Mỏ vàng bị lãng quên?

Lâu nay câu chuyện làm tốt thị trường nội, chinh phục người tiêu dùng trong nước không phải chuyện mới. Thế nhưng vẫn còn không ít DN quan niệm thích bán hàng ở nước ngoài hơn là quẩn quanh trong sân nhà, nhất là khi Việt Nam ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, giúp hàng rào thuế quan từng bước được xóa bỏ. Tuy nhiên, khi hàng rào thuế quan được xóa, các nước sẽ tăng cường các biện pháp bảo hộ nhằm bảo vệ sản xuất trong nước.

Thực tế, việc DN tìm đường vươn ra biển lớn là điều đáng khích lệ. Song nếu chỉ mải ra biển mà quên thị trường nội địa với hơn 90 triệu dân, DN nước ngoài sẽ làm điều này. Như người Thái đang làm rất tốt việc thâm nhập thị trường Việt Nam. Việc làm tốt thị trường trong nước còn giúp DN xây dựng nền móng vững chắc về thương hiệu, tài chính trước khi chinh phục thị trường nước ngoài.

Ngoài ra, chính các FTA Việt Nam đã và sẽ ký kết cũng đang làm cho thị trường trong nước hấp dẫn hơn với DN. Bởi nhờ cam kết trong các FTA, điều kiện kinh doanh cũng dễ chịu hơn, các cải cách của Chính phủ cũng mạnh mẽ hơn, DN được đảm bảo quyền bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực… tất cả tạo điều kiện cho DN hoạt động sản xuất kinh doanh thuận lợi ngay trên sân nhà.

Thí dụ, lâu nay đang tồn tại một bất cập là người tiêu dùng, nhất là ở các TP lớn sẵn sàng bỏ ra số tiền không nhỏ để mua trái cây nhập ngoại. Trong khi đó, Việt Nam có rất nhiều loại trái cây tươi ngon nhưng vì lo sợ an toàn vệ sinh thực phẩm nên nhiều người không dám ăn. Nắm bắt cơ hội này, 1 DN xuất khẩu trái cây đang chuẩn bị cho ra đời chuỗi siêu thị trái cây phục vụ người tiêu dùng trong nước. Và khi chuỗi cửa hàng trái cây trong nước phát triển, lại chính là điểm nhấn hỗ trợ cho xuất khẩu.

Hiện nay ngành dệt may, da giày, đồ gỗ, nông thủy sản… mỗi năm xuất khẩu mang về kim ngạch khủng, trong khi thị trường nội lại để phần cho các đối thủ đến từ Trung Quốc, Thái Lan và nhiều quốc gia khác chiếm lĩnh. Tất nhiên lựa chọn con đường xuất khẩu hay làm hàng trong nước là quyết định riêng của mỗi DN.

Thế nhưng chỉ khi nào DN xây dựng và tự hào với thương hiệu “Made in Vietnam” mới có thể vững vàng bước ra thế giới. Và chỉ khi những tiêu chuẩn từ Việt Nam được thế giới công nhận, cánh cửa tiếp cận thị trường toàn cầu mới rộng mở thực sự. Đó cũng là cách Việt Nam xóa định kiến “hàng giá rẻ, chất lượng thấp” nhiều thị trường lớn đã đánh giá lâu nay.

Thanh Lâm

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/doanh-nghiep-thi-truong/mo-vang-bi-lang-quen-63044.html