Mời anh bánh giá Hòa Đồng

'Một mai em gái theo chồng. Còn đâu bánh giá Chợ Giồng mời anh'. Xuất hiện cùng lúc với quá trình khai hoang, lập ấp của người Việt ở vùng đất Gò Công vào thế kỷ XVII, bánh giá Hòa Đồng đã đi vào tình cảm của thực khách bốn phương bởi hương vị đậm đà đặc trưng khó tìm ở nơi khác.

Ở xứ biển Gò Công, hầu như nơi nào cũng có món bánh giá, nhưng giới sành ăn cho rằng chỉ có chiếc bánh giá ở đất Chợ Giồng là ngon nhất. Trước đây bánh giá chỉ xuất hiện trong những dịp giỗ chạp, do các gia đình có đám tự làm để đãi khách hoặc làm bánh để đi cúng giỗ thay cho mâm trái cây. Dần dà, bánh giá được mọi người ưa chuộng, nên có người mở sạp chiên bánh bán ngoài chợ. Từ đó chiếc bánh xuất hiện thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày của người Gò Công, nhưng chỉ ở mức độ là một món ăn chơi. Theo thời gian, sự giao thương ngày càng mở rộng, không biết từ lúc nào chiếc bánh giá Chợ Giồng được nâng lên hàng đặc sản, khiến nhiều thực khách phương xa nhớ nhung, lưu luyến.

Bánh giá được dùng kèm với các loại rau sống và nước mắm chua ngọt, đôi khi kèm xôi hoặc bún.

Bánh giá được dùng kèm với các loại rau sống và nước mắm chua ngọt, đôi khi kèm xôi hoặc bún.

Nguyên liệu để làm món bánh giá cũng rất đơn giản và sẵn có, gồm: bột gạo, bột năng, trứng gà, tôm, gan heo, thịt bằm, đậu phộng rang, giá đậu xanh… Muốn chiên được chiếc bánh có hình dáng đẹp thì cần phải có chiếc vá lớn. Đầu tiên múc một muỗng bột tráng phần đáy của chiếc vá, sau đó cho thịt bằm, gan heo, giá sống vào giữa vá bột, rồi múc thêm một lớp bột phủ lên trên, cuối cùng cho tôm bạc đất và đậu phộng rang lên trên cùng.

Khi chiếc bánh nguyên liệu đã hoàn tất, nhúng chiếc vá vào chảo dầu sôi, chờ cho bột tách khỏi vá thì từ từ rút chiếc vá ra khỏi chảo dầu, chỉ còn chiếc bánh nổi lềnh bềnh trong dầu nóng.

Người chiên bánh phải để lửa nhỏ, liên tục trở bánh cho chín vàng đều hai mặt mà không bị khét, khi bánh chín vớt để lên một chiếc vỉ tre gác trên miệng chảo cho bánh ráo dầu. Bánh được dùng kèm với các loại rau sống và nước mắm chua ngọt, đôi khi kèm xôi hoặc bún, tạo nên một hương vị vô cùng thơm béo, đậm đà ngon miệng.

Chiếc bánh nhỏ nhắn thế nhưng ấn tượng đủ đậm sâu để nâng tầm danh tiếng xứ Gò vang xa khắp nơi. Làm ra được một chiếc bánh như vậy, nói rằng tỉ mỉ thì quả thật lắm công phu, mà cho là đơn giản thì cũng đúng là rất bình dân mộc mạc. Vì vậy bánh giá hiện diện mọi dịp mọi nơi, từ sạp chợ các bà các cô ăn vặt lỡ bữa đến mâm đám giỗ, lễ tết, cưới hỏi...được mang ra mời đãi khách một cách trang trọng.

Một sạp bày bán bánh giá Hòa Đồng ở Gò Công.

Một sạp bày bán bánh giá Hòa Đồng ở Gò Công.

Theo lời của những người lớn tuổi ở đây, bánh giá bây giờ tuy được bày bán nhiều nhưng khó giữ được mùi vị đặc trưng của ngày xưa. Yếu tố đầu tiên khiến hương vị chiếc bánh thay đổi chính là ở nguyên liệu. Con tép bạc Gò Công nay trở nên hiếm hoi khó kiếm, bột cũng là loại bột công nghiệp không còn phải ngâm xay như trước nữa. Bên cạnh đó, nhằm để phục vụ mau lẹ theo nhu cầu cuộc sống, chiếc bánh chiên xong được người bán đựng trong bọc xốp nên mùi vị thơm tho không còn nguyên vẹn như thuở gói bằng lá chuối khô.

Dù không còn giữ được hương vị nguyên sơ của ngày xưa, nhưng chiếc bánh giá nhỏ nhắn, đơn sơ mà tròn vị vẫn chiếm trọn tình cảm của thực khách khắp gần xa. Cùng với mắm tôm chà, bánh giá từ bao giờ đã trở thành đặc sản không thể thiếu của đất Gò Công, khiến người ta thương nhớ mà nhắn nhủ nhau hoài "Anh ơi về tới Hòa Đồng. Nhớ mua bánh giá Chợ Giồng tặng em".

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/xa-hoi/moi-anh-banh-gia-hoa-dong-167914.html