Mối lo của 'vua tôm' và 'nữ hoàng cá tra' Việt

Thách thức về xây dựng thương hiệu quốc gia cho cá tra và tôm nước lợ là không nhỏ, cần sự đồng thuận của toàn ngành thủy sản trong năm 2019.

Quy hoạch vùng nuôi cá tra bám sát nhu cầu thị trường

2018 được ví là năm cơ hội của xuất khẩu cá tra khi giá bán liên tục tăng, cao nhất trong 3 thập kỷ qua và cũng có thể là năm đầu tiên, giá trị xuất khẩu cá tra vượt mốc 2 tỷ USD. Nhưng đây cũng là thời điểm để nhìn lại và giải quyết thách thức của toàn ngành.

Các doanh nghiệp xuất khẩu tôm, cá tra cần kiên quyết nói không với sản phẩm chất lượng thấp để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.

Các doanh nghiệp xuất khẩu tôm, cá tra cần kiên quyết nói không với sản phẩm chất lượng thấp để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.

“Chặng đường sắp tới sẽ có nhiều thách thức và toàn ngành cần cùng ngồi lại, xây dựng lại chiến lược để tránh lặp lại điểm rơi như hồi năm 2008”, bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT CTCP Thủy sản Vĩnh Hoàn - người được mệnh danh là “nữ hoàng cá tra” - chia sẻ.

Thách thức mà bà Khanh nhắc đến tồn tại cả ở thị trường nội địa lẫn ngoài đường biên giới. Bắt đầu từ vùng nuôi cơ sở không hiểu rõ nhu cầu thị trường, đến việc đối tác gây áp lực, yêu cầu đẩy cao chất lượng. Trong khi những con số thống kê, dự báo của ngành chưa đảm bảo tính chính xác, do tổng hợp từ nhiều nguồn chưa chính thống, thì doanh nghiệp trong ngành lại không cởi mở chia sẻ cùng nhau.

Vì vậy, theo bà Khanh, cần có đề án quy hoạch vùng nuôi cá tra và sản lượng cần dựa trên số liệu phân tích từ nhu cầu của thị trường.

“Bí quyết kinh doanh thì mỗi doanh nghiệp có thể giữ riêng, nhưng thông tin về nhu cầu, xu hướng thị trường… thì nên chia sẻ. Nhà nước chỉ cần quy hoạch vùng nuôi, còn việc quyết định sản lượng, chất lượng… sẽ dựa vào sự tính toán, thống nhất giữa các hiệp hội, doanh nghiệp”, bà Khanh nói và khẳng định, phải giải quyết vấn đề từ gốc là tại cơ sở nuôi trồng, thu hẹp hay mở rộng diện tích từ “tiếng gọi” của thị trường.

Tháng 10/2018, CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đạt doanh thu xuất khẩu 80,86 triệu USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2017. Tính từ đầu năm, doanh thu xuất khẩu của Minh Phú đạt 612 triệu USD.
Trong 9 tháng đầu năm nay, CTCP Thủy sản Vĩnh Hoàn đạt 6.596 tỷ đồng doanh thu và 1.035 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Riêng tháng 10/2018, doanh thu xuất khẩu của Vĩnh Hoàn đạt 309 triệu USD, tăng trưởng 26% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong khi đó, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhìn nhận thực tế, nhiều loại thủy sản, nông sản Việt vẫn được nuôi trồng tự phát, theo phong trào, chứ không riêng cá tra.

Ông Hòe cho biết, các cơ quan chức năng cũng đã thảo luận với một số địa phương để tìm hướng giải quyết vấn đề này, nhưng cần không ít thời gian để các vùng nuôi nhỏ lẻ liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp nhằm xây dựng chuỗi giá trị bền vững từ nuôi trồng đến chế biến.

Nói không với chất lượng thấp

Không chỉ mong muốn chia sẻ thông tin, Chủ tịch HĐQT Công ty Vĩnh Hoàn còn kỳ vọng toàn ngành sẽ kiên quyết nói không với sản phẩm chất lượng thấp hay cạnh tranh bằng giá rẻ.

Bà Khanh lấy ví dụ thực tế của Vĩnh Hoàn. Công ty đã không thể đàm phán hợp đồng với đối tác khi có thêm sự chào hàng từ một doanh nghiệp nội địa cùng ngành khác, dù sản phẩm của hai doanh nghiệp khác biệt nhau.

“Nhiều nhà nhập khẩu nhắm vào điểm yếu của cộng đồng doanh nghiệp Việt là cạnh tranh với nhau về giá để đưa ra giá mua thấp nhất, mà chất lượng luôn phải đảm bảo. Vì vậy, doanh nghiệp phải ngồi lại với nhau, cũng là cách làm thương hiệu cho con cá tra Việt Nam”, bà Khanh nói.

Đề cập vấn đề kiểm soát chất lượng từ vùng nuôi nhỏ lẻ, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú nhấn mạnh, việc kiểm soát dư lượng kháng sinh từ các quốc gia nhập khẩu như Hoa Kỳ, châu Âu… ngày càng siết chặt. “Nếu tiếp tục nuôi tôm cùng kháng sinh thì rủi ro rất cao, nhiều nước sẽ ban lệnh cấm nhập khẩu tôm Việt Nam vì nhiễm kháng sinh quá nhiều. Khi đó chúng ta mới tìm cách ngăn chặn thì không còn kịp nữa”, Quang nói.

Tuy nhiên, chi phí kiểm kháng sinh rất cao. Mỗi ki-lô-gam tôm thành phẩm mất gần 10.000 đồng phí kiểm kháng sinh và với mỗi mẫu kiểm tra kháng sinh, doanh nghiệp phải chi khoảng 3 triệu đồng.

Chưa kể, việc kiểm tra này phải được thực hiện nhiều lần, từ lúc tôm nuôi trong ao đến khi thu hoạch, kiểm tra tại nhà máy và trong quá trình sản xuất. Điều này càng khiến giá thành tôm thành phẩm tăng.

Chủ tịch của “vua tôm” Minh Phú cho biết, nông dân thường trộn kháng sinh vào thức ăn, song loại thuốc này không có tác dụng kích thích tôm nhanh lớn. Minh Phú đã phải xây dựng 5 phòng kiểm tra lượng kháng sinh từ các vùng nuôi và nhà máy, nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời.

Thêm vào đó, kích cỡ từng con tôm khi thu hoạch cũng phải đúng với nhu cầu của người chi tiền. Nông dân có thói quen thu hoạch tôm với trọng lượng lớn (khoảng 30 con thành phẩm/kg) thay vì thu hoạch nhiều lần tốn thêm chi phí. Nhưng thực tế, những đơn hàng từ châu Âu mà Minh Phú nhận về đều đặt tiêu chuẩn trọng lượng từng con thấp hơn, từ 41 - 50 con/kg.

“Tập đoàn Walmart còn đặt thành phẩm từ 40 - 60 con/kg (tương đương 70 con tôm nguyên liệu) với số lượng cực lớn”, ông Quang cho biết.

Hồng Phúc

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/moi-lo-cua-vua-tom-va-nu-hoang-ca-tra-viet-d92046.html