Mộc Châu (Sơn La): Phát huy lợi thế du lịch cộng đồng

Với lợi thế về thiên nhiên, văn hóa, nông sản… Mộc Châu đang đẩy mạnh khai thác du lịch cộng đồng, nhằm tạo hướng đi bền vững. Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Hoa – Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu - xung quanh vấn đề này.

Xin bà cho biết thế mạnh của du lịch Mộc Châu so với các địa phương Tây Bắc?

“Gia tài” giá trị nhất mà Mộc Châu có được là sự đa dạng văn hóa từ 12 dân tộc anh em cùng sinh sống. Sự hội tụ này đã mang lại cho địa phương nhiều nghề thủ công, sản vật và văn hóa ẩm thực; đặc biệt là các lễ hội truyền thống.

Sự đa dạng văn hóa từ 12 dân tộc anh em cùng sinh sống là lợi thế lớn

Sự đa dạng văn hóa từ 12 dân tộc anh em cùng sinh sống là lợi thế lớn

Mặt khác, với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, địa phương có nhiều sản vật phong phú từ thiên nhiên. Đây không chỉ là sản phẩm nông nghiệp đơn thuần, mà đã trở thành sản phẩm du lịch nổi tiếng.Mộc Châu còn được thiên nhiên ban cho nhiều danh thắng cảnh đẹp như: Rừng thông Bản Áng, thác Dải Yếm, Ngũ động bản Ôn, Thung lũng mận Nà Ka, đỉnh Pha Luông; nhiều di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng với 2 di tích cấp quốc gia (Hang Dơi, Đồn Mộc Lỵ) và 11 di tích cấp tỉnh…

Trên lợi thế đó, ngành du lịch địa phương đã có sự phát triển mạnh mẽ, với mức tăng trưởng cao, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội chung của huyện. Đến nay, trên địa bàn huyện có 228 cơ sử lưu trú, trong đó 12 khách sạn đã được xếp hạng từ 1 - 4 sao; 4.750 lao động tham gia trong lĩnh vực du lịch; giai đoạn 2016 - 2020, dự kiến thu hút được trên 5.652.000 lượt khách, riêng năm 2019 đạt 1.250.000 lượt, trong đó khách quốc tế đạt 67.000 lượt; doanh thu xã hội trung bình mỗi năm đạt trên 1.100 tỷ đồng.

Du lịch cộng đồng, sinh thái là một trong những thế mạnh, vậy Mộc Châu đã định hướng phát triển các loại hình du lịch này như thế nào, thưa bà?

Huyện xác định mục tiêu phát triển các điểm du lịch cộng đồng trở thành 1 trong 5 điểm du lịch vệ tinh của Khu du lịch quốc gia Mộc Châu theo Quyết định số 2050/QĐ-TTg về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Mộc Châu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, bao gồm: Khu du lịch nghỉ dưỡng Rừng thông bản Áng; Khu du lịch Thác Dải Yếm; Khu du lịch văn hóa Ngũ động bản Ôn; Khu trung tâm thương mại cửa khẩu Lóng Sập; các điểm du lịch cộng đồng.

Để thực mục tiêu đó, từ năm 2018 – 2019, huyện đã hỗ trợ xây dựng bản du lịch cộng đồng Bản Áng bằng nguồn ngân sách huyện; hỗ trợ kinh phí xây dựng hệ thống các loại biển báo, đầu tư hệ thống thu gom, xử lý rác thải tại bản; xây dựng nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch; tổ chức tập huấn kỹ năng nghề du lịch cho các hộ kinh doanh tại bản Vặt, bản Dọi....

Vậy, công tác thu hút đầu tư, quảng bá điểm du lịch cộng đồng được địa phương chú trọng ra sao?

Các điểm du lịch cộng đồng đang tạo sức hút nhờ bản sắc, đặc trưng riêng có. Đây cũng là dòng sản phẩm có đóng góp tích cực cho du lịch cũng như kinh tế của Mộc Châu. Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid - 19 nên không ít điểm đến gặp khó khăn.

Để lan tỏa sản phẩm đến với thị trường hơn nữa thì việc tăng cường quảng bá, giới thiệu, kêu gọi đầu tư hạ tầng rất quan trọng. Về vấn đề này, huyện đã phối hợp với Tổ chức GREAT triển khai thực hiện Dự án “Quản lý toàn diện điểm đến du lịch Mộc Châu”, kéo dài đến tháng 6/2021, trong đó tập trung triển khai quảng bá, khảo sát điểm đến, đánh giá chất lượng, điều kiện các dịch vụ du lịch để kết nối tour, tuyến nội tỉnh, liên kết 3 trung tâm Khu du lịch quốc gia Mộc Châu - TP. Sơn La - Lòng hồ thủy điện Sơn La...

Xin cảm ơn bà!

Năm 2020, Mộc Châu tiếp tục phối hợp với Văn phòng Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới Trung ương nghiên cứu, khảo sát, lựa chọn bản Pa Phách 1 và Pa Phách 2, xã Đông Sang là bản dân tộc Mông có tiềm năng phát triển các sản phẩm du lịch, để kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng bản du lịch cộng đồng kiểu mẫu.

Hoa Quỳnh (thực hiện)

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/moc-chau-son-la-phat-huy-loi-the-du-lich-cong-dong-141254.html