Mối lo tội phạm xuyên biên giới từ Brexit 'cứng'

Không chỉ Bộ trưởng Nội vụ Anh Sajid Javid tỏ ra lo lắng mà giới cảnh sát nước này cũng đang rất sốt ruột về vấn đề hợp tác an ninh khi thời điểm Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn được gọi là Brexit, sắp cận kề, tức ngày 29/3/2019.

Brexit gây khó khăn trong việc trao đổi dữ liệu an ninh giữa Anh và EU.

Giống như đối với vấn đề kinh tế, một Brexit dù "cứng" hay "mềm" cũng sẽ không thể tránh khỏi việc gây ra những hậu quả tiêu cực cho ngành cảnh sát và tư pháp. Trong cuộc chiến chống tội phạm và khủng bố, các thông tin và tài liệu luôn được cập nhật và được đánh giá "quý như vàng". Khả năng tiếp cận các dữ liệu của hai bên trong tương lai là một vấn đề gây trở ngại cho các nhà đàm phán Brexit. Không phải là thành viên Hiệp ước Schengen, sắp tới cũng không còn là thành viên của Tòa công lý châu Âu, Anh không thể có quyền hợp pháp vào đọc các dữ liệu của cảnh sát và các cơ quan công tố châu Âu một cách dễ dàng như trước.

Theo ông Michel Barnier - Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU việc hợp tác của EU và Anh sẽ cần "một cơ chế khác". Để có thể hiểu được tầm vóc của cơ chế này, cần phải sắp xếp các cơ chế đang tồn tại vốn hoạt động rất hiệu quả trong cuộc chiến chống tội phạm xuyên biên giới suốt những thập niên qua: đặt hàng châu Âu điều tra, hình thức ủy thác châu Âu xét xử, dẫn độ tù nhân, nhóm điều tra chung châu Âu, khả năng đóng băng tài sản, thành lập nhiều cơ sở dữ liệu hoặc các lệnh bắt giữ châu Âu.

Sự biến mất của cơ chế lệnh bắt giữ châu Âu sẽ gây ra mối lo ngại đặc biệt: liệu các vụ dẫn độ nghi phạm giữa Anh và các nước EU còn có thể diễn ra từ ngày 30/3/2019? Sau khi nước Anh không còn là một phần trong khuôn khổ này nữa, thì cần phải tìm ra một phương thức hợp pháp cho các vụ dẫn độ.

Các thỏa thuận song phương đã tồn tại từ lâu giữa các nước châu Âu, và những người chịu trách nhiệm đàm phán sẽ có 6 tháng để điều chỉnh lại một cách thức dẫn độ ngoài khuôn khổ châu Âu. Làm thế nào để Anh rời EU mà không phí hoài những tiến bộ trong cuộc chiến chung chống khủng bố, rửa tiền và tài trợ các tổ chức tội phạm? Đây là một bài toán rất hóc búa. Trong khuôn khổ cuộc đàm phán đang diễn ra, người Anh mong muốn một mối quan hệ đối tác mới, sâu sắc và đặc biệt là có thể duy trì được sự hợp tác dựa trên tinh thần xây dựng, phục vụ cho việc đảm bảo an ninh nội bộ - một mong muốn mà cả 27 nước EU đều ủng hộ. Khủng bố, tấn công trên không gian mạng, tội phạm có tổ chức là những mối đe dọa chung đối với tất cả các nước châu Âu. Các vấn nạn này đòi hỏi một cách đáp trả thống nhất từ các nước châu Âu, bao gồm cả Anh.

Đặng Ánh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/moi-lo-toi-pham-xuyen-bien-gioi-tu-brexit-cung.aspx