Mỗi lời ân cần là một bài học sâu sắc

Cách đây 55 năm, trong chuyến thăm Huyện ủy Kim Bôi (Hòa Bình), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn hết sức ngắn gọn, cụ thể, đi vào những việc tỉ mỉ ít người để ý. Mỗi cử chỉ, lời nói của Bác tuy giản dị nhưng mang ý nghĩa giáo dục rất lớn cho các thế hệ cán bộ.

Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kim Bôi kiểm tra mô hình trồng bưởi Diễn tại xã Thượng Bì.

Cụ Bùi Văn Thông (xã Kim Truy, huyện Kim Bôi) vẫn nhớ mãi kỷ niệm hôm ấy. Khi đó cụ Thông là Trưởng phòng Thống kê - Kế hoạch, Bí thư Chi bộ Khối chính quyền huyện, biết tin được đón Bác mà lòng thấy hồi hộp lạ thường. Người đảng viên 90 năm tuổi đời, 57 năm tuổi Đảng vẫn tinh tường, minh mẫn, giọng kể rõ ràng, mạch lạc. Cụ kể về cảm xúc của mình, rồi cụ mở tủ lấy ra một cuốn sổ tay được lưu giữ cẩn thận, trong đó cụ đã ghi chép tất cả thông tin liên quan chuyến thăm của Bác tại huyện Kim Bôi cũng như lần được nghe Bác nói chuyện tại trường Bổ túc văn hóa công nông Trung ương.

Cụ Thông nhớ lại, sáng ngày 19-9-1964, Bác Hồ cùng đoàn công tác của Trung ương về thăm huyện. Khi đến cơ quan Huyện ủy Kim Bôi, Bác chưa làm việc ngay mà đi thăm nhà ăn, nhà bếp, giếng nước… Bác nhắc nhở cán bộ địa phương những việc cụ thể, như phải làm nắp đậy giếng nước đề phòng các tình huống nguy hiểm cho các cháu nhỏ chơi đùa quanh đó, giữ gìn vệ sinh nơi để đồ ăn... Sau khi nghe đồng chí Bí thư Huyện ủy báo cáo tình hình địa phương, Bác căn dặn lãnh đạo Huyện ủy cần chú ý nâng cao năng suất cây lương thực, cố gắng đi vào thâm canh, không bỏ hoang đất, cần làm tốt việc trồng cây công nghiệp. Bác dặn mọi người cần có ý thức tiết kiệm, tích cực học tập để nâng cao trình độ văn hóa. Bác tham quan khuôn viên Huyện ủy thấy có ao thả cá, cỏ mọc um tùm, Bác gợi ý để tận dụng đất đai, huyện chia đất bỏ hoang cho các phòng để trồng cây, vừa cải tạo đất, vừa cải thiện đời sống.

Nhớ lời Bác dạy, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền huyện Kim Bôi luôn nhắc nhau phải tiết kiệm, giữ gìn vệ sinh môi trường, không để lãng phí tài nguyên đất, tập trung phát triển kinh tế. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020 xây dựng lộ trình và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện theo hướng phát triển nông, lâm nghiệp, tập trung lựa chọn các sản phẩm có tiềm năng tiêu thụ đưa vào sản xuất. Đến nay, huyện đã hình thành nhiều mô hình trồng cây ăn quả có múi đem lại hiệu quả kinh tế cao như hơn 300 ha nhãn Hương Chi ở các xã Sơn Thủy, Bắc Sơn, Thượng Bì; cam ở xã Tú Sơn. Đồng chí Lê Đức Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Những năm gần đây, huyện đồng loạt triển khai ba chương trình phát triển thế mạnh địa phương là cải tạo vườn tạp, trồng cỏ nuôi bò và sản xuất rau an toàn. Nhờ đó, giá trị sản phẩm thu được trên mỗi héc-ta đạt 130 triệu đồng trong năm 2018. Độ che phủ rừng được duy trì ở mức 50%. Rừng đặc dụng và Khu bảo tồn thiên nhiên Thượng Tiến được bảo vệ chặt chẽ. Kim Bôi nổi tiếng với nhiều địa danh du lịch như suối nước khoáng, cửu thác Tú Sơn, mộ cổ Đồng Thếch và nhiều khu nghỉ dưỡng cao cấp. Huyện ủy đang tích cực triển khai đề án phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Năm qua, số lượng khách du lịch đạt hơn 212 nghìn lượt người, đem lại doanh thu 137,7 tỷ đồng. Công suất sử dụng phòng nghỉ thường xuyên đạt 60%. Để phát triển giáo dục - đào tạo trong điều kiện còn nhiều khó khăn, huyện ưu tiên mọi nguồn vốn để kiên cố hóa trường, lớp học, duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục ở cả ba cấp học. Đến cuối năm học 2018 - 2019, toàn huyện có 28 trường đạt chuẩn quốc gia. Mạng lưới y tế được đầu tư có trọng tâm, có bốn xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Đời sống của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng được bảo đảm tốt hơn. Đến nay, huyện có sáu xã đạt chuẩn nông thôn mới và phấn đấu là 10 xã trong năm tới. Nhờ những nỗ lực đó, huyện Kim Bôi đã được đưa ra khỏi danh sách các huyện nghèo nhất nước theo Chương trình 30a của Chính phủ và đang tăng tốc phát triển.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Huyện ủy Kim Bôi đổi mới công tác lãnh đạo, hướng về cơ sở, giúp cơ sở, quyết tâm thay đổi tư duy làm việc cũ. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của chi bộ, Huyện ủy đã chỉ đạo giải thể các chi bộ cơ quan xã, thị trấn, đồng thời tăng cường cấp ủy viên cấp huyện và cấp xã dự sinh hoạt chi bộ khu dân cư. Một số cán bộ huyện được luân chuyển về các xã có nhiều hạn chế, đồng thời để đào tạo cán bộ nguồn cho huyện. Năm 2018, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra 78 tổ chức đảng và 80 đảng viên, qua đó phê bình, nhắc nhở một số tập thể, cá nhân có khuyết điểm, kỷ luật một tổ chức đảng và 14 đảng viên. Tinh thần, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên có chuyển biến rõ nét. Sức ỳ của đội ngũ cán bộ xã giảm mạnh. Toàn huyện kết nạp 161 đảng viên mới. Nhiều phong trào thi đua khởi sắc, nhất là phong trào làm kinh tế hộ gia đình.

Dù đạt được một số kết quả tích cực, nhưng nhìn chung Kim Bôi vẫn là huyện có kinh tế phát triển chậm. Tỷ lệ hộ nghèo còn 20%, bình quân thu nhập đầu người mới đạt 21,6 triệu đồng trong năm 2018, thu ngân sách nhà nước mới đạt 42,5 tỷ đồng. Để vươn lên, huyện Kim Bôi cần tiếp tục cụ thể hóa Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị thành việc làm cụ thể, tạo ra khí thế làm việc mới, năng suất, hiệu quả cao hơn, đồng thời cần đổi mới mạnh mẽ công tác lãnh đạo của Huyện ủy để trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa của tỉnh Hòa Bình.

Bài và ảnh: HÀ HẢO

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/dang-va-cuoc-song/item/40228302-moi-loi-an-can-la-mot-bai-hoc-sau-sac.html