Mở rộng thị trường tiêu thụ nông, thủy sản

ND- Năm nay, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đề ra mục tiêu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt giá trị 12,5 tỷ USD, trong đó các mặt hàng nông sản là 5,5 tỷ USD, lâm sản ba tỷ USD, còn lại là thủy sản khoảng bốn tỷ USD. Nhưng đến thời điểm này, chỉ có xuất khẩu gạo vượt mục tiêu đề ra, còn hầu hết các sản phẩm khác đều giảm cả về số lượng và giá trị xuất khẩu.

Từ nay đến cuối năm, thời gian chỉ còn hơn ba tháng, trong khi đó, môi trường cạnh tranh trên thế giới và trong nước đang diễn ra rất gay gắt. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến thất thường, nguy cơ dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, cây trồng đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất của các ngành kinh tế nói chung và sản xuất nông nghiệp của nước ta nói riêng. Trong khi đó, sức cạnh tranh của phần lớn các sản phẩm nông, lâm, thủy sản của nước ta lại chưa cao, làm cho "đầu ra" của xuất khẩu càng thêm khó khăn. Do đó, bên cạnh việc điều chỉnh cơ cấu sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, nhằm giữ vững các thị trường truyền thống, mở thêm thị trường mới và tập trung khai thác triệt để lợi thế của thị trường trong nước. Để thực hiện chủ trương này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phối hợp các bộ, ngành có liên quan và các địa phương hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu. Cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường nông, lâm, thủy sản thế giới, chủ động đề xuất với Chính phủ và các bộ, ngành những giải pháp tháo gỡ khó khăn, xử lý kịp thời những vướng mắc phát sinh góp phần thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản hàng hóa. Đồng thời, phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại ở trong nước và ngoài nước. Hỗ trợ xây dựng các trung tâm tiếp thị nông sản ở các tỉnh có sản xuất hàng hóa nông sản lớn và tập trung. Thường xuyên củng cố, xây mới và trang bị thêm các trang thiết bị hiện đại cho các trung tâm kiểm định chất lượng hàng nông sản ở các khu vực để quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa. Tổ chức hướng dẫn các doanh nghiệp đăng ký và bảo vệ thương hiệu hàng hóa nông sản. Chú trọng thị trường nội địa, trên cơ sở nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, từ việc đầu tư công nghệ chế biến sạch, đến tăng cường quảng cáo và có chương trình khuyến khích tiêu dùng trong nước, sao cho người Việt Nam thật sự yêu thích, ưu tiên dùng các sản phẩm do Việt Nam sản xuất.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=157232&sub=152&top=37