Trung Quốc - ASEAN đã tăng 7% và ASEAN lần đầu tiên trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc.

Trong bối cảnh đó, Trung Quốc và các nước ASEAN quyết tâm và sẵn sàng duy trì thương mại tự do đa phương trong khu vực, cũng như nâng cao hợp tác trong thời kỳ mở cửa của nền kinh tế kỹ thuật số và thông minh. Và "kênh Nam Ninh" sẽ là một kênh quan trọng giúp Trung Quốc và ASEAN cùng thúc đẩy phục hồi kinh tế trong nước và khu vực.

(theo Global Times)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/mo-rong-kenh-nam-ninh-trung-quoc-va-asean-cung-thuc-day-phuc-hoi-kinh-te-khu-vuc-130366.html