'Mỏ vàng' du lịch ở xứ sở Cao nguyên đá

Là vùng đất địa đầu Tổ quốc, với những thuận lợi đặc thù đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn và mới lạ, sự nguyên sơ của tài nguyên, địa hình ẩn chứa rất nhiều giá trị văn hóa cả về tự nhiên và nhân văn, du lịch Hà Giang đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, mặc dù đã đạt được những kết quả ấn tượng, du lịch Hà Giang cần tiếp tục bứt phá để giải quyết những hạn chế về tốc độ và tiềm năng phát triển.

Vùng địa đầu Tổ quốc có sức thu hút rất lớn đối với khách du lịch, đặc biệt là thế hệ trẻ.

"Cất cánh" ngoạn mục

Có một thực tế là Hà Giang đang có sức hút ngày một lớn đối với thị trường khách du lịch trong nước và quốc tế, đặc biệt, kể từ khi cao nguyên đá Đồng Văn được gia nhập mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu của UNESCO. Thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang cho biết, năm 2014, tỉnh Hà Giang đã đón gần 650.000 khách du lịch, đạt doanh thu gần 600 tỷ đồng. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2015, lượng khách du lịch đến với Hà Giang đã đạt trên 373.000 lượt người, đạt doanh thu từ du lịch, dịch vụ hơn 360 tỷ đồng.

Lý giải về sự "cất cánh" của du lịch Hà Giang, nhiều chuyên gia cho rằng, so sánh với các sản phẩm du lịch trong vùng và các vùng du lịch khác trong cả nước, Hà Giang có những khó khăn về khả năng tiếp cận, hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật, nhưng lại có nhiều điểm lợi thế nhờ sự khác biệt và nguyên bản trong các dạng tài nguyên. Trong đó, có những tài nguyên mang tầm cỡ quốc tế và quốc gia, có sức hấp dẫn lớn và hình thành những sản phẩm du lịch đặc thù thu hút thị trường. Và điểm quan trọng là, cùng với sự phát triển liên tục về các điểm đến, các sản phẩm du lịch trong nước thì Hà Giang là điểm đến với các sản phẩm mới hình thành.

Quả vậy, đến với Hà Giang hôm nay, ngoài cơ hội khám phá các địa hình núi non hiểm trở như đỉnh Tây Côn Lĩnh, Mã Pì Lèng, núi Tù Sán; tìm hiểu, khám phá động Nguyệt, hang Rồng, Nà Luông, Bó Khiếu, Nà Chảo... du khách còn được chinh phục điểm địa đầu Tổ quốc - Cột cờ Lũng Cú, tham quan kiến trúc Nhà Vương, kiến trúc phố cổ Đồng Văn. Với những người ưa thích trải nghiệm các giá trị văn hóa thì Hà Giang cũng sẵn sàng "chiều lòng" với thác Tiên - đèo Gió, núi Cấm, dốc Mã Pì Lèng, sông Nho Quế, núi Đôi - Cổng trời Bản Quạ, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì và cả những thung lũng hoa tam giác mạch...

Du khách cũng có cơ hội đắm mình trong không gian văn hóa truyền thống như các làng nghề dệt thổ cẩm Lùng Tám, My Bắc, Hồ Thầu, làng nghề mây tre đan Bắc Quang, nghề chế tác khèn Mông Đồng Văn, chạm bạc dân tộc Dao Cao Bồ, nghề rèn đúc Mèo Vạc... Đó là chưa kể tới các "mỏ vàng" phong phú về văn hóa đặc thù của xứ sở cao nguyên đá như chợ tình Khâu Vai, lễ hội nhảy lửa, lễ hội cấp sắc…

Để "con gà du lịch" đẻ trứng vàng

Bên cạnh những con số ấn tượng về du lịch Hà Giang như doanh thu du lịch trong năm 2015 ước đạt 600 tỷ đồng (gấp 2,15 lần so với năm 2010), lực lượng lao động tham gia trong lĩnh vực du lịch chuyên nghiệp ở thời điểm hiện tại đạt tới 1.259 người, hệ thống gồm 46 làng văn hóa du lịch cộng đồng trải khắp 11 huyện, thành phố đang được triển khai xây dựng và đi vào hoạt động, du lịch Hà Giang vẫn còn nhiều hạn chế và bất cập, kết quả chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của địa phương.

Điều dễ nhận thấy nhất hiện nay là, sản phẩm du lịch ở Hà Giang chưa đa dạng phong phú, việc khai thác yếu tố văn hóa đặc thù địa phương còn hạn chế, cơ sở dịch vụ còn thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu, việc liên kết phát triển du lịch chưa được quan tâm đúng mức, quảng bá xúc tiến du lịch còn nghèo nàn...

Cuộc sống đặc thù ở vùng cao nguyên đá Đồng Văn có vai trò quan trọng trong phát triển du lịch. Ảnh: Hữu Tuấn

Theo Tiến sĩ Đỗ Cẩm Thơ (Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, Tổng cục Du lịch), Hà Giang là địa phương "đi sau" trong hoạt động du lịch, vì thế, việc xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch ở Hà Giang cần được thực hiện một cách thận trọng và bài bản hơn để có thể đạt được hiệu quả và tính bền vững. Nằm trong nhóm những sản phẩm đặc thù mà Hà Giang cần phát huy, tập trung phát triển là những sản phẩm gắn với trải nghiệm khám phá và chinh phục thiên nhiên, ghi dấu ấn tại địa đầu Tổ quốc.

Bên cạnh đó, cũng cần đặc biệt quan tâm đến những sản phẩm gắn với cảnh quan thiên nhiên, tìm hiểu các giá trị địa chất đặc biệt kỳ thú của Công viên địa chất toàn cầu, các sản phẩm gắn với hoạt động thể thao mạo hiểm dưới nhiều hình thức có thể mang đến các trải nghiệm rất riêng ở khu vực địa hình núi cao. Đặc biệt, vì các sản phẩm du lịch đặc thù là lợi thế quan trọng của Hà Giang mang nét đặc trưng riêng nên việc xây dựng thương hiệu du lịch Hà Giang phải gắn chặt với các giá trị đặc thù này, coi đây là các giá trị cốt lõi để "con gà du lịch" đẻ trứng vàng.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang - ông Trần Đức Quý, xác định việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch là nhiệm vụ chiến lược và thế mạnh trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững của địa phương, vì thế, tỉnh Hà Giang đang tập trung chỉ đạo các ngành chức năng và các địa phương đẩy mạnh phát triển du lịch, quy hoạch tổng thể việc xây dựng các làng văn hóa du lịch cộng đồng đặc trưng.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành trong tỉnh phát huy vai trò trách nhiệm, tích cực tham mưu, đề xuất các cơ chế, chính sách, giải quyết những vướng mắc, tranh thủ thời cơ, vận hội, tạo điều kiện thúc đẩy du lịch Hà Giang phát triển. Một trong những vấn đề then chốt để du lịch Hà Giang "cất cánh", nhất thiết phải dựa vào người dân, bởi người dân mới chính là chủ nhân của vùng đất, của văn hóa bản quán, nên họ phải trở thành chủ thể tích cực nhất trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, hoạt động phát triển du lịch không thể tránh khỏi những tác động tiêu cực làm mai một hoặc biến đổi mất bản sắc truyền thống, do vậy, các cơ quan chức năng cần có những giải pháp phù hợp để phòng ngừa, ngăn chặn...

Nguyễn Hữu Tuấn

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/mo-vang-du-lich-o-xu-so-cao-nguyen-da/