MOBI 2020: Bộ Tài chính có thứ hạng cao nhất về công khai ngân sách

Với 66,63 điểm quy đổi, Bộ Tài chính dẫn đầu bảng xếp hạng về chỉ số công khai ngân sách các bộ, cơ quan trung ương, đứng kế sau là Bộ Tư pháp...

(Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Kết quả khảo sát Chỉ số công khai ngân sách bộ, cơ quan Trung ương (MOBI) năm 2020 cho thấy chưa có sự cải thiện khi mức điểm trung bình đạt 21,64 điểm, tương đương MOBI 2019.

Theo báo cáo khảo sát này, nhiều đơn vị chưa thực hiện công khai hoặc chưa công khai đầy đủ, đáp ứng yêu cầu theo quy định của Luật ngân sách Nhà nước năm 2015 và Thông tư 61/2017/TT-BTC và Thông tư 90/2018/TT-BTC.

Bộ Tài chính có thứ hạng cao nhất

Chỉ số MOBI do Liên minh Minh bạch Ngân sách (BTAP) chủ trì xây dựng, theo đó hai tổ chức thành viên của Liên minh là Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) và Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thực hiện với sự tài trợ của Tổ chức Oxfam tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Quang Thương, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI), cho biết trong báo cáo MOBI 2020, Bộ Tài chính có thứ hạng cao nhất, với 66,63 điểm quy đổi đồng thời xếp hạng công khai ở mức tương đối đầy đủ. Xếp thứ hai là Bộ Tư pháp, với 48,41 điểm quy đổi.

“Khảo sát ghi nhận 34/44 bộ, cơ quan Trung ương có điểm công khai ngân sách và 10 đơn vị không có tên trong bảng xếp hạng MOBI 2020 do các cơ quan này không có thư mục công khai ngân sách và không công khai các tài liệu ngân sách trên cổng thông tin điện tử của đơn vị tại thời điểm khảo sát,” ông Thương nêu.

Về kết quả khảo sát, báo cáo MOBI 2020 cho biết có 27 cơ quan, tổ chức công khai ít nhất 1 tài liệu ngân sách (chiếm 61,36%) và tăng 3 đơn vị so với kỳ khảo sát 2019. Tuy nhiên, báo cáo chỉ ra vẫn còn 17 đơn vị không công khai bất kỳ một tài liệu nào tại thời điểm khảo sát (tương đương với 38,64%).

Điểm lưu ý trong báo cáo là tính kịp thời về công bố các tài liệu ngân sách theo quy định chưa được các các bộ, cơ quan Trung ương chú trọng. Cụ thể, trong số 19 đơn vị có công bố tài liệu về Dự toán ngân sách năm 2021, chỉ có 6 đơn vị công bố đúng thời hạn theo quy định là trong vòng 15 ngày kể từ ngày 31/12/2020. Đối với tài liệu về quyết toán ngân sách năm 2019, có 9/16 đơn vị có công khai thông tin công bố đúng thời hạn theo quy định.

Hơn thế, các tài liệu còn lại gồm báo cáo tình hình thực hiện ngân sách đơn vị (quý 1, 6 tháng, 9 tháng và cả năm 2020) chỉ được công khai đúng hạn bởi lần lượt 4, 4 và 3 đơn vị. Thậm chí, báo cáo MOBI 2020 nhấn mạnh không có đơn vị nào công khai đúng hạn báo cáo tình hình thực hiện ngân sách cả năm 2020.

Ngoài ra, kết quả khảo sát MOBI 2020 cho hay 32/44 đơn vị có điểm về tính thuận tiện (tương đương với 72,72%) và tăng 5 đơn vị so với khảo sát MOBI 2019. Song các tài liệu ngân sách được công khai vẫn chưa đầy đủ nội dung theo quy định tại Thông tư 90/2018/TT-BTC và còn thiếu báo cáo thuyết minh hoặc không đầy đủ nội dung của các bảng biểu.

Quốc hội cần tăng vai trò giám sát

Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược (VESS) nhận định: “Trong khi mức độ công khai minh bạch của các tỉnh liên tục được cải thiện (thông qua đánh giá bằng chỉ số POBI hàng năm) thì các cơ quan trung ương lại chưa có nhiều tiến bộ dù Luật Ngân sách 2015 đã có hiệu lực. Tôi cho rằng đây là lúc Quốc hội cần phát huy vai trò giám sát của mình trong việc thúc đẩy tính công khai, minh bạch của hệ thống tài chính công.”

Qua kết quả khảo sát, báo cáo chỉ số MOBI 2020 đề xuất tới các bộ, cơ quan Trung ương một số giải pháp để cải thiện chỉ số công khai ngân sách trong những năm tiếp theo.

Cụ thể, các đơn vị cần công khai kịp thời các loại tài liệu ngân sách trong chuyên mục công khai ngân sách trên cổng thông tin điện tử theo quy định tại Thông tư 61/2017/TT-BTC và Thông tư số 90/2018/TT-BTC.

Bên cạnh đó, các tài liệu ngân sách phải công khai đầy đủ nội dung, tối thiểu theo đúng bảng biểu đồng thời sử dụng các định dạng thân thiện với người sử dụng (như word, excel…). Ngoài ra, các tài liệu ngân sách được công khai cần kèm theo quyết định công bố công khai thông tin của cơ quan có thẩm quyền (ví dụ: Quyết định/ Nghị quyết phê duyệt, ban hành tài liệu, các bảng biểu phụ lục kèm theo) và cần duy trì liên tục, thường xuyên./.

Năm 2020 là năm thứ 3 liên tiếp chỉ số MOBI được thực hiện và công bố. Khảo sát đánh giá mức độ công khai ngân sách của 44 bộ, cơ quan Trung ương (trong đó có 38 bộ, cơ quan Trung ương là đơn vị dự toán và 6 cơ quan, tổ chức Trung ương được ngân sách Nhà nước hỗ trợ).

Mức độ công khai minh bạch ngân sách bộ, cơ quan Trung ương (MOBI 2020) được xây dựng thông qua 5 tiêu chí chính là tính sẵn có, tính kịp thời, tính đầy đủ, tính thuận tiện và tính liên tục của 6 loại tài liệu bắt buộc phải công khai theo Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, theo hướng dẫn tại Thông tư 61/2017/TT- BTC và Thông tư 90/2018/TT-BTC.

Tính liên tục là tiêu chí lần đầu tiên được sử dụng trong khảo sát MOBI 2020 và chỉ được áp dụng cho hai loại tài liệu bao gồm dự toán thu-chi ngân sách và quyết toán ngân sách nhà nước.

Hạnh Nguyễn (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/mobi-2020-bo-tai-chinh-co-thu-hang-cao-nhat-ve-cong-khai-ngan-sach/720337.vnp