Mở thầu tuyến Đồ Sơn - Yên Nghĩa: Sao không áp dụng thông tư?

Trong tiêu chí lựa chọn đơn vị khai thác tuyến vận tải khách cố định liên tỉnh từ bến Thượng Lý (Hải Phòng) đi Nước Ngầm (Hà Nội) và ngược lại, Sở GTVT Hải Phòng luôn khẳng định 'kim chỉ nam' là Thông tư số 92/2015/TT-BGTVT của Bộ GTVT. Nhưng trước đó, trong khi lựa chọn đơn vị khai thác tuyến Đồ Sơn- Yên Nghĩa, Sở GTVT Hải Phòng lại 'quên' thông tư này.

Trước khi nhắc tới vụ đấu thầu tuyến Đồ Sơn - Yên Nghĩa, chúng tôi xin điểm lại vụ việc liên quan đến tuyến Thượng Lý- Nước Ngầm và ngược lại để thấy Sở GTVT Hải Phòng tuyển DN khai thác tuyến như thế nào.

Từ trước cho tới đầu năm 2018, mỗi khi mở tuyến khai thác vận tải hành khách cố định từ Hải Phòng đi các tỉnh, thành và ngược lại, sau khi được Sở GTVT đồng ý, các DN sẽ chủ động khảo sát tuyến, lên kế hoạch về số lượng xe và thời gian chạy trong ngày. Tiếp đó, các DN sẽ tự ngồi lại hiệp thương để xem năng lực về phương tiện và con người, từ đó chính thức chọn ra phương án DN mình sẽ chạy bao nhiêu chuyến/ ngày, vào các khung giờ cụ thể.

Khi biết Sở GTVT cho mở tuyến Thượng Lý - Nước Ngầm và ngược lại, hai DN tham gia là Cty CP xe khách Thanh Long và Cty TNHH vận tải Gia Bảo Linh đều tin tưởng Sở sẽ áp dụng hình thức hiệp thương như trước nên đã bỏ kinh phí gần 20 tỷ đồng để mua xe khách loại 29 chỗ và 45 chỗ. Đây là kinh phí DN phải vay ngân hàng và huy động từ các cổ đông.

Tuy nhiên, ngày 28-2-2018, lần đầu tiên Sở GTVT Hải Phòng thông báo sẽ áp dụng Thông tư số 92/2015/TT-BGTVT, ngày 31-12-2015 của Bộ GTVT với những tiêu chí lựa chọn cụ thể nhà thầu. Thông báo này được công bố cách ngày mở hồ sơ lựa chọn đơn vị khai thác tuyến 15 ngày, điều này khiến các DN tham gia đấu thầu tuyến không khỏi bị động. Từ đó dẫn tới việc có DN phải bỏ cuộc chơi khi đã trót đầu tư gần chục tỷ đồng mua xe chờ ngày chạy tuyến mới. Bản thân Sở GTVT Hải Phòng cũng thừa nhận Thượng Lý - Nước Ngầm là tuyến đầu tiên được Sở áp dụng Thông tư 92/2015/TT-BGTVT.

Bến xe Đồ Sơn - Yên Nghĩa. Ảnh: K.H

Trái ngược với tuyến Thượng Lý - Nước Ngầm, ngay trong thời gian Thông tư 92/2015/TT-BGTVT bắt đầu có hiệu lực, tại Hải Phòng xuất hiện thêm tuyến Đồ Sơn - Yên Nghĩa nhưng lại được Sở GTVT Hải Phòng đồng ý cho các DN tham gia tuyến này bằng hình thức hiệp thương.

Nhận thấy, tuyến Đồ Sơn - Yên Nghĩa và ngược lại đầy tiềm năng nên Cty TNHH vận tải Gia Bảo Linh đã làm các thủ tục xin được khai thác tuyến vận tải khách cố định liên tỉnh này gửi tới các cơ quan chức năng của Bộ GTVT, Hải Phòng… Sau đó, UBND TP Hải Phòng, Sở GTVT Hải Phòng, UBND quận Đồ Sơn… đều có văn bản đồng ý để DN này khai thác tuyến cố định trên. Cụ thể, trong Công văn số 2406/SGTVT-QLVT, ngày 17-12-2015 của Sở GTVT Hải Phòng chấp thuận cho Cty TNHH vận tải Gia Bảo Linh được khai thác tuyến Đồ Sơn - Yên Nghĩa và ngược lại, cự ly 150km; Mã số tuyến 1629.1716.A.

Trong ba năm 2013, 2014 và 2015, Cty TNHH vận tải Gia Bảo Linh đã phải bỏ gần 54 tỷ đồng để đầu tư cải tạo nâng cấp bến xe Đồ Sơn với diện tích 800m2, đạt tiêu chuẩn bến xe loại 6 và mua 13 xe ô tô chở khách, giá trị mỗi xe là 3,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, phải sang năm 2016, DN này mới được khai thác tuyến Đồ Sơn - Yên Nghĩa với 390 chuyến/tháng, tức 13 chuyến/ngày.

Thời gian này, theo quy hoạch của Bộ GTVT đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, tuyến Đồ Sơn- Yên Nghĩa có số chuyến khai thác một tháng lên tới 900 chuyến. Như vậy, ngoài 390 chuyến/tháng do Cty TNHH vận tải Gia Bảo Linh đang khai thác, vẫn còn tới 510 chuyến/tháng đang được để ngỏ chờ các DN vận tải khai thác tiếp.

Tháng 3-2016 (đây cũng là thời điểm Thông tư 92/2015/TT-BGTVT chính có hiệu lực), Cty TNHH vận tải Gia Bảo Linh có văn bản gửi tới Sở GTVT Hải Phòng nói rõ, hiện có 3 DN vận tải đang cùng đăng ký khai thác tuyến Đồ Sơn- Yên Nghĩa. Tháng 7-2016, Cty TNHH vận tải Gia Bảo Linh tiếp tục có văn bản gửi Bộ GTVT, UBND TP Hải Phòng, Sở GTVT Hải Phòng… cho biết: “…Để việc đăng ký khai thác tuyến được công khai, minh bạch, phù hợp với quy định hiện hành, Sở GTVT Hải Phòng thông báo trên trang thông tin điện tử của Sở, đồng thời mời các đơn vị vận tải cùng đăng ký khai thác tuyến, tổ chức hiệp thương, thống nhất hành trình, tần suất hoạt động trên tuyến. Được sự đồng ý của Sở GTVT Hải Phòng cùng 3 DN vận tải cùng đăng ký khai thác tuyến, Cty TNHH vận tải Gia Bảo Linh được đăng ký 9 chuyến/ngày, tương đương 270 chuyến/tháng. Các doanh nghiệp còn lại chạy 8 chuyến/ngày, tương đương 240 chuyến/tháng...”.

Từ văn bản trên của Cty TNHH vận tải Gia Bảo Linh cho thấy, thay vì áp dụng Thông tư 92/2015/TT-BGTVT vào việc lựa chọn DN khai thác tuyến thì Sở GTVT Hải Phòng lại cho các DN tự hiệp thương với nhau. Nếu đúng theo chỉ đạo của Bộ GTVT, đúng theo tinh thần của Thông tư 92/2015/TT-BGTVT thì tuyến Đồ Sơn - Yên Nghĩa và ngược lại chính là tuyến đầu tiên ở Hải Phòng áp dụng phương thức lựa chọn DN theo nhiều tiêu chí mới. Thực tế chuyện này đã không diễn ra.

Làm việc với PV, ông Hoàng Văn Chỉnh, GĐ Cty TNHH vận tải Gia Bảo Linh cho biết, ngoài đơn vị mình, hai đơn vị còn lại cùng được Sở GTVT Hải Phòng lựa chọn khai thác tuyến là Cty TNHH vận tải Bus Hải Phòng và Cty TNHH Thương mại Đoàn Xuân. Sở đã để cho các DN tự hiệp thương về số chuyến và giờ chạy xe. Sau này, Cty TNHH vận tải Bus Hải Phòng rút không khai thác tuyến này nữa nên Cty TNHH vận tải Gia Bảo Linh được các cơ quan chức năng điều chỉnh từ 9 lên 11 chuyến/ngày; Cty TNHH Thương mại Đoàn Xuân được điều chỉnh từ 4 lên 6 chuyến/ngày.

Điều đáng nói ở chỗ, ngay ở thời điểm Sở GTVT Hải Phòng cho 3 DN tự hiệp thương tuyến Đồ Sơn - Yên Nghĩa, trước đó, ngày 1-4-2016, Bộ GTVT đã có Thông báo hỏa tốc số 157/TB-BGTVT yêu cầu Sở GTVT Hải Phòng: “Đối với các tuyến đã có trong quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt; việc thực hiện các đơn vị khai thác tuyến phải được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 60/2015/TT-BGTVT hoặc quy định tại Thông tư 92/2015/TT-BGTVT, ngày 31-12-2015 của Bộ GTVT…”.

Khắc Hạnh

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/mo-thau-tuyen-do-son-yen-nghia-sao-khong-ap-dung-thong-tu-116910.html