Mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất: 'Quân bài hay' sẽ lật vào phút cuối?

Ngày 13/3, Thành ủy, UBND TP.HCM đã có buổi làm việc với nhóm chuyên gia về các phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.

Sân bay Tân Sơn Nhất nhìn từ trên cao.

Sẽ có những “quân bài” hay được lật ra vào phút cuối

Trao đổi với PV Infonet sáng nay 14/3, một thành viên của nhóm chuyên gia tham dự buổi họp trên thông tin rằng, đây chỉ là một trong nhiều cuộc họp diễn ra trong những ngày qua, hiện nhóm “đã đúc kết một số hướng yêu cầu”.

Ông cũng cho biết Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân coi những ngày làm việc này là để chuẩn bị cho trận “chung kết” – tức là buổi báo cáo với Thủ tướng - sắp diễn ra tại Hà Nội.

“Chúng tôi sẽ trình bày phương án của mình, như cách đơn vị Tư vấn ADPi Engineering (Pháp) đã trình bày trước đó” – vị chuyên gia cho hay.

“Hiện nay chúng tôi đang khẩn trương hoàn thành những bước cuối cùng. Sẽ có những “quân bài” hay mà phút cuối mới lật ra, mấy hôm nay chỉ “hi hí” nên người ta chưa biết chuyện gì” – ông chia sẻ vui vẻ.

Cũng theo ông dù làm việc cường độ cao nhưng những thành viên trong nhóm chuyên gia rất vui vì thấy rằng mình đang đóng góp những điều có giá trị “có thể thay đổi tình huống”.

Trong buổi làm việc hôm qua, Hội cầu-đường-cảng TP.HCM đề xuất xây dựng đường trên cao ở phía Bắc sân bay Tân Sơn Nhất để kết nối với đường trên cao số 1 đã được thành phố quy hoạch.

Theo nhóm tư vấn, đoạn đường trên cao này sẽ kết nối với sân bay và giảm tải giao thông khu vực phía Bắc. Ông Hà Ngọc Trường – thành viên nhóm tư vấn nhận định, việc kéo dài tuyến đường này sẽ tạo đường chuyên dụng ra vào sân bay và kết nối với tuyến đường sắt số 2 (Bến Thành – Tham Lương).

Liên quan đến vấn đề này, UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải để có ý kiến về việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. Theo thành phố, dự báo công suất khai thác mà ADPi Engineering công bố khá rủi ro trong trường hợp Long Thành trễ hạn.

Trong khi ADPi đưa ra con số 50 triệu lượt khách vào năm 2025 thì Hiệp hội Hàng không cho rằng con số này lên tới 78 triệu lượt.

Từ đó thành phố đề nghị xác định thời gian mãn tải của Tân Sơn Nhất để có phương án khai thác các sân bay trong khu vực như Cần Thơ, Long Thành.

Phương án của ADPi chưa đề cập đến chống ngập

Thông tin trên được đưa ra trong bản góp ý của Trung tâm chống ngập TP.HCM gửi Sở Giao thông vận tải. Theo đó, Trung tâm cho rằng đơn vị tư vấn ADPi Engineering (Pháp) chỉ đưa ra đánh giá về công suất và các phương án mở rộng, còn vấn đề tiêu thoát nước chưa được đề cập.

Trung tâm cho rằng những đơn vị liên quan cần cập nhật các thông tin về thoát nước trong nghiên cứu.

Cụ thể ở hướng Bắc, nước sẽ chảy vào kênh Hy Vọng từ đó ra kênh Tham Lương. Ở hướng Đông Nam, nước sẽ thoát ra kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè qua hai nhánh của mương Nhật Bản. Trong khi ở hướng Nam nước cũng thoát ra kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè qua tuyến cống của đường Cộng Hòa, Út Tịch.

Trận ngập “đe dọa” sân bay Tân Sơn Nhất xảy ra vào giữa năm tháng 10/2015 gióng lên hồi chuông cảnh báo cho cơ quan quản lý. Khi đó nước đã tràn vào nhà máy phát điện của đài chỉ huy.

Cũng trong trận mưa này nhiều vị trí đỗ bị ngập sâu, làm 70 chuyến bay đến và đi bị ảnh hưởng, một số chuyến phải đáp xuống các sân bay ở Campuchia, Thái Lan.

Sang năm 2016 tình hình có cải thiện nhưng không đáng kể, trong một số trận mưa lớn các khu vực tại đây vẫn ngập khá nặng.

Nguyên nhân của tình trạng này là do các cửa thoát nước bị người dân lấn chiếm rất nhiều qua các năm. Liên tiếp các yêu cầu xử lý được đưa ra sau đó khiến tình hình ngập được giảm hơn trong năm 2017.

Tuy nhiên đến nay việc chống ngập vẫn chưa triệt để, đặc biệt các bên chưa tìm được tiếng nói chung trong việc xây dựng một hồ điều hòa tại khu vực này.

Nguyễn Cường

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/mo-rong-san-bay-tan-son-nhat-quan-bai-hay-se-lat-vao-phut-cuoi-post255929.info