Mở rộng vòng tay

Câu chuyện về ông Thủ Huồng cho đến nay vẫn còn gây ấn tượng, được lưu truyền trong dân gian và một số nhà nghiên cứu như Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Vương Hồng Sển ghi chép lại.

Thủ Huồng tên thật là Võ Hữu Hoằng làm chức thủ ngự, giống như trạm trưởng kiểm soát, thu thuế trên sông rạch của Sài Gòn xưa, huyết mạch giao thông chính lúc ấy. Nhờ gắn bó với công việc thu thuế, Thủ Huồng giàu lên rất nhanh.

Khi đã có nhiều tiền, một ngày nọ ông bỗng “ngộ” ra một số việc làm thiếu đạo đức của mình, nên bắt đầu tự nguyện bố thí, giúp đỡ những lữ khách lỡ bước sông ngòi. Sát mé một bến sông Sài Gòn, Thủ Huồng cho dựng ngôi nhà bè rộng mát, để khách neo đậu thuyền ghe lên nghỉ chân.

Ông còn tài trợ miễn phí gạo, nước, củi, cá khô, thuốc hút, thuốc chữa bệnh. Ai ốm đau bệnh tật có thể ở lại lâu để chữa trị. Tiếng lành đồn xa, nhà bè của ông trở thành ngôi nhà chung của khách thương hồ. Ông còn lên cù lao Phố trên Biên Hòa xây cất ngôi chùa mà tới nay vẫn còn lưu dấu.

Ảnh minh họa.

Truyền thống ấy ngày nay không chỉ có cá nhân đơn lẻ như ông Thủ Huồng năm xưa mà cả cộng đồng và chính quyền tham gia. Nhiều chương trình xã hội từ thiện như hỗ trợ sinh viên mùa thi, mở quán cơm nụ cười giá rẻ, nấu cơm cho bệnh nhân các bệnh viện, khám chữa bệnh miễn phí, đặc biệt là xây nhà tình nghĩa, trường học cho đồng bào vùng sâu vùng xa…

Một trong những tấm gương đáng quý trọng là Thượng tướng Trần Văn Trà, nguyên Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam, Chủ tịch Ủy ban quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định. Vốn sinh trưởng ở Quảng Ngãi, học kỹ nghệ ở Huế, nhưng cuộc đời binh nghiệp của Thượng tướng Trần Văn Trà gắn bó với Sài Gòn và Nam bộ.

Khi về hưu, ông say mê viết báo, viết văn, nghiên cứu lịch sử và dành thời gian đi viếng thăm, hỗ trợ đồng bào nghèo khổ những vùng căn cứ xưa, những người lính thuộc quyền của ông bị ảnh hưởng chiến tranh mang thương tích đầy mình do bom đạn hay chất độc màu da cam.

Bằng uy tín của mình, Thượng tướng Trần Văn Trà đã kiên trì vận động, thuyết phục từ người thân trong gia đình đến các mạnh thường quân, góp gom tặng quà, trao học bổng, khám chữa bệnh, xây nhà tình nghĩa, tạo công ăn việc làm cho các cựu binh và con em của họ.

Ông còn sang tận Singapore tìm đối tác để xây dựng một bệnh viện chữa trị giá rẻ và miễn phí cho các đối tượng thuộc diện chính sách và đồng bào nghèo khó bất hạnh. Cũng trong chuyến đi ý nghĩa này, do tuổi cao sức yếu ông đã đột ngột nằm xuống trong nỗi tiếc thương vô hạn của đồng đội và đồng bào.

Sinh thời Thượng tướng Trần Văn Trà luôn dạy dỗ con cháu làm việc có ích cho xã hội. Ông cũng căn dặn nếu mình qua đời gia đình không nên cúng giỗ linh đình, mà dành dụm tiền bạc để giúp đỡ các cựu chiến binh và những người bất hạnh. Di nguyện ấy của danh tướng đã thành hiện thực, trong gần 15 năm qua gia đình ông đã nỗ lực chắt chiu và vận động xây dựng hơn 300 căn nhà tình nghĩa, hỗ trợ cơ sở vật chất cho các trường học, giúp đỡ các cựu chiến binh và đồng bào vùng chiến khu xưa vượt qua khó khăn.

Có thể nói hoạt động xã hội từ thiện của người Sài Gòn xưa và TPHCM hiện nay rất phong phú và đa dạng. Ngay cả dân nghèo thành thị cũng tham gia trên tinh thần “lá lành đùm lá rách” và “lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Đó là dấu ấn đầy tinh thần nhân văn kể từ khi đất nước hòa bình thống nhất.

Hoàng My

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/van-hoa-doi-song/mo-rong-vong-tay-67837.html