Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được công nhận là Di sản ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương

Ngày 7-10, tỉnh Bắc Giang sẽ tổ chức Lễ đón nhận bằng công nhận Di sản ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cho di sản mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm ở xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Trong dịp này, tỉnh Bắc Giang cũng tổ chức lễ đón nhận Bằng Di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt đối với Khu di tích khởi nghĩa Yên Thế, đón nhận Quyết định công nhận 16 xã thuộc huyện Hiệp Hòa là ATK II và tổ chức Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc tỉnh Bắc Giang lần thứ 5. Những hoạt động này góp phần quảng bá sâu rộng hơn nữa các di sản văn hóa quí giá của Bắc Giang.

Theo thông tin từ Sở Văn hóa thể thao và du lịch tỉnh Bắc Giang, bộ mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu của nhân loại tại Kỳ họp toàn thể lần thứ 5 Chương trình ký thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương diễn ra ở Băng-cốc (Thái Lan) trong hai ngày từ 14, 16-5 vừa qua.

Bộ mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được công nhận dựa trên ba tiêu chí là tính xác thực, tính độc đáo không thể thay thế và có vị trí vai trò to lớn trong khu vực. Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm với số lượng 3.050 mộc bản, gồm 9 đầu sách lớn thuộc hai loại kinh sách chính. Đó là kinh sách có nguồn gốc từ Trung Hoa, Ấn Độ, được các vị Phật tổ thiền phái Trúc Lâm kế truyền, chú dẫn theo tư tưởng Việt Nam. Kinh sách do các tổ sư thiền phái Trúc Lâm sáng tác, truyền lại.

Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được khắc từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 20. Đây là bộ mộc bản lớn và cổ nhất. Nội dung bộ mộc bản thể hiện tư tưởng phật phái Trúc Lâm của Việt Nam. Ngoài ra, mộc bản còn giới thiệu về đất nước Việt Nam, con người Việt Nam và đặc biệt là về đạo lý của người Việt Nam.

Như vậy, cho tới nay, Việt Nam đã có ba di sản tư liệu được UNESCO công nhận là bia đá các khoa thi tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, mộc bản Triều Nguyễn và bộ mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm.

Hà Phương

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/moc-ban-chua-vinh-nghiem-duoc-cong-nhan-la-di-san-ky-uc-the-gioi-khu-vuc-chau-a-thai-binh-duong/