Mỗi kg gà xuất chuồng lỗ hơn 1.000 đồng, đề xuất hạn chế nhập khẩu?

Nguồn cung thịt gia cầm, thịt heo trong nước đang khá lớn, nỗi lo về bài toán thị trường lại được đặt ra dù sắp tới Tết Nguyên đán. Do vậy, nhiều ý kiến đề xuất nên hạn chế nhập khẩu thịt gà, heo để bảo vệ thị trường cho ngành chăn nuôi trong nước.

Tại Diễn đàn trực tuyến kết nối cung cầu chuỗi thịt và trứng gia cầm vùng Đông Nam bộ vừa diễn ra, một trong những vấn đề được đặt ra là giá gia cầm, heo đang xuống thấp, người nông dân chịu lỗ nặng.

Mỗi kg gà xuất chuồng lỗ hơn 1.000 đồng

Theo ông Đỗ Hữu Phương, đại diện Cục Chăn nuôi phía Nam, Đông Nam bộ là vùng trọng điểm phía Nam, đi đầu cả nước về chăn nuôi, đặc biệt là gia cầm. Qua 11 tháng theo dõi, phân tích, gà công nghiệp chuyên thịt lông trắng là đối tượng biến động giá phức tạp nhất, tăng giảm nhiều nhất.

Người chăn nuôi gia cầm đang thua lỗ vì giá bán thấp hơn giá thành.

Người chăn nuôi gia cầm đang thua lỗ vì giá bán thấp hơn giá thành.

Cụ thể, trung bình 11 tháng qua, giá xuất chuồng của gà lông trắng 31.786 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất là 32.840 đồng/kg, như vậy mỗi 1 kg bán ra người nuỗi lỗ 1.054 đồng. Tương tự, với gà lông màu ngắn ngày, mỗi một kg xuất chuồng lỗ 1.834 đồng/kg. Đối với gà màu lai dài ngày, ông Phương cho biết từ tháng 1 cho tới đầu tháng 9 người nuôi có lãi, nhưng từ tháng 9 đến nay giá xuất chuồng thấp hơn giá thành nên cũng đang ôm lỗ.

Trước tình hình trên, ông Phương đề xuất một số giải pháp nhằm giảm giá thành và giảm nhập khẩu gà đông lạnh, đồng thời khuyến cáo doanh nghiệp hạn chế nhập khẩu khi nguồn cung trong nước đang dồi dào.

Bên cạnh đó, ông Phương cũng đề cập tới việc giảm giá bán lẻ để kích cầu, tăng cường chế biến sâu sản phẩm thịt gia cầm, tạo nguồn dự trữ, đảm bảo đa dạng hóa sản phẩm, từ đó bình ổn thị trường cũng như nâng cao giá trị gia tăng. Đại diện Cục Chăn nuôi phía Nam cũng đề nghị ngân hàng hỗ trợ tín dụng, giúp giảm khó khăn cho nông dân, xem xét phương án phù hợp hỗ trợ người chăn nuôi.

Với ngành chăn nuôi heo, ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Nai, cho hay giá heo đạt chuẩn tại địa phương chỉ khoảng 53.000 đồng/kg, heo quá lứa chỉ còn 48.000 – 49.000 đồng/kg, trong khi hiện nay, giá thức ăn chăn nuôi, vật tư chăm sóc đang ở mức cao.

Trước tình thế trên, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Nai kiến nghị Bộ NN&PTNT cần có các biện pháp cần thiết để đưa giá heo hơi về mức phù hợp với thị trường, đảm bảo lợi ích cân đối giữa các bên.

Trước thực tế người chăn nuôi đang thua lỗ, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, phàn nàn khâu dự báo thị trường đang khá yếu, người chăn nuôi hầu như không nắm được biến động thị trường, hầu hết sản xuất theo hướng rủi may, thị trường lên giá thì không được hưởng lợi, nhưng khi thị trường đi xuống thì họ gánh chịu là chính. Do đó, dự báo thị trường rất cần thiết.

Đáng chú ý nói về nghịch lý tỉnh Đồng Nai đang đối mặt, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai thông tin, tỉnh hiện có 1,7 triệu gia cầm nhưng lại không có cơ sở giết mổ gia cầm tập trung, sản phẩm của tỉnh phải ngược về Long An giết mổ và trở lại người tiêu dùng Đồng Nai, từ đó người tiêu dùng phải sử dụng giá cao, người chăn nuôi bán giá thấp.

Ông Công mong muốn tỉnh cần quan tâm quy hoạch, kêu gọi doanh nghiệp xây dựng khu giết mổ tập trung gia cầm quy mô lớn. Bên cạnh đó, theo ông, Đồng Nai cần quan tâm môi trường, xử lý phân hữu cơ từ các trang trại để nâng cao giá trị.

"Chúng ta đã có các phần mềm, đề nghị khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường sử dụng và phổ biến rộng rãi tới các chủ thể chuỗi liên kết để chủ động dự báo thị trường, chủ động sản xuất theo thị trường, đáp ứng tiêu chuẩn, tiêu chí của thị trường…", ông Nguyễn Trí Công khuyến nghị.

Nghiên cứu phương án hạn chế nhập khẩu

Để đảm bảo giá sản phẩm chăn nuôi, ông Vũ Cường, Trưởng phòng Phát triển thị trường sản phẩm chăn nuôi (Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản), nhấn mạnh giá trong chuỗi thịt không liên kết rẻ hơn 10%, lợi nhuận thấp hơn 10,9%. Trên cơ sở đó, cần tổ chức sản xuất theo chuỗi có liên kết hoặc hình thức hợp nhất. Phát triển các hình thức liên kết: Hợp tác xã (cơ chế chia sẻ lợi ích và rủi ro giữa các tác nhân trong chuỗi); hợp đồng cung cấp nguồn lực; hợp đồng tiêu thụ (tổ chức kết nối các tác nhân trong chuỗi). Thay đổi tư duy trong tổ chức sản xuất (dựa theo nhu cầu thị trường và theo hợp đồng liên kết).

Bên cạnh đó, liên kết theo chuỗi để đủ năng lực hướng tới thị trường xuất khẩu (chuỗi thịt gà xuất khẩu sang Nhật: De Heus cung cấp thức ăn, Bel gà cung cấp con giống, Hùng Nhơn chăn nuôi, Koyu giết mổ và chế biến). Đẩy mạnh đầu tư cho khâu chế biến nhằm đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng và thúc đẩy thị hiếu tiêu thụ. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tuyên truyền (về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm).

Mặt khác, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), cho biết chỉ còn hơn 1 tháng là đến Tết Nguyên đán, đây là thời gian vàng để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Về ngắn hạn, hiện Tết nguyên đán đang đến gần, chúng ta cần phải lo về thị trường trong nước. Giá trứng hiện dao động khoảng 3.500 đồng, gà lông màu 42.000 đồng, heo 53.000-57.000 đồng…

Cũng theo Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, đối với áp lực nhập khẩu các mặt hàng, các sản phẩm thịt lạnh trong khi nguồn cung trong nước rất dồi dào, kiến nghị Cục Chăn nuôi, Cục Thú y và các cơ quan liên quan có nghiên cứu, đánh giá toàn diện, tham mưu Bộ không chỉ về sản phẩm gia cầm mà còn các mặt hàng khác như thịt bò, lợn… Đồng thời, làm sao tăng năng lực sản xuất, chế biến của người chăn nuôi, doanh nghiệp.

"Chúng ta cần nâng cao năng lực quản trị theo chuỗi và phối hợp chặt chẽ các cơ quan liên quan, các chủ thể để tăng chuỗi giá trị. Ngoài ra, chúng ta cần nỗ lực tập trung sản xuất các sản phẩm chế biến, phát triển thị trường xuất khẩu", ông Toản gợi ý.

Ngoài xuất khẩu, phải chăm lo cho thị trường nội địa, ông Toản đánh giá chúng ta đã có các chuỗi phân phối ở khu vực Đông Nam bộ, TP. Hồ Chí Minh như các chuỗi siêu thị, các cửa hàng thực phẩm tiện dụng… Tới đây, chúng ta phải nâng cao năng lực phân phối tại chỗ, phát huy tăng trưởng nội địa, "mỗi siêu thị chỉ cần gia tăng thu mua sẽ giúp giải bài toán về thị trường", ông Toản nêu ý kiến.

10 tháng 2022, Việt Nam chi 1,21 tỷ USD nhập khẩu thịt

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 10 tháng năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 544,97 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 1,21 tỷ USD, giảm 11,9% về lượng, nhưng tăng 2,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Trong tháng 10/2022, Việt Nam nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ 33 thị trường trên thế giới. Trong đó, Ấn Độ là thị trường cung cấp thịt và các sản phẩm từ thịt lớn nhất cho Việt Nam, với 13,07 nghìn tấn, trị giá 41,81 triệu USD, tăng 114,1% về lượng và tăng 208,9% về trị giá so với tháng 10/2021, chiếm 20,4% tổng lượng thịt và các sản phẩm từ thịt nhập khẩu của Việt Nam trong tháng. Giá nhập khẩu bình quân thịt và các sản phẩm từ thịt từ Ấn Độ về Việt Nam ở mức 3.199 USD/tấn, tăng 44,3% so với tháng 10/2021.

Tính chung 10 tháng năm 2022, Việt Nam nhập khẩu từ Ấn Độ 130,12 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt , với trị giá 418,63 triệu USD, tăng 51,1% về lượng và tăng 51,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Thời gian tới, Cục Xuất nhập khẩu dự báo nhu cầu tiêu thụ thịt và các sản phẩm từ thịt dự kiến sẽ tăng do nhu cầu thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao. Tuy nhiên, do nguồn cung thịt của Việt Nam khá dồi dào, cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước, nên dự báo nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt sẽ không tăng đột biến trong thời gian tới.

Lê Thúy

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/moi-kg-ga-xuat-chuong-lo-hon-1-000-dong-de-xuat-han-che-nhap-khau-1089898.html