Mọi công dân đều phải tuân thủ nguyên tắc nhà nước pháp quyền

Thời gian qua, trong khi một số linh mục thuộc Giáo phận Vinh, Giáo phận Hà Tĩnh và Dòng Chúa cứu thế có các hoạt động không phù hợp với luật pháp Việt Nam, lại thấy Võ Văn Ái và một số kẻ đã lợi dụng một hội nghị tổ chức tại Washington DC (Oa-sinh-tơn DC, Mỹ) để vu cáo Việt Nam về tự do tôn giáo. Mới đây, ngày 16-10-2019, ông Hoàng Ðức Oanh, nguyên Giám mục Giáo phận Kon Tum, đã đến California (Ca-li-phoóc-ni-a, Mỹ) để tiếp tục các luận điệu này. Vậy, đó có phải là loại hành vi lạm dụng tự do tôn giáo, lợi dụng danh nghĩa nhà thờ Công giáo, nhà thờ Tin lành để thực hiện mưu đồ chính trị thiếu trong sáng cần được lên án, xử lý nghiêm.

Thời gian qua, trong khi một số linh mục thuộc Giáo phận Vinh, Giáo phận Hà Tĩnh và Dòng Chúa cứu thế có các hoạt động không phù hợp với luật pháp Việt Nam, lại thấy Võ Văn Ái và một số kẻ đã lợi dụng một hội nghị tổ chức tại Washington DC (Oa-sinh-tơn DC, Mỹ) để vu cáo Việt Nam về tự do tôn giáo. Mới đây, ngày 16-10-2019, ông Hoàng Ðức Oanh, nguyên Giám mục Giáo phận Kon Tum, đã đến California (Ca-li-phoóc-ni-a, Mỹ) để tiếp tục các luận điệu này. Vậy, đó có phải là loại hành vi lạm dụng tự do tôn giáo, lợi dụng danh nghĩa nhà thờ Công giáo, nhà thờ Tin lành để thực hiện mưu đồ chính trị thiếu trong sáng cần được lên án, xử lý nghiêm.

Theo truyền thống của người Ðức, với một đứa trẻ, ngày đầu tiên đi học là sự kiện quan trọng nhất trong giai đoạn đầu cuộc đời, vì vậy ngoài lễ khai giảng do nhà trường tổ chức, nhà thờ Thiên chúa giáo hoặc Tin lành cũng tổ chức lễ cầu nguyện dành cho học sinh cùng thân nhân. Dù tôi và con, cháu không theo đạo nào, nhưng nhân dịp có cháu vào lớp 1, gia đình vẫn rất vui vẻ nhận lời mời tham dự buổi cầu nguyện tại một Nhà thờ Công giáo ở bang Bavaria (Ba-va-ri-a, Ðức). Với tôi, đây không phải là lần đầu nghe giảng tại nhà thờ, nhưng đây là một lễ cầu nguyện để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc vì Linh mục chủ yếu nói về trách nhiệm của người theo Công giáo với đất nước, xã hội, tình yêu thương giữa con người với con người. Theo tôi, đó là một số giá trị cơ bản giúp mỗi người thật sự sống lương thiện. Tôi đã đọc Tân ước, Cựu ước bằng tiếng Việt Nam, tiếng Ðức. Sau mấy chục năm, tôi thấy những lời dạy của Chúa Giê-su (sự hối cải, tình yêu vô điều kiện, tha thứ tội lỗi, khoan dung...) tác động rất lớn đến đa số tín đồ, giúp họ vừa là người ngoan đạo, vừa là công dân tốt của đất nước, thành viên tích cực của xã hội.

Những năm gần đây, số người nước ngoài đến định cư ở Ðức vẫn rất lớn, họ đến từ nhiều châu lục để học tập, hành nghề, hoặc tị nạn, trong đó có nhiều người theo Hồi giáo. Vì một số tổ chức, hiệp hội của người Hồi giáo đã vi phạm các quy định pháp luật, mà tranh luận về chủ đề tự do tôn giáo đã diễn ra sôi nổi trên nhiều phương diện (truyền thông, nghiên cứu học đường, trong mọi tầng lớp xã hội...). Thí dụ, ngày 23-12-2015, tờ Thế giới (Welt) đăng bài "Tự do tôn giáo không có nghĩa là vô hạn" mà đoạn trích sau đây được nhiều người hưởng ứng: "Mỗi quyền cơ bản riêng lẻ có thể mâu thuẫn với các quyền cơ bản khác ở nhiều phương diện, nên quyền tự do tôn giáo cũng chạm đến giới hạn bởi các quyền tự do khác đã được vạch ra. Song trong một nhà nước pháp quyền, khi có sự xung đột giữa các chuẩn mực - tức là khi quyền cơ bản bị chồng chéo hoặc mâu thuẫn với nhau, phải được quyết định không qua vũ lực mà qua những thủ tục theo nguyên tắc nhà nước pháp quyền. Tự do tôn giáo không thể không có bất hòa và không phải là không có giới hạn. Ở nhiều phương diện, nó đụng chạm tới lợi ích của an toàn công cộng, trật tự công cộng, sức khỏe và đạo đức hoặc việc bảo vệ các quyền, tự do của người khác. Những gì được phép và những gì bị cấm ở nơi công cộng được quy định trong trường hợp có tranh chấp bởi pháp luật và không phải bằng vũ khí hoặc hành động thô bạo. Dân chủ và nhà nước pháp quyền phải luôn giữ sự cân bằng giữa quyền tự do cá nhân và lợi ích công cộng trong một sự tương tác phức tạp của các hành vi, sự kỳ vọng, và các lực lượng khác nhau. Ðiều đó cũng có giá trị với thế giới quan của các tín đồ và vô thần, Ki-tô hữu và tôn giáo khác. Trong tiến trình lựa chọn, không ai có thể giành cho mình quyền yêu cầu người khác phải theo mình vì các giá trị và niềm tin. Nhưng tất cả mọi người đều phải tuân thủ nguyên tắc nhà nước pháp quyền trong việc vận động để được chấp thuận, trong tranh cãi về thế giới quan - đó là điều không thể chối cãi và không thể hạn chế ...".

Ðể chống lại lạm dụng tự do tôn giáo, trong những năm qua, chính quyền Ðức đã có nhiều hành động cứng rắn, như nghiêm cấm, giải tán một số tổ chức tôn giáo, nhiều cá nhân phải hầu tòa và chịu trách nhiệm theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Thí dụ, ngày 15-11-2016, hiệp hội "Tôn giáo chân chính" đã bị Bộ Nội vụ Liên bang cấm, vì hiệp hội này "chống lại trật tự hiến pháp và chống lại ý tưởng về sự hiểu biết lẫn nhau của các dân tộc", vì đã sử dụng các thông tin làm cho nhiều người quan tâm trở nên quá khích, thúc đẩy Nhà nước Hồi giáo khủng bố (IS). Theo điều tra, sau khi tham gia hoạt động của hiệp hội này, 140 người đã đến Syria (Xy-ri), Iraq (I-rắc) để gia nhập lực lượng khủng bố. Vì thế Bộ trưởng Bộ Nội vụ Liên bang lúc đó đã trả lời phỏng vấn báo chí để nói lên sự cương quyết của Nhà nước Ðức chống lại các hành động đội lốt tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Như ngày 24-11-2016, trong bài phỏng vấn có nhan đề "Giới hạn không phải lúc nào cũng dễ vạch ra" đăng trên tờ Thời gian Trực tuyến (Zeit Online), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Liên bang nói: "Với lệnh cấm, chúng tôi vạch ra một ranh giới rõ ràng: ở đây không có chỗ cho những phần tử quá khích và cực đoan bạo lực. Chúng tôi kiên quyết và toàn diện trong việc chống lại những khát vọng cực đoan chống lại tự do và các giá trị cốt lõi của chúng ta. Hiệp hội "Tôn giáo chân chính" trên thực tế đã gieo rắc hận thù và trào lưu chính thống dưới vỏ bọc là một sự thúc đẩy của đức tin Hồi giáo, đã làm nhiều người trẻ tuổi trở nên quá khích và khuyến khích hơn 140 người trong số họ sang Syria hoặc Iraq để tham gia các nhóm khủng bố… Chúng ta không muốn ảnh hưởng chính trị đến từ nước ngoài đối với chính sách của chúng ta dưới cái cớ thực hiện tôn giáo. Do đó, chúng ta chống lại tham vọng cực đoan bằng toàn bộ các biện pháp. Ngoài việc cấm các hiệp hội, công việc này còn bao gồm quan sát chuyên sâu, truy tố nhất quán, những biện pháp phòng ngừa, làm giảm quá khích...".

Những năm qua, người dân ở phương Tây nói chung và nước Ðức nói riêng, rất quan tâm đến một vấn đề liên quan chuẩn mực đạo đức và pháp lý trong cách hành xử của những người là thành viên của Thiên chúa giáo và Tin lành. Như truyền thông đưa tin, thời gian qua, Hội đồng Giám mục Ðức trình bày với công chúng một nghiên cứu về hàng nghìn vụ lạm dụng tình dục trong Giáo hội Công giáo xảy ra từ năm 1946 đến năm 2014, ước tính có khoảng 114.000 nạn nhân. Những người phạm tội này chính là các giáo sĩ Công giáo. Mới đây, tại phiên họp toàn thể mùa thu của Hội đồng Giám mục Ðức từ ngày 23 đến 26-9-2019 tại Fulda (Phu-đa), 69 thành viên Hội đồng Giám mục Ðức do Chủ tịch Hội đồng là Hồng y R. Marx (R. Mác) dẫn đầu, đã bàn nhiều vấn đề, trong đó có việc bồi thường cho các nạn nhân bị lạm dụng. Theo bài "Bồi thường cho nạn nhân của lạm dụng cần phải được điều chỉnh lại" đăng ngày 25-9-2019 trên tờ Chủ nhật Thiên chúa giáo thì Hội đồng Giám mục Ðức muốn điều chỉnh lại và mở rộng đáng kể việc bồi thường cho các nạn nhân. Hai phương án đưa ra thảo luận gồm: trả bồi thường ở mức khoảng 300.000 Euro mỗi trường hợp; tùy mức độ nghiêm trọng của vụ việc, sẽ trả từ 40.000 đến 400.000 Euro. Hai phương án này do nhóm làm việc do Hội đồng Giám mục thành lập từ tháng 5-2019 đề xuất. Tình trạng diễn ra trong một thời gian dài cho thấy các cơ quan tư pháp, hành pháp đã làm ngơ quá lâu trước hành động phạm pháp. Hậu quả lớn nhất là sự mất niềm tin vào Nhà thờ và Nhà nước. Một phần từ sự bất bình mà trong những năm qua nhiều người đã bỏ Nhà thờ. Thí dụ, ngày 20-7-2019, tờ Tiếng nói của nhân dân đăng bài "Ðứng xếp hàng dài làm thủ tục bỏ nhà thờ" cho biết năm 2018, đã có 216.000 người rời khỏi Giáo hội Công giáo, nhiều hơn 48.500 người so với năm 2017; 220.000 người đã từ bỏ nhà thờ Tin lành, nhiều hơn 23.000 người so với năm trước.

Khi còn làm việc, tôi đã phỏng vấn, quyết định đơn của hàng nghìn người xin tị nạn tại Ðức, ngoài ra, tôi cũng có mặt trước tòa án hành chính với tư cách đại diện quyền lợi của Nhà nước Ðức. Trong các thủ tục đó, có nhiều trường hợp liên quan đến tôn giáo và tự do tôn giáo. Ðể hoàn thành công việc, ngoài các quy định pháp lý, tôi thường xuyên đọc các bản tin, báo cáo chuyên ngành biên soạn trên cơ sở thông tin thời sự ở quốc gia liên quan, tuy không phải là tài liệu mật nhưng không được phổ biến rộng rãi. Vì thế tôi biết trong nhiều năm qua, tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam tiến triển tích cực, không có ai bị liên lụy vì tham gia hoặc hoạt động tôn giáo, những người phải hầu tòa chủ yếu vì đã lợi dụng tự do tôn giáo nhằm vi phạm luật pháp Việt Nam... Ðó là lý do để khi nộp đơn xin tị nạn tại Ðức, một số người Việt Nam đã bị bác đơn, vì khai bị đàn áp do tham gia hoạt động tôn giáo!

Nhìn từ nước Ðức tôi thấy, bất chấp việc Ðảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam đã đạt rất nhiều thành tựu trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, thời gian qua một số linh mục Công giáo đã có phát ngôn công khai chống đối Ðảng và Nhà nước Việt Nam. Họ không chỉ đưa ra thông tin sai lệch, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tại một số buổi lễ, mà một số người còn ra nước ngoài rêu rao, xuyên tạc, kêu gọi quốc tế can thiệp (cụ thể là phát biểu gần đây của ông Hoàng Ðức Oanh, nguyên Giám mục Giáo phận Kon Tum, khi đến California - Mỹ). Và do bị kích động mà một số công dân theo Công giáo ở một vài nơi đã bị lợi dụng, hoạt động gây mất trật tự an toàn xã hội, chống đối chính quyền. Một số người đã bị biến thành công cụ đắc lực của các thế lực đội lốt "tự do tôn giáo" để thực hiện mưu đồ đen tối. Ðáng chú ý là một số linh mục Dòng Chúa cứu thế lợi dụng bài giảng để bày tỏ thái độ chống đối chế độ, xuyên tạc lịch sử, kêu gọi thực hiện những hành động có thể cấu thành tội phạm... Ðó là những hành vi nếu diễn ra ở phương Tây sẽ bị xử lý rất nghiêm khắc. Song thái độ xã hội không phù hợp với nhà tu hành ấy không thể làm lu mờ một nguyên tắc sinh tồn của xã hội văn minh là dù sống trong bất cứ chế độ chính trị nào, với cương vị xã hội nào, thì người theo Công giáo vẫn cần là người kính Chúa, yêu nước, sống tốt đời, đẹp đạo. Vì thế tôi tin mọi hoạt động chống phá của một số vị linh mục Công giáo bị xã hội lên án sẽ nhanh chóng bị dẹp bỏ, xử lý nghiêm trước pháp luật, không thể ngăn cản Ðảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam tiếp tục giành thành tựu mới trong sự nghiệp xây dựng một xã hội mà ở đó, nguyên tắc nhà nước pháp quyền luôn giữ vai trò chủ đạo để các giá trị nhân văn của dân tộc Việt Nam luôn tỏa sáng.

HỒ NGỌC THẮNG (CHLB Ðức)

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/binh-luan-phe-phan/item/42016002-moi-cong-dan-deu-phai-tuan-thu-nguyen-tac-nha-nuoc-phap-quyen.html