Mở rộng, phát huy hiệu quả vườn cây ăn trái

Những năm gần đây, diện tích trồng cây ăn trái không ngừng mở rộng và đóng góp hiệu quả vào cơ cấu sản xuất nông nghiệp của thành phố. Trồng cây ăn trái có định hướng giúp nông dân nâng cao giá trị và thu nhập trên cùng một diện tích và có khả năng thích ứng tốt với biến đổi khí hậu.

Trồng thanh long ở xã Trường Xuân B, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.

Mở rộng diện tích trồng

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, năm 2019 nông dân trên địa bàn thành phố đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng với tổng diện tích hơn 2.292ha. Trong đó, diện tích chuyển đổi từ đất trồng lúa sang cây ăn trái là 1.274ha, tập trung nhiều tại huyện Phong Điền, huyện Cờ Đỏ, quận Thốt Nốt và Cái Răng, với các loại cây như xoài, sầu riêng, nhãn, cam, bưởi... Đến nay, Cần Thơ đã có tổng diện tích trồng cây ăn trái các loại đạt 20.125ha, vượt 5,09% so kế hoạch, với sản lượng đạt 132.240 tấn, vượt 32,24% so kế hoạch năm 2019. Ông Võ Tấn Anh ngụ khu vực Thới Thuận, phường Thới An, quận Ô Môn, cho biết: "Gia đình hiện chỉ có 2 công đất trồng nhãn Ido nhưng thu nhập có thể đạt hơn 120 triệu đồng/năm, cao hơn gấp 10 lần so với trước đây làm lúa. Trước đây khi còn làm ruộng, thu nhập từ 2 công đất này không đủ sống dù làm tới 3 vụ lúa, chỉ thu lời khoảng 2-4 triệu đồng/vụ. Hiện vườn nhãn Ido của tôi trồng được 6 năm tuổi, năng suất trái có thể đạt 2-3 tấn/công, giá bán bình quân từ 20.000-32.000 đồng/kg".

Thành phố cũng đã hình thành nhiều vùng sản suất cây ăn trái tập trung chuyên canh, với sản lượng nhiều loại trái cây ngon, đặc sản cung ứng ra thị trường hằng năm khá lớn. Điển hình như vùng xoài 2.386ha tại Thới Hưng-Cờ Đỏ, Tân Phú, Phú Thứ-Cái Răng; vú sữa 685ha tại Giai Xuân, Trường Long-Phong Điền, Thới An Đông-Bình Thủy; nhãn 689ha tại Thường Thạnh, Phú Thứ-Cái Răng, Tân Lộc-Thốt Nốt; dâu Hạ Châu 44ha tại Nhơn Ái- Phong Điền... Mỗi năm, Cần Thơ có thể cung ứng ra thị trường hơn 14.919 tấn xoài cát Hòa Lộc, cát Chu và xoài Đài Loan; hơn 12.000 tấn vú sữa các loại: vú sữa lò rèn, tím, bơ; hơn 14.860 tấn nhãn gồm nhãn Ido, tiêu da bò, thanh nhãn; 12.000 tấn dâu Hạ Châu; hơn 24.000 tấn trái cây có múi các loại như bưởi, cam, chanh...

Sản xuất an toàn, truy xuất nguồn gốc

Trái cây muốn xuất khẩu đi các nước và đưa vào bán với giá cao tại các siêu thị và kênh bán hàng cấp cao, đòi hỏi phải đạt chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất được nguồn gốc. Do vậy, ngành nông nghiệp đã và đang rất quan tâm hỗ trợ nông dân xây dựng các vùng trồng tập trung, được cấp mã số vùng trồng và sản xuất trái cây đạt theo các tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu thị trường.

Bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ, cho biết: "Bên cạnh việc tăng cường tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn nông dân trồng cây ăn trái đạt theo các chuẩn thực hành nông nghiệp tốt như VietGAP và Global GAP, Chi cục cũng tích cực hỗ trợ nông dân thực hiện các hồ sơ, thủ tục để được cấp mã Code cho vùng trồng cây ăn trái, đáp ứng yêu cầu về truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời, tích cực phối hợp quảng bá sản phẩm và kết nối giữa nông dân với doanh nghiệp và các nhà
tiêu thụ".

Với sự quan tâm hỗ trợ của ngành nông nghiệp và các cơ quan chức năng, nông dân đã từng bước đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao và quy trình sản xuất tiên tiến để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và đảm bảo an toàn thực phẩm. Đến nay, có 227ha cây ăn trái được lắp đặt hệ thống tưới phun, 173ha cây ăn trái sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Thành phố cũng đã hỗ trợ nông dân tại nhiều câu lạc bộ, tổ hợp tác và hợp tác xã (HTX) trồng cây ăn trái thực hiện các thủ tục và được cấp 8 mã code cho 3 loại cây là xoài, nhãn và vú sữa.

Ông Trần Văn Chiến, Giám đốc HTX vườn cây ăn trái Trường Khương A, cho biết: "Thông qua sự hỗ trợ, kết nối của ngành nông nghiệp thành phố, vú sữa trồng theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX đã được một doanh nghiệp thu mua và xuất khẩu thành công vào thị trường khó tính là Mỹ. Nhờ vậy, giá bán vú sữa tại HTX tốt hơn so với trước và HTX cũng ngày càng được nhiều doanh nghiệp biết đến. HTX hiện có 45 xã viên, với 45,5ha vú sữa trồng đạt theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó có 17 xã viên đang nâng cao các tiêu chuẩn trong quy trình sản xuất cho 24,5ha để đạt theo tiêu chuẩn Global GAP".

Theo ông Phan Văn Tây, Giám đốc HTX nông nghiệp Lộc Hưng, thời gian qua, có nhiều doanh nghiệp đến ngỏ lời đặt hàng thu mua xoài với số lượng lớn nhưng HTX phải cân nhắc chưa dám nhận lời vì không có đủ hàng để bán. HTX có 19 xã viên, với diện tích canh tác hơn 42ha, trong đó có hơn 30ha đã được cấp giấy chứng nhận sản xuất theo VietGAP và mã code. Bên cạnh đó, hiện sản phẩm xoài của HTX cũng được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Đây là những điều kiện rất tuận lợi để HTX đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm ở các phân khúc thị trường cấp cao. HTX đang phấn đấu đưa tất cả diện tích trồng xoài phải đạt VietGAP, đồng thời tích cực phát triển thêm xã viên mới và nỗ lực tham gia xuất khẩu và tiêu thụ hàng trực tiếp. Hướng tới liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với phần lớn nông dân trồng xoài tại địa phương.

Có thể nói, chính nhờ sản xuất sản phẩm đảm bảo an toàn và có mã code truy xuất nguồn gốc nên đầu ra trái cây của nhiều tổ hợp tác và HTX đã có nhiều thuận lợi so với trước. Trái cây không chỉ được doanh nghiệp thu mua xuất khẩu thành công vào các thị trường khó tính mà còn được đẩy mạnh tiêu thụ ở nội địa. Song, nhìn chung việc sản xuất và tiêu thụ trái cây tại thành phố vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, đòi hỏi các ngành chức năng phải chung tay vào cuộc để tháo gỡ kịp thời, nhất là việc liên kết tiêu thụ trái cây tuy đã có hướng chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa bền vững. Nhiều doanh nghiệp liên kết chưa thật sự đầu tư vào chuỗi giá trị, thu mua sản phẩm còn mang tính tạm thời, mùa vụ và chưa có sự phối hợp tốt giữa các doanh nghiệp xuất khẩu, tiêu thụ trái tươi với doanh nghiệp thu mua chế biến. Cây ăn trái chưa áp dụng được cơ giới hóa đồng bộ dẫn đến bài toán thiếu nhân công lao động và làm chi phí sản xuất tăng cao.

Hiện Câu lạc bộ trồng vú sữa ấp Tân Hưng, xã Giai Xuân, huyện Phong Điền được cấp 2 mã code để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, với tổng diện tích 14ha. HTX vườn cây ăn trái Trường Khương A, xã Trường Long, huyện Phong Điền được cấp 2 mã code xuất khẩu vú sữa sang thị trường Mỹ, với tổng diện tích 29,95ha. HTX nông nghiệp Lộc Hưng, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ được cấp 2 mã code để xuất khẩu xoài đi thị trường Mỹ và Úc, với diện tích 30,5ha. HTX trái cây Tân Lộc, quận Thốt Nốt được cấp 1 mã code để xuất khẩu nhãn đi Mỹ, với diện tích 15,8 ha...

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/mo-rong-phat-huy-hieu-qua-vuon-cay-an-trai-a116979.html