'Mới có 1 người chết vì húc dải bê tông cao tốc TP.HCM-Long Thành-Dầu Giây'

Anh Lý Vũ Hảo đi xe máy trên đường dẫn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây bất ngờ tông vào dải bê tông giữa đường và tử vong. Tranh cãi nổ ra trên mạng xã hội vì dải bê tông gây chết người do Sở GTVT TP.HCM đặt.

Tối 12.3, anh Lý Vũ Hảo (26 tuổi, quê Cà Mau) lưu thông trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (đoạn thuộc phường An Phú, quận 2, TP.HCM) trong làn dành cho xe máy, hướng vòng xoay Phú Hữu về ngã ba Mai Chí Thọ. Khi đến đoạn gần cột đèn số TL3/49, xe máy của anh Hảo tông vào dải bê tông được đặt ngay giữa đường. Cú va chạm mạnh khiến anh Hảo ngã ra đường, tử vong do vết thương quá nặng phần đầu, còn xe máy không biển số văng xa.

Dải bê tông này được đặt để tránh cho ô tô vào nhưng thực tế chỉ chừa vừa đủ xe máy đi qua.

Đoạn đường nơi xảy ra tai nạn do Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 (thuộc Sở GTVT TP.HCM) quản lý.

Theo Kiến thức, trong lúc lực lượng CSGT đang tiến hành khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn thì ở hướng ngược lại cũng trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Dây, một nam thanh niên chạy xe máy đã lao vào dải phân cách bị thương nặng.

"Từ năm 2017 tới giờ mới có tai nạn chết người!"

Ông Lê Ngọc Hùng, Giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 2 cho biết dải phân cách bằng bê tông đặt giữa làn xe máy trên đường dẫn cao tốc từ năm 2017.

Trả lời PLO, ông Lê Ngọc Hùng, Giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 2 cho biết đơn vị này đã gắn dải phân cách bằng bê tông giữa làn đường xe máy trên đường dẫn cao tốc Long Thành – Dầu Giây để ngăn ô tô đi vào làn hai bánh, gây ùn tắc giao thông từ tháng 12.2017.

Theo ông Hùng, dải bê tông được đặt chính giữa làn xe máy, chừa hai bên đường cho loại phương tiện này lưu thông. Khối bê tông được gắn ở hai đầu đường để vào đường dẫn cao tốc.

Ông Lê Ngọc Hùng khẳng định, hai đầu dải phân cách có phản quang, Khu quản lý giao thông đô thị số 2 cũng đặt cọc tiêu nhựa hướng dẫn và cảnh báo từ đầu đường đều có phản quang hết.

Chúng tôi không biết hôm qua nạn nhân có say xỉn gì không nên phải đợi công an điều tra, chứ chúng tôi đã gắn từ năm 2017 tới giờ mới có tai nạn chết người”, ông Hùng nói.

Hiện trường tai nạn khiến anh Lý Vũ Hảo tử vong.

Hiện trường tai nạn khiến anh Lý Vũ Hảo tử vong.

Sau sự việc này, ông Hùng cho biết Khu quản lý giao thông đô thị số 2 sẽ rà soát lại việc gắn dải phân cách ở đây.

Có thể sẽ gắn camera từ đầu đường, nơi xe bắt đầu đi vào đường dẫn. Nếu phát hiện ô tô vào làn xe máy thì xử phạt. Nếu vậy thì có thể nghiên cứu không dùng dải phân cách có chất liệu bê tông nữa mà gắn loại bằng nhựa, cao su, nhưng quan điểm là vẫn phải gắn…”, ông Hùng nói thêm.

Cùng ngày, một đại diện Sở GTVT TP.HCM cho biết Sở đã cử người xuống phối hợp với Khu quản lý giao thông đô thị số 2 để nắm sự việc. Vị này cũng khẳng định dải phân cách đã được đưa vào sử dụng từ lâu để ngăn ô tô đi vào, trước giờ chưa xảy ra tai nạn.

"Ngăn ô tô bằng cách này quá nguy hiểm"

Theo Thanh Niên Online, người dùng Facebook đưa ra bình luận trái chiều về tai nạn chết người trên cao tốc do dải bê tông cản ô tô đặt trong làn xe máy.

Tài khoản Huy Trung cho biết: "Dải phân cách khúc này rất nguy hiểm. Tôi đã hơn một lần phải ẹo người lách tay lái để né dải phân cách này".

Hà Tém cho rằng sẽ còn nhiều cái chết oan uổng nếu còn để cục bê tông này: "Tôi chạy qua rất nhiều lần và lần nào tôi cũng cầu xin cho mọi người đều nhìn thấy để tránh và hôm nay một nạn nhân đã ra đi oan mạng. Cầu mong anh ra đi thanh thản".

"Đặt dải phân cách kỳ quá. Nhiều lúc đi qua đường này không hiểu sao lại đặt dải phân cách ở chỗ này. Trong khi bên trái thì quá hẹp, xe không chạy qua được. Buổi tối lại không gắn phản quang. Chạy trên đường này xe ít nhiều lúc chạy tốc độ nhanh là không xử lý kịp. Bên cạnh đó phải lắp đặt đèn tín hiệu ở chỗ giao nhau với đường xe máy và ô tô nhiều lúc không để ý quan sát là xảy ra tai nạn", Thành Tín bình luận.

Sơn Lâm đánh giá rằng không có đèn cảnh báo, không lớp sơn phản quang, ai lạ không quen đường thì khả năng xảy ra tai nạn cực cao.

Trong khi Đại Phong cho rằng việc đặt khối bê tông do tài xế ô tô hay chạy vào làn xe máy: "Đầu tiên phải nói đến mấy bác tài xế ô tô. Nếu mấy anh không chạy vào đấy thì làm gì có chuyện cho mấy anh kỹ sư thiết kế ra cái cục đấy. Lỗi này là do mấy anh là lớn nhất".

Toàn Nguyễn cũng đống tình khi viết: "Cục bê tông để đó không sai vì xe 4 bánh sẽ chui vô khi kẹt xe, còn chuyện cao tốc chỗ này giới hạn 50km/h cho xe máy là an toàn đảm bảo có thời gian quan sát chướng ngại vật. Chuyện thanh niên này té là do chạy quá tốc độ thôi chứ nếu đúng tốc độ cũng khó mà tử vong".

Đồng quan điểm, Hoàng Bảo cho rằng: "Lúc trước không có phân cách, chiều hay kẹt xe từ khúc giao Mai Chí Thọ tới chỗ này, ô tô hay chen vào làn xe máy chạy nên người ta mới làm dản phân cách này để ngăn lại”.

"Hồi trước có đặt trụ nhựa phản quang, rồi xe 50 chỗ cán hết nên đặt bê tông", Hoàng Vũ chia sẻ.

Cuối cùng An Nhiên đề xuất: "Ngăn ô tô bằng cách này quá nguy hiểm. Tính mạng con người quan trọng hơn tất cả. Cần dẹp ngay tránh thêm tai nạn".

Xem thêm:

Nhân Hoàng (tổng hợp)

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/the-gioi-mang-c-85/thoi-su-facebook-c-145/moi-co-1-nguoi-chet-vi-huc-dai-be-tong-cao-toc-tphcm-long-thanh-dau-giay-108863.html