Mở rộng thị trường phân khúc gạo cao cấp

Xuất khẩu gạo là gam sáng trong những tháng đầu năm 2023. Tuy nhiên, để nâng cao số lượng xuất khẩu gạo vào các thị trường khó tính như Liên minh châu Âu (EU) đòi hỏi nhiều nỗ lực từ phía doanh nghiệp và nông dân.

ĐBSCL có bước thay đổi lớn theo hướng tăng dần nhóm lúa thơm - đặc sản, chất lượng cao

ĐBSCL có bước thay đổi lớn theo hướng tăng dần nhóm lúa thơm - đặc sản, chất lượng cao

Thị trường gạo thế giới đang rộng mở, tạo sự sôi động tại vựa lúa miền Tây. Vụ lúa đông xuân vừa qua, nông dân miền Tây bán lúa với giá 5.500-8.000 đồng/kg, là mức giá ổn định và cao nhất trong 10 năm qua. Hiện còn hơn 20 ngày nữa nông dân ĐBSCL mới thu hoạch lúa hè thu sớm. Tuy nhiên, tại một số địa phương, thương lái đã đặt cọc mua lúa. Tại huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, thương lái Nguyễn Văn Hải cho biết ông đã chi trên 100 triệu đồng đặt cọc mua 500 công lúa (50ha), tương đương 2-3 triệu đồng/ha; giá lúa bao mua với nông dân bình quân 6.500 đồng/kg.

Theo tính toán của nhiều nông dân ở An Giang và Đồng Tháp, vụ lúa hè thu sắp thu hoạch có khả năng đạt 7 tấn/ha; với giá lúa trung bình trên 6.500 đồng/kg, nông dân có thể đạt lợi nhuận 25-30 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, hiện nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang gặp khó khi tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nhất là khi mặt bằng giá lúa gạo tăng cao. “Giá lúa hiện nay phản ánh đúng giá thị trường, không phải mức bán quá cao, bởi chi phí đầu tư của nông dân trong những năm qua đã liên tục tăng”, ông Nguyễn Tuấn Khoa, Giám đốc Công ty TNHH Phước Thành II (Vĩnh Long), cho biết.

Theo Cục Trồng trọt, hiện nay, cơ cấu giống lúa ở ĐBSCL có bước thay đổi lớn theo hướng tăng dần nhóm lúa thơm - đặc sản, chất lượng cao (chiếm trên 80%), trong khi nhóm lúa có phẩm cấp trung bình chỉ còn khoảng 7%. Điều này giúp mặt bằng giá xuất khẩu gạo Việt Nam tăng cao, lợi nhuận của nông dân cũng tăng lên.

Ông Lê Hữu Toàn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, cho biết, năm 2022 có khoảng 12.000ha trồng lúa liên kết với doanh nghiệp, năm 2023 dự kiến tăng lên 27.000ha với định hướng chất lượng cao để xuất khẩu sang EU. Hàng năm, Kiên Giang có khoảng 300.000ha trồng lúa 2 vụ, trong đó khoảng 100.000ha có hợp đồng liên kết bao tiêu với các công ty xuất khẩu gạo, chủ yếu là các tập đoàn Trung An, Lộc Trời và gần đây là Tập đoàn Tân Long. Hiện gạo Kiên Giang đã xuất đi ít nhất 13 thị trường, trong đó có các thị trường khó tính là Nhật Bản, Mỹ. Hiện, các tập đoàn, công ty xuất khẩu gạo đang tìm kiếm các đối tác uy tín mới tại thị trường các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản để đẩy mạnh xuất khẩu gạo ở phân khúc chất lượng cao.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Kinh doanh xuất khẩu ngành lương thực - Tập đoàn Lộc Trời, cho biết, tập đoàn đang tìm kiếm đối tác ở châu Âu để gia tăng số lượng gạo xuất khẩu, góp phần trong chuỗi sản xuất lúa gạo bền vững.

Hiện, Bộ NN-PTNT đang hoàn thiện các bước sau cùng để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL”.

Theo dự thảo đề án, đến năm 2025, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa đạt 500.000ha; tỷ lệ diện tích ứng dụng quy trình canh tác tiên tiến bền vững được chứng nhận hoặc được cấp mã số vùng trồng đạt 100%; lượng gạo xuất khẩu có thương hiệu Việt Nam chiếm 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của vùng chuyên canh.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, đến giữa tháng 4-2023, cả nước đã xuất khẩu gần 2,4 triệu tấn gạo, trị giá 1,251 tỷ USD, tăng 33,70% về số lượng và tăng 44,55% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, những tháng đầu năm 2023, giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 531 USD/tấn, tăng 9,2% so với cùng kỳ. Đây được xem là mức cao nhất trong vòng 10 năm qua. Đặc biệt, giá gạo xuất khẩu bình quân sang Trung Quốc đạt 589 USD/tấn, tăng hơn 18% so với cùng kỳ.

QUỐC BÌNH - VĨNH TƯỜNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/mo-rong-thi-truong-phan-khuc-gao-cao-cap-post688382.html