Mốc son lịch sử giao lưu văn hóa giữa Việt Nam - Ấn Độ

Ngày 29/3, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS) phối hợp với Đại sứ quán Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam tổ chức tọa đàm khoa học Kỷ niệm 90 năm Gurudev Rabindranath Tagore tới Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh (1929-2019). Tagore luôn được nhớ đến như một nhà thơ lớn, một nhà nhân văn chủ nghĩa kiên định, ủng hộ tinh thần đoàn kết quốc tế, đem lại cho các dân tộc bị áp bức niềm tin vào sự bình đẳng, hội nhập...

Đây là một mốc son đáng nhớ trong lịch sử giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Ấn Độ, bởi khi đó việc đón tiếp nhà tư tưởng, đại thi hào Tagore là một cách biểu thị lòng yêu nước của dân tộc Việt.

Ðại sứ Parvathaneni Harish và các vị khách danh dự thực hiện Nghi lễ dâng hoa tại bức ảnh của Gurudev Rabindranath Tagore. (Ảnh: MH)

Tham dự Tọa đàm có Ðại sứ Ấn Ðộ tại Việt Nam Parvathaneni Harish, Phó Chủ tịch VASS GS. TS. Đặng Nguyên Anh, Hiệu trưởng Đại học Vishwa Bharti, bang Tây Bengal GS Bidyut Chakrabarty, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Hà Minh Huệ, Viện Trưởng Viện nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á Nguyễn Văn Trung, Hiệu trưởng Đại học Delhi GS. Amarjiva Lochan và các đại biểu.

Phát biểu tại Tọa đàm, Ðại sứ Parvathaneni Harish nhấn mạnh: “Sự gần gũi văn hóa cũng như tình cảm của nhân dân Việt Nam và Ấn Độ rất nồng nàn. Tư tưởng của người thầy vĩ đại Tagore là đồng cảm với những người dân nô lệ, đấu tranh đòi tự do và cuộc sống hạnh phúc cho con người, khi đó rất phù hợp với tình thần của người dân Ấn Độ cũng như dân Việt Nam và triết lý về sự thống nhất thông qua đa dạng của ông còn mang hơi thở của thời đại”.

Phó Chủ tịch VASS GS. TS. Đặng Nguyên Anh phát biểu tại Tọa đàm. (Ảnh: MH)

Trong phát biểu của mình, GS. TS. Đặng Nguyên Anh cho biết: “Nhà tư tưởng, nhà văn hóa Gurudev Rabindranath Tagore không chỉ là đại diện văn hóa tiêu biểu của Ấn Độ, mà còn là nhà thơ châu Á đầu tiên được trao giải Nobel Văn học. Tọa đàm sẽ giúp chúng ta có thêm những góc nhìn mới về một nhân cách lớn của Ấn Độ, góp phần thúc đẩy tình hữu nghị và sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai quốc gia”.

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã ôn lại những hình ảnh của Đại thi hào Tagore từ ngày đầu 21/4/1929 đến thăm Sài Gòn trong chuyến du hành vòng quanh thế giới và có các cuộc giao lưu với nhiều nhà văn hóa và trí thức Việt Nam. Nhà thơ Đông Hồ (1906-1969) nhận định rằng: “Nhân dân Sài Gòn… xem việc đón tiếp Tagore là một cách để biểu thị lòng yêu nước”. Nhiều nhà thơ có tên tuổi của Việt Nam tham gia dịch các tác phẩm của Tagore sang tiếng Việt như: Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Hoàng Trung Thông, Chế Lan Viên...

Tại Tọa đàm, nhiều ý kiến được đưa ra có giá trị về mặt lý luận và thực tiễn như: Tư tưởng Tagore với chủ nghĩa dân tộc, quan điểm của Tagore trong giáo dục, âm nhạc, thơ ca… của GS Nguyễn Đức Minh, PGS Nguyễn Mai Liên, PGS Lê Văn Toan, TS Nguyễn Phương Liên và TS Lê Thị Hằng Nga.

Quang cảnh buổi Tọa đàm. (Ảnh:MH)

Đặc biệt, Hiệu trưởng Đại học Vishwa Bharti, bang Tây Bengal, người trực tiếp kế thừa di sản của Tagore, nơi nhà văn hóa lỗi lạc Tagore mơ ước biến nơi đây trở thành một tổ ấm của cả thế giới có thể quy tụ, nơi “cả thế giới thực sự là một gia đình” chia sẻ, đã gây nhiều xúc động.

Các học giả sôi nổi gửi những tham luận và cùng nhau luận bàn về người thầy vi đại Tagore. (Ảnh:MH)

Các học giả đều có đồng quan điểm, hiện nay, khi nhân loại đang phải đối diện với những thử thách khắc nghiệt mới, Tagore luôn được nhớ đến như một nhà thơ lớn, một nhà nhân văn chủ nghĩa kiên định, ủng hộ tinh thần đoàn kết quốc tế, phản đối chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi. Tagore đem lại cho các dân tộc bị áp bức niềm tin vào sự bình đẳng, hội nhập và chỉ ra viễn cảnh tốt đẹp về sự đối thoại, học hỏi lẫn nhau giữa các nền văn minh. Và, sự kiện ông đến Việt Nam 90 năm trước là mốc son về tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt- Ấn.

Gurudev Rabindranath Tagore (1861-1941) đã để lại cho nhân loại một khối lượng tác phẩm đồ sộ: 42 vở kịch; 12 cuốn tiểu thuyết cùng với hàng trăm truyện ngắn, bút kí, tiểu luận, diễn văn, hồi ký; 2000 tranh vẽ; hơn 2.000 bài hát và nhờ đó sáng tạo nên Rabindra Sangeet - một thể loại âm nhạc Bengal quan trọng mang tên ông. Hơn 1.000 bài với 50 tập thơ, trong đó tập thơ “LỜI DÂNG” (Gitanjali).

Tác phẩm của Tagore đã được dịch và đưa vào sách giáo khoa các trường phổ thông và đại học ở Việt Nam, tuyển in vào các công trình tập thể: Tuyển truyện ngắn được giải thưởng Nobel; Tuyển truyện ngắn hay văn học thế giới, Thơ thế giới chọn lọc; Các tác phẩm được giải thưởng Nobel; các công trình nghiên cứu văn học thế giới; văn học Châu Á; Văn học Ấn Độ; các công trình chuyên luận về Tagore...

Minh Hòa

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/moc-son-lich-su-giao-luu-van-hoa-giua-viet-nam-an-do-90859.html