Mơ Rồng- vở múa rối được đầu tư bạc tỉ lần đầu tiên đưa diễn viên rối nước lên cạn

'Mơ Rồng'- vở múa rối nước pha trộn nhiều loại hình sân khấu khác nhau là một cuộc thử nghiệm sân khấu thú vị của đạo diễn Lê Quý Dương và Nhà hát Múa rối nước Thăng Long.

"Mơ Rồng" được trình diễn phục vụ du khách tại Nhà hát Múa rối Thăng Long từ 20/10 tới vào các buổi sáng thứ 7 và sáng Chủ Nhật hàng tuần. Vở diễn cũng là "đứa con" mà Nhà hát Múa rối nước Thăng Long đem so tài tại Liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế diễn ra tại Hà Nội từ 4-13/10. Đó cũng là lý do vở diễn được đầu tư lớn và mang nhiều điểm mới lạ.

Mơ Rồng- vở múa rối kết hợp nhiều yếu tố mới lạ

Mơ Rồng- vở múa rối kết hợp nhiều yếu tố mới lạ

"Mơ Rồng" kể lại giấc mơ của một nghệ sỹ tạo hình các nhân vật rối trong một đêm làm việc và sáng tạo miệt mài, mệt quá đã ngủ thiếp đi giữa những nhân vật rối đang dần hoàn thiện của mình.

Đó là câu chuyện của Tễu và Rồng bay trên hành trình vòng quanh trái đất với những đồng cảm, chia sẻ và tìm cách giải quyết các vấn đề nóng bỏng của nhân loại hôm nay: biến đổi khí hậu; bắt cóc trẻ em; rác thải công nghệ; bệnh tật đói nghèo; xung đột quyền lực; tranh chấp đại dương.

Theo đạo diễn Lê Quý Dương, "Mơ Rồng" là một cuộc thử nghiệm sân khấu thú vị nhưng cũng đầy thách thức trong việc mở rộng không gian và khả năng diễn tả, của nghệ thuật múa rối nước truyền thống, một di sản sân khấu quý báu đã hình thành và được gìn giữ suốt hơn mười thế kỷ tại Việt Nam".

Theo đó, không gian múa rối nước không chỉ là bể nước. Bể nước là nơi xuất hiện các tích trò rối nước cổ và buồng trò nơi giấu các diễn viên điều khiển các nhân vật rối, cũng như nhà Thủy Đình và toàn bộ không gian của nhà hát đã được chủ động khai thác đa dạng, năng động và mới lạ.

Vở diễn cũng đồng thời là một cuộc thử nghiệm đầy mạo hiểm khi kết hợp giữa kỹ thuật biểu diễn của diễn viên rối nước thành những diễn viên trên cạn. Đây là một thách thức không nhỏ và đòi hỏi phải tập luyện, đầu tư kỹ lưỡng để các nghệ sĩ hóa thân. Những người vốn chỉ thầm lặng đứng sau tấm mành tre để điều khiển các nhân vật rối truyền thống, trở thành những diễn viên tràn đầy năng lượng và cảm xúc, với kỹ thuật biểu diễn hình thể hiện đại.

Cũng theo đạo diễn "Mơ Rồng", vở diễn đồng thời là cuộc thử nghiệm kết hợp táo bạo dòng âm nhạc và hiệu ứng âm thanh hiện đại của nhạc sỹ nổi tiếng người Úc, Darin Verhagen với nghệ thuật biểu diễn múa rối nước truyền thống của Việt Nam. Dùng âm nhạc và hiệu ứng âm thanh hiện đại làm nền tảng cho tiết tấu, tạo dựng không gian và khơi dậy nguồn cảm hứng cho diễn viên biểu diễn với nhiều loại hình rối kết hợp như rối nước, rối dây, rối lốt và rối que.

NSƯT Lê Trí Kiên- Phó đạo diễn vở Mơ Rồng cho biết: "Việc kết hợp rối nước truyền thống của Việt Nam với âm nhạc hiện đại của Úc đã tạo cho Mơ Rồng có một bản phối rất tinh tế, vừa cổ điển nhưng vừa hiện đại, nhờ sự kết hợp nhuần nhuyễn văn hóa Đông - Tây, 60 phút không có thoại, chỉ có âm nhạc và hình thể, điều này đã xóa đi những rào cản về ngôn ngữ và rào cản dân tộc với thế giới".

Nghệ sĩ không chỉ là người điều khiển con rối mà cũng hóa thân thành con rối để biểu diễn

Lần đầu tiên từ sân khấu nước lên cả sân khấu cạn, nghệ sĩ Vũ Thị Phương Linh chia sẻ: "Vở diễn này mang lại nhiều thử thách và khó khăn đối với diễn viên múa rối nước như chúng tôi. Vì trước nay các nghệ sĩ chỉ có nhiệm vụ điều khiển rối, sau tấm màn nhưng ở vở diễn này, các diễn viên hoàn toàn lộ mặt trên sân khấu, tiếp xúc với khán giả. Do đó chúng tôi phải đáp ứng yêu cầu biểu diễn hình thể, chuyển tải cảm xúc. Nghệ sĩ và con rối hòa làm một, truyền tải cho người xem hiểu hết cả động tác và tình cảm của mình".

Tuy nhiên, Phương Linh rất thích khi được thỏa sức sáng tạo. "Tôi rất thích được tham gia vào vở diễn này, bản thân người nghệ sĩ được thỏa sức sáng tạo, người diễn viên là rối và rối là người diễn viên chứ không chỉ là người điều khiển. Điều này mang lại cho người nghệ sĩ cũng như khán giả trải nghiệm mới mẻ về nghệ thuật rối".

Sau khi xem Mơ Rồng, ông Tobias Biancone- Tổng Giám đốc Viện Sân khấu Quốc tế, Chủ tịch Mạng lưới ITI/UNESCO về Giáo dục Đại học về Nghệ thuật sân khấu cho rằng: "Đạo diễn Lê Quý Dương đã cho ra đời một kiệt tác bắt nguồn từ truyền thống Việt Nam theo cách thể hiện hiện đại và sáng tạo. Đối với tôi, đó là một hình thức thể hiện xuất sắc và mẫu mực trong nghệ thuật sân khấu, đồng thời thể hiện bản sắc văn hóa địa phương với số lượng lớn nhất, gồm cả người trẻ, người già, người Việt Nam và các dân tộc trên thế giới".

Công trình nghệ thuật sân khấu thử nghiệm "Mơ Rồng" là một nỗ lực mới rất đáng trân trọng của tập thể lãnh đạo, diễn viên, kỹ thuật viên và toàn thể cán bộ công nhân viên của Nhà hát Múa Rối Thăng Long, Hà Nội. Các nghệ sỹ diễn viên đã tạo sinh nên vở diễn "Mơ Rồng" bằng trọn vẹn tình yêu và tấm lòng nâng niu, trân trọng nghệ thuật múa rối nước truyền thống quí báu của cha ông lưu truyền lại, kết hợp với đam mê sáng tạo, ý chí dũng cảm và sự kiên nhẫn vượt bực muốn vượt lên chính mình, để trải nghiệm những khả năng và khai mở những con đường không bị phụ thuộc và hạn chế theo lối cũ./.

Hà An

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/mo-rong-vo-mua-roi-duoc-dau-tu-bac-ti-lan-dau-tien-dua-dien-vien-roi-nuoc-len-can-20190920163611625.htm