Mở trường mầm non, tiểu học trong trường đại học: Lo ngại chất lượng

Hiện nay, nhiều trường ĐH không chỉ đào tạo bậc ĐH, CĐ mà còn mở thêm cả hệ thống trường phổ thông, tiểu học, thậm chí tiến tới mở cả trường mầm non.

Những năm gần đây, việc mở thêm các trường phổ thông, tiểu học trong lòng các trường đại học đang là xu thế nở rộ ở nhiều nơi.

Ngày 8/4/2019, ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) công bố Quyết định thành lập trường THCS Ngoại ngữ. Trước khi thành lập trường THCS Ngoại ngữ, trường ĐH Ngoại ngữ cũng đã tồn tại trường THPT chuyên Ngoại ngữ.

Ngày 16/1/2019, UBND tỉnh Tuyên Quang cũng đã ký quyết định thành lập trường Phổ thông Tuyên Quang trực thuộc ĐH Tân Trào. Trường Phổ thông Tuyên Quang thuộc loại hình trường công lập có chức năng, nhiệm vụ giáo dục phổ thông cấp tiểu học, THCS, THPT. Trường chịu sự quản lý trực tiếp của ĐH Tân Trào.

Nhiều trường ĐH đang mở cả trường THPT, THCS, tiểu học và tiến tới là bậc mầm non. (Ảnh minh họa, nguồn: Thanh Bình)

Nhiều trường ĐH đang mở cả trường THPT, THCS, tiểu học và tiến tới là bậc mầm non. (Ảnh minh họa, nguồn: Thanh Bình)

Hay mới đây, trường ĐH Sài Gòn cũng đã tổ chức lễ công bố quyết định thành lập trường và bổ nhiệm Hiệu trưởng trường Tiểu học Thực hành Đại học Sài Gòn.

Theo đó, Trường Tiểu học Thực hành Đại học Sài Gòn là cơ sở giáo dục và đào tạo công lập, trực thuộc ĐH Sài Gòn, có tư cách pháp nhân, được sử dụng con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng theo quy định của pháp luật.

Trường Tiểu học Thực hành Đại học Sài Gòn được thành lập nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn giáo viên tiểu học và học sinh của TP HCM. Theo ông Phạm Hoàng Quân, Hiệu trưởng trường Đại học Sài Gòn, dự kiến những năm tới, trường Đại học Sài Gòn có thể thành lập thêm trường Mầm non Thực hành Đại học Sài Gòn.

Đại học, đào tạo cả tiểu học có đảm bảo?

Bàn về vấn đề này, thầy Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng Hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) cho rằng, trong khoảng 10 năm trở lại đây, rất nhiều trường đại học mở thêm các trường phổ thông. Lúc này, các trường có lợi thế hơn hẳn là đã có cơ sở vật chất lớn, đất đai của Nhà nước.

TS Võ Thế Quân, Hiệu trưởng trường THPT Đông Đô (Hà Nội) cho rằng, Luật Giáo dục cho phép các trường khối ngành sư phạm mở các trường thực hành. Mô hình này có từ những năm 90 của thế kỷ trước. Trường phổ thông thực hành được thành lập với mục đích chính là giúp sinh viên có môi trường thực hành trong chính trường Sư phạm, từ đó nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên tương lai. TS Quân cho rằng, việc này là cần thiết, giống như các trường y có thể mở bệnh viện cho sinh viên thực hành.

“Nhưng vấn đề đặt ra là các trường có thực hiện đúng chức năng của trường thực hành hay không, hay đang lợi dụng cơ sở vật chất Nhà nước, danh trường thực hành để mở các trường như khối tư thục thì chưa hợp lý.

Hiện nay ở một số địa phương có các trường đại học không chuyên khối sư phạm cũng mở khối phổ thông, đặt ra nhiều vấn đề cần suy nghĩ. Về góc độ mô hình đào tạo, tôi cho rằng các trường không thể đào tạo từ bậc mầm non đến đại học, tiến sĩ. Các trường không tập trung vào đào tạo chuyên môn cử nhân mà đào tạo sang các hệ khác thì có hợp lý hay không. Liệu đây có phải là sự lợi dụng chủ trương xã hội hóa giáo dục để làm những việc chưa thực sự đúng chức năng”, TS Võ Thế Quân đặt câu hỏi.

Còn theo bà Trần Thị Kim Phương, Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường Everest, các trường ĐH Y mở bệnh viện là hợp lý, nhưng các trường ĐH Sư phạm cũng đua nhau mở đến bậc tiểu học là không hợp lý. Bởi hiện nay có cả hệ thống giáo dục phổ thông để sinh viên thực tập và kiến tập. Các trường nên tận dụng những gì sẵn có.

Bà Phương cũng cho rằng, việc các trường đại học mở đến bậc phổ thông, lo ngại tính chuyên môn hóa không cao: “Tôi cho rằng đại học thì chỉ nên đào tạo bậc đại học, cao đẳng. Hiện nay chất lượng giáo dục đại học vẫn còn nhiều vấn đề, sinh viên ra trường thất nghiệp nhưng các trường lại đua nhau mở thêm các bậc phổ thông là không phù hợp và tính chuyên môn hóa không cao.

Bản thân tôi xuất phát từ giáo viên cấp 3, từng quản lý bậc cao đẳng và giờ là cấp 1, cấp 2, thấy vô cùng khó khăn. Hệ CĐ, ĐH quản lý theo hướng khác hẳn, tâm lý của học sinh cũng rất khác. Do đó, hiện nay, để tìm hiệu trưởng một trường hiểu học, chúng tôi phải trả chi phí đắt gấp 2-3 lần tiền lương chi cho hiệu trưởng trường CĐ, ĐH”.

Đại diện trường Everest cũng cho rằng: “Các trường đại học đang lợi dụng thương hiệu, tiền ngân sách” để mở thêm trường này trường kia là chưa hợp lý. Thay vào đó, các trường nên tập trung để thực hiện tốt sứ mệnh được giao./.

Nguyễn Trang/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/mo-truong-mam-non-tieu-hoc-trong-truong-dai-hoc-lo-ngai-chat-luong-939551.vov