Mobile Money: Những bài toán đang chờ lời giải

Được kỳ vọng là một trong những dịch vụ có thể giúp giải bài toán thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, đặc biệt là các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên, để Mobile Money có thể đi vào thực tiễn đời sống của nhân dân đòi hỏi rất nhiều thách thức cho các cơ quan quản lý và các đơn vị triển khai dịch vụ, mà cụ thể là các nhà mạng.

 Mobile Money cho phép dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ.

Mobile Money cho phép dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ.

Như VietnamFinance đã thông tin, ngày 9/3, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức ban hành quyết định phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money).

Theo đó, quyết định cho phép triển khai thí điểm Mobile Money có hiệu lực từ ngày ký (9/3) và thời gian thực hiện thí điểm dịch vụ là 2 năm kể từ thời điểm doanh nghiệp đầu tiên thực hiện thí điểm được chấp thuận triển khai thí điểm.

Với khoảng 124,8 triệu thuê bao di dộng hiện nay, các doanh nghiệp viễn thông vẫn còn khá nhiều dư địa để phát triển, có thêm nguồn thu chất lượng mới khi doanh thu từ các hoạt động cốt lõi như cước viễn thông, dữ liệu đã đến giai đoạn khó tăng trưởng.

Xét cụ thể về từng nhà mạng, với Viettel, nhà mạng này đang chiếm lợi thế lớn khi đã triển khai thử nghiệm thành công Mobile Money cho 40.000 khách hàng nội bộ và sẵn sàng cung cấp dịch vụ tới 100% khách hàng. Đáng chú ý, với kinh nghiệm triển khai Mobile Money tại 6 thị trường nước ngoài, nhà mạng này tự tin trong việc tính toán cách thức vận hành, chi phí, nhân lực... để triển khai dịch vụ tại Việt Nam.

Với Mobifone và VNPT, 2 nhà mạng này đều đã chuẩn bị hồ sơ xin thử nghiệm dịch vụ Mobile Money để gửi Ngân hàng Nhà nước. Sau đó Ngân hàng Nhà nước xem xét, lấy ý kiến các bộ ngành liên quan như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, rồi mới có quyết định đồng ý cấp phép thử nghiệm cho nhà mạng.

Trong lộ trình triển khai dịch vụ, lãnh đạo Mobifone và VNPT đều dự kiến trong quý II/2021, sẽ chính thức đưa Mobile Money đến tay người dùng.

Lý thuyết là vậy, tuy nhiên, các chuyên gia đều nhận định việc triển khai thực tế Mobile Money đòi hỏi các nhà mạng phải đưa ra được lời giải cho các bài toán khó hiện nay.

Trong báo cáo về dịch vụ Mobile Money vừa được Viện Nghiên cứu và đào tạo Ngân hàng BIDV công bố, việc xác thực khách hàng, trong đó SIM rác là bài toán nan giải nhất.

Với Mobile Money, mỗi khách hàng chỉ được mở một tài khoản thanh toán theo SIM chính chủ tại một nhà mạng. Dù thời gian qua, Bộ Thông tin Truyền thông đã phối hợp với Bộ Công an cùng các nhà mạng để xử lý nạn SIM rác, nhưng thực tế loại SIM này vẫn được bày bán công khai ở nhiều địa điểm.

"Nếu việc định danh khách hàng, quản lý SIM rác và giao dịch ẩn danh không được thực hiện chặt chẽ, Mobile Money có thể là kênh để rửa giao dịch, ảnh hưởng đến công tác phòng chống rửa tiền", báo cáo của Viện Đào tạo và Nghiên cứu Ngân hàng BIDV nêu quan điểm.

Báo cáo của Viện Đào tạo và Nghiên cứu Ngân hàng BIDV cũng chỉ ra 5 rủi ro chính khi triển khai dịch vụ Mobile Money, bao gồm: dữ liệu của khách hàng có thể bị xâm phạm, dùng cho mục đích riêng hoặc gian lận; đại lý cung cấp dịch vụ có thể thu phí bất hợp pháp từ các giao dịch gửi, rút tiền của khách hàng; thậm chí mạo danh nhà cung cấp để lừa gạt người gửi tiền;

Bên cạnh đó, giao dịch có thể không thực hiện được khi sự cố xảy ra trong chuỗi giao dịch của hệ thống thanh toán; khách hàng có thể chia nhỏ giá trị để lách quy định về hạn mức thanh toán, thực hiện hành vi rửa tiền, đánh bạc…; tiền của khách hàng có thể bị mất, nếu không có phương án quản lý phù hợp.

Một thách thức mà dư luận đặt nhiều câu hỏi chính là việc nở rộ các ví điện tử hiện nay thì cơ hội nào để Mobile Money tiếp cận được người dùng. Điểm khác biệt lớn nhất là dịch vụ Mobile Money không yêu cầu phải có tài khoản ngân hàng mới được sử dụng và thanh toán như ví điện tử. Bù lại, hạn mức giao dịch hàng tháng bằng tiền di động chỉ 10 triệu đồng trong khi hạn mức của ví điện tử gấp 10 lần con số này, tương đương 100 triệu đồng một tháng.

Hạn mức này được đánh giá là làm thỏa mãn được nhu cầu của khách hàng, đặc biệt là khách hàng ở thành thị, có nhu cầu mua sắm thanh toán không tiền mặt nhiều trong một tháng.

Ngọc Lưu

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/mobile-money-nhung-bai-toan-dang-cho-loi-giai-20180504224250810.htm