Mối liên hệ giữa bệnh nhân mắc tiểu đường và việc có nên dùng mật ong hay không

Mật ong chứa vitamin và các khoáng chất, tốt hơn chất làm ngọt khác nhưng bệnh nhân tiểu đường cần chú ý về liều lượng để tránh tăng đường huyết.

Về cơ bản, người mắc bệnh tiểu đường không nên dùng mật ong để thay thế đường. (Nguồn: iStock)

Về cơ bản, người mắc bệnh tiểu đường không nên dùng mật ong để thay thế đường. (Nguồn: iStock)

Nếu đang mắc bệnh tiểu đường loại 2 hoặc có nguy cơ cao mắc bệnh này, bạn có thể từng nghe nói mật ong tốt hơn các chất làm ngọt khác.

Trên thực tế, tuy mật ong có vài lợi ích cho sức khỏe, nó vẫn là nguồn cung cấp đường và carbohydrate đơn giản.

Do đó, nếu bạn bị tiểu đường hoặc đang dùng thuốc như insulin, cần tính lượng carbohydrate trong ngày trước khi dùng mật ong.

Dưới đây là những thông tin hữu ích cho bạn trước khi định thêm mật ong trong chế độ ăn uống.

Mật ong khác đường như thế nào?

Mật ong cũng là chất làm ngọt. Nó còn được gọi là "đường bổ sung" trên nhãn thực phẩm vì không phải là một thành phần tự nhiên của các loại thực phẩm khác.

Mật ong là một nguồn cung cấp carbohydrate. Những carbohydrate này chủ yếu đến từ glucose và fructose, là những loại đường đơn giản.

Một muỗng canh mật ong chứa 64 calo, 17 g đường, 17 g carbohydrate, 0,06 g protein và 0,04 g chất xơ.

Mật ong chứa các vitamin và khoáng chất như kali, canxi, kẽm, vitamin C và chất chống oxy hóa. Tuy nhiên, các khoáng chất này không chiếm lượng đáng kể, do đó không nên coi mật ong là nguồn cung cấp chính.

Mật ong khác với đường trắng vì đường không có bất kỳ loại vitamin và khoáng chất nào. Mật ong cũng có chỉ số đường huyết (Glycemic index - GI) thấp hơn đường.

Chỉ số đường huyết là đơn vị đo lượng carbohydrate làm tăng lượng đường trong máu nhanh như thế nào. Mật ong có chỉ số GI là 58 và đường có chỉ số GI là 60.

Điều đó có nghĩa là mật ong (giống như tất cả các loại carbohydrate) cũng sẽ làm tăng lượng đường trong máu một cách nhanh chóng, nhưng không nhanh bằng đường.

Nếu bạn bị tiểu đường, dùng mật ong thay đường sẽ không mang lại lợi ích gì, vì chúng ảnh hưởng đến lượng đường trong máu theo những cách tương tự.

Nếu chọn ăn mật ong, hãy chắc chắn bạn biết mình đang nhận được bao nhiêu.

Thực phẩm hoặc nước sốt có thể chứa nhiều mật ong và carbohydrate hơn bạn tưởng. Điều đó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến lượng đường trong máu và khả năng hấp thụ đúng lượng insulin của bạn.

Người tiểu đường có ăn mật ong được không?

Các chuyên gia từng khuyên những người mắc bệnh tiểu đường nên tránh tất cả thực phẩm có thêm đường. Nhưng hiện tại, một số chuyên gia nói có thể dùng lượng nhỏ mật ong như một phần của chế độ ăn uống lành mạnh.

Tuy nhiên, nếu bạn phải uống insulin (chất làm ức chế sự chuyển hóa glycogen thành glucose đi vào máu), hãy luôn để ý và tính toán lượng carbohydrate (bao gồm cả mật ong) mà bạn dùng mỗi ngày. Việc này giúp bạn xác định đúng liều lượng insulin nên dùng.

Duy trì lượng carbohydrate và chất xơ cũng có thể giúp bạn giữ lượng đường trong máu không tăng quá cao. Nên lưu ý rằng ngay cả khi bạn dùng insulin, lượng đường trong máu cao có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe theo thời gian.

Đó là lý do tại sao nên hạn chế dùng mật ong. Nên nói chuyện với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng về bệnh tiểu đường để biết được lượng mật ong như thế nào an toàn cho bạn.

Mật ong có tốt cho bệnh tiểu đường không?

Nghiên cứu cho thấy, mật ong có chất chống viêm và chống oxy hóa, có thể quan trọng đối với những người mắc bệnh tiểu đường, do họ thường có mức độ viêm cao hơn trong cơ thể.

Tuy nhiên, có nhiều loại thực phẩm cung cấp chất chống oxy hóa mà không làm tăng lượng đường trong máu của bạn.

Vì vậy, bạn hoàn toàn không cần mật ong để bổ sung những chất dinh dưỡng đó và có thể tìm đến những lựa chọn tốt hơn.

Một nghiên cứu từ các nhà khoa học Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 khi tiêu thụ 5-25 g mật ong mỗi ngày trong 4 tháng đã giảm huyết sắc tố A1c (HbA1c) - thước đo kiểm soát lượng đường trong máu.

Nhưng những người dùng nhiều hơn lượng này mỗi ngày cho thấy mức A1c tăng lên.

Tuy nhiên, nghiên cứu này chỉ được tiến hành với 64 người và một nửa trong số họ dùng mật ong mỗi ngày. Vì thế, rất khó để biết được kết quả này có được ghi nhận rộng rãi hay không.

Một nghiên cứu khác bao gồm 48 người mắc bệnh tiểu đường loại 2, một nửa trong số họ đã uống một liều mật ong trong 8 tuần, lại cho kết quả ăn mật ong hàng ngày làm tăng mức A1c.

Một nghiên cứu năm 2016 từ các nhà nghiên cứu Ai Cập cũng phát hiện ra những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 bị tăng lượng đường trong máu khi dùng mật ong.

Do các thử nghiệm về mật ong và bệnh tiểu đường cho kết quả khác nhau, vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn để biết lượng mật ong như thế nào an toàn nhất cho người mắc bệnh tiểu đường.

(theo Ngôi sao)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/moi-lien-he-giua-benh-nhan-mac-tieu-duong-va-viec-co-nen-dung-mat-ong-hay-khong-222652.html