Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại

Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh (TX.Long Khánh) vừa cứu sống một trường hợp bệnh nhân bị đa chấn thương nghiêm trọng do tai nạn giao thông.

Anh Ngô Tiến Dũng (công tác tại Bảo hiểm xã hội tỉnh) tham gia hiến máu tình nguyện trong Lễ hội Xuân hồng năm 2019. Ảnh: H.DUNG

Anh Ngô Tiến Dũng (công tác tại Bảo hiểm xã hội tỉnh) tham gia hiến máu tình nguyện trong Lễ hội Xuân hồng năm 2019. Ảnh: H.DUNG

Do bệnh nhân bị mất quá nhiều máu, nên trong quá trình phẫu thuật cấp cứu các bác sĩ đã phải truyền đến 16 đơn vị máu cho bệnh nhân. Nếu không có nguồn máu dự trữ tại bệnh viện, bệnh nhân khó lòng qua khỏi cơn nguy kịch.

* Sẻ chia sự sống

Bác sĩ Phan Văn Phong, Trưởng khoa Ngoại Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh cho hay, bệnh nhân T.T.H. (57 tuổi, ngụ xã Xuân Tây, huyện Cẩm Mỹ) nhập viện trong tình trạng choáng nặng, mạch, huyết áp không đo được. Bệnh nhân được chẩn đoán bị vỡ tụy, vỡ lách, vỡ khung chậu, gãy xương đùi, gãy nhiều xương sườn bên trái, đe dọa đến tính mạng.

Ngay sau khi bật hệ thống báo động đỏ, hơn 10 y, bác sĩ, nhân viên của bệnh viện đã tiến hành phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân. Rất may là nguồn máu dự trữ của bệnh viện luôn đầy đủ nên công tác cấp cứu, truyền máu diễn ra thuận lợi. Đến nay, bệnh nhân đã có những tiến triển tốt, các chỉ số huyết động học và chức năng cơ quan phục hồi bình thường.

Bà Đỗ Thị Phước Thiện, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho biết: “Đồng Nai luôn nằm trong tốp 5 tỉnh, thành có lượng máu hiến cao nhất cả nước. Nhờ đó mà các bệnh viện trong tỉnh và một số bệnh viện trong khu vực luôn có đủ nguồn máu dự trữ phục vụ công tác cấp cứu cho bệnh nhân. Năm 2019, Đồng Nai được Ban Chỉ đạo quốc gia về hiến máu tình nguyện giao chỉ tiêu 36 ngàn lượt người tham gia hiến máu với 47,9 ngàn đơn vị máu”.

Không riêng gì bệnh nhân H. mà còn rất nhiều bệnh nhân khác đã được cứu sống kịp thời nhờ nguồn máu dự trữ tại các bệnh viện.

Theo ông Lê Quang Trung, Phó giám đốc Sở Y tế, Phó ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh, nguồn máu hiến tặng thường xuyên của người dân là tài sản vô giá đối với các cơ sở y tế trong công tác cứu chữa người bệnh. Ngoài trung tâm lưu trữ máu, một số cơ sở y tế còn thành lập được ngân hàng máu sống.

“Nguồn máu và chế phẩm từ máu cực kỳ quan trọng trong cấp cứu người bệnh, nhất là với những trường hợp tai biến sản khoa, tai nạn do chấn thương, phẫu thuật cần truyền máu. Do đó, Sở Y tế luôn quán triệt các cơ sở y tế trong tỉnh phải sử dụng nguồn máu hiến sao cho hiệu quả nhất, bảo đảm chất lượng, không để hư hỏng máu và tránh lãng phí trong khi sử dụng” - ông Lê Quang Trung nhấn mạnh.

Là người đã từng trực tiếp tham gia hiến máu để cứu sống bệnh nhân đang cấp cứu tại bệnh viện, ông Phan Thanh Điền (49 tuổi, nhân viên Phòng Công tác xã hội Bệnh viện tâm thần Trung ương 2, có 40 lần hiến máu tình nguyện) chia sẻ, khoảng năm 1995 trong một lần vào làm việc tại Bệnh viện nhân dân Gia Định (TP.Hồ Chí Minh), ông được biết bệnh viện đang có một ca cấp cứu cần huy động nguồn máu hiến của những người đang có mặt ở bệnh viện. Không ngần ngại, ông đã đăng ký và hiến tặng 450ml máu để góp phần cứu sống bệnh nhân.

Từ đó đến nay, ông Điền thường xuyên chủ động liên hệ với Hội Chữ thập đỏ tỉnh để hiến máu với mong muốn có thể cứu giúp thêm nhiều bệnh nhân khác đang cần máu để cấp cứu, chữa trị.

* Nhận về hạnh phúc

Có mặt rất sớm tại chương trình hiến máu tình nguyện Lễ hội Xuân hồng năm 2019 do Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh tổ chức mới đây, anh Ngô Tiến Dũng (công tác tại Bảo hiểm xã hội tỉnh) cho biết đây là lần thứ 11 anh tham gia hiến máu tình nguyện. Trước mỗi lần hiến máu, anh Dũng điền đầy đủ những thông tin cần thiết vào phiếu đăng ký, được nhân viên y tế đo huyết áp, thử máu, khám tổng quát cẩn thận, nếu đủ điều kiện mới bắt đầu hiến máu.

Anh Dũng bộc bạch: “Sau mỗi lần hiến máu, tôi lại cảm thấy mình sống có ích hơn, vui vẻ, hạnh phúc, ý nghĩa hơn vì những giọt máu hồng của mình có thể sẽ cứu sống được một người nào đó. Không chỉ trực tiếp đi hiến máu, tôi còn vận động người thân trong gia đình, đồng nghiệp cùng đi hiến máu, trong đó anh trai và chị dâu tôi thường xuyên đi hiến máu cùng tôi mỗi khi có dịp”.

Trước khi hiến máu, người dân được đo huyết áp, kiểm tra sức khỏe và thử máu. Những người đảm bảo yêu cầu về sức khỏe mới được hiến máu.

Còn anh Lê Văn Nhân (công tác tại Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Đồng Nai) sau khi hiến máu lần thứ 5 đã chủ động liên hệ với Hội Chữ thập đỏ tỉnh để tham gia vào câu lạc bộ máu hiếm. Anh Nhân cho hay, anh có nhóm máu O Rh-, thuộc nhóm máu hiếm. Vì thế tham gia vào câu lạc bộ máu hiếm sẽ giúp anh có cơ hội giúp đỡ người khác tốt hơn. Khi được hỏi, nếu đang nửa đêm nghe điện thoại của câu lạc bộ cần đi hiến máu cứu người gấp, anh có đi không? Anh Nhân mỉm cười trả lời: “Tôi luôn sẵn sàng”.

Nhận xét về công tác hiến máu tình nguyện tại Đồng Nai trong thời gian qua, anh Lê Minh Khoa, cử nhân xét nghiệm của Trung tâm truyền máu Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.Hồ Chí Minh) vui mừng cho biết: “Tôi và các đồng nghiệp khác làm công tác tiếp nhận máu hiến tại Đồng Nai từ năm 2009. 10 năm qua, người dân Đồng Nai luôn hưởng ứng phong trào hiến máu tình nguyện rất nhiệt tình, sôi nổi. Có nhiều đợt người dân hiến máu vượt quá số lượng dự kiến ban đầu của Ban tổ chức. Số máu tiếp nhận được sau mỗi đợt sẽ được đưa vào sản xuất chế phẩm, phân loại từng thành phần máu, đem vào kho lạnh bảo quản và chuyển đến các bệnh viện của các tỉnh, thành Đông Nam bộ phục vụ công tác cứu chữa người bệnh”.

Ngày 4-4, tại Nhà khách 71 (TP.Biên Hòa), Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh phối hợp với Trung tâm truyền máu Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.Hồ Chí Minh) tổ chức chương trình hiến máu tình nguyện nhân kỷ niệm Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện 7-4. Đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang trong tỉnh đã nhiệt tình tham gia hưởng ứng. Kết quả tiếp nhận được 299 đơn vị máu.

Hạnh Dung

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chinhtri/201904/nhan-ngay-toan-dan-hien-mau-tinh-nguyen-7-4-moi-giot-mau-cho-di-mot-cuoc-doi-o-lai-2940489/