Mở rộng quy mô vệ sinh phòng chống dịch bệnh ở 21 tỉnh

Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả vay vốn Ngân hàng thế giới đã bước đầu đạt được kết quả đáng ghi nhận tại 21 tỉnh.

Tư vấn, chăm sóc sức khỏe và kiến thức vệ sinh cá nhân cho người dân. (Ảnh: Tường Vi/TTXVN)

Tư vấn, chăm sóc sức khỏe và kiến thức vệ sinh cá nhân cho người dân. (Ảnh: Tường Vi/TTXVN)

Theo Cục Quản lý Môi trường Y tế, Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả vay vốn Ngân hàng thế giới đã bước đầu đạt được kết quả đáng ghi nhận tại 21 tỉnh.

Chương trình này thực hiện ở 21 tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ giai đoạn 2016-2020, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số1415/QĐ-TTg.

Mục tiêu của Chương trình đạt 235.000 đấu nối cấp nước; 680 xã đạt vệ sinh toàn xã; Số nhà tiêu hợp vệ sinh hộ gia đình được xây mới hoặc cải tạo khoảng 400.000; Số công trình vệ sinh công cộng được xây mới hoặc cải tạo 2.650 công trình; Giảm mạnh phóng uế bừa bãi và tăng mạnh tỷ lệ dân số thường xuyên thực hành hành vi vệ sinh tốt.

Chương trình được thiết kế gồm có 3 hợp phần. Hợp phần 1: Cấp nước nông thôn; Hợp phần 2: Vệ sinh nông thôn; Hợp phần 3: Nâng cao năng lực truyền thông, giám sát, đánh giá. Bộ Y tế là cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm quản lý, điều phối chung thực hiện Hợp phần 2; và các hoạt động thay đổi hành vi về vệ sinh của Hợp phần 3.

6 tháng đầu năm 2018, Bộ Y tế đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới và Ban điều phối hướng dẫn các tỉnh đăng ký kiểm đếm kết quả đầu ra năm 2017.

Về tiến độ lập kế hoạch năm 2018, tính đến 20/8 đã có 7 tỉnh đã phê duyệt chương trình gồm Đắk Lắk, Lạng Sơn, Yên Bái, Sơn La, Kon Tum, Lai Châu, Lâm Đồng. Trong khi đó, 14 tỉnh đang trình phê duyệt là Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Bắc Giang, Tuyên Quang, Điện Biên, Gia Lai, Hòa Bình, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắc Nông, Phú Thọ, Lào Cai, Thái Nguyên.

Kết quả giải ngân nguồn vốn của Bộ Y tế tính đến tháng 8/2018 là 10% so với kế hoạch, chủ yếu cho các hoạt động hội thảo tập huấn, các hoạt động phối hợp với các đơn vị để truyền thông, kiểm tra giám sát.

Theo đại diện Bộ Y tế, phần lớn kinh phí nằm trong các hoạt động đấu thầu, sau đấu thầu dự kiến tỷ lệ giải ngân tương đương 78,6%.

Các bạn trẻ tham gia dọn vệ sinh khu vực nông thôn. (Ảnh: TTXVN)

Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả vay vốn Ngân hàng thế giới đạt được thuận lợi do có sự hỗ trợ, hướng dẫn, chỉ đạo thường xuyên từ Ban Điều phối Chương trình, Ngân hàng thế giới và Cục Quản lý môi trường y tế cho các tỉnh thông qua hội thảo, tập huấn; các đợt giám sát và các văn bản chỉ đạo.

Sau 2 năm thực hiện, các tỉnh đã có kinh nghiệm trong quá trình phối hợp và triển khai thực hiện các hoạt động của Chương trình. Một số nơi nhận được sự quan tâm, đầu tư của Ủy ban Nhân dân tỉnh, có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các đơn vị thực hiện để chủ động triển khai nên sớm xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện.

Kế hoạch 6 tháng cuối năm, Bộ Y tế dự kiến kết quả kiểm đếm cho năm 2018 có 240 xã đạt vệ sinh toàn xã, giải ngân hết nguồn vốn được cấp của năm 2018.../.

Thu Hương (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/mo-rong-quy-mo-ve-sinh-phong-chong-dich-benh-o-21-tinh/538089.vnp