Mồi lửa châm ngòi căng thẳng với Pakistan và Trung Quốc

Hôm 9-8 vừa qua, tại TP Srinagar thuộc bang Jammu và Kashmir, khu vực tranh chấp giữa Ấn Độ-Pakistan và Trung Quốc, hơn 10.000 người đã xuống đường biểu tình phản đối quyết định của New Delhi tước bỏ quy chế tự trị của vùng đất này.

Đây là cuộc biểu tình lớn nhất từ khi New Delhi hôm 5-8 bãi bỏ Điều 370 Hiến pháp quy định quy chế đặc biệt cho bang Jammu và Kashmir, đồng thời tách bang này thành 2 vùng lãnh thổ liên bang. Giới phân tích cho rằng động thái này của New Delhi châm ngòi căng thẳng quan hệ của nước này với Pakistan và Trung Quốc.

New Delhi siết chặt kiểm soát

Trong sắc lệnh tuyên bố bãi bỏ quy chế đặc biệt với Jammu- Kashmir, Ấn Độ cũng trình dự luật tách bang này thành 2 vùng lãnh thổ liên bang gồm Ladakh cùng Jammu và Kashmir. Trong khi đó, Trung Quốc lại coi một phần lãnh thổ Ladakh là của mình. Về vấn đề này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh phản đối việc đưa lãnh thổ Trung Quốc vào khu vực phía Tây của biên giới Trung-Ấn vào trong khu vực tài phán của Ấn Độ.

Quyết định của Chính phủ Ấn Độ đã kéo theo một loạt biện pháp đề phòng tình hình an ninh trở nên hỗn loạn trong khu vực này như: tạm ngưng liên lạc điện thoại, internet. Hàng trăm quan chức chính trị, những nhà đấu tranh có xu hướng ly khai bị tạm giam nhằm hạn chế các cuộc tập hợp biểu tình. Hàng nghìn cảnh sát được triển khai tại Kashmir ngay từ hôm 5-8. Theo AFP, trong mấy ngày qua, đã có 560 người bị bắt ở Kashmir. Những người này đang bị cầm giữ trong trại giam. Đã có ghi nhận những vụ đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát.

New Dlehi coi đây là vấn đề “nội bộ”, không hề liên quan gì đến tình hình khu vực”. 4 ngày sau khi hủy bỏ chế độ tự trị của vùng Kashmir, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, hôm 8-8, đã giải thích rằng quyết định của ông là nhằm tiêu diệt nạn khủng bố và thúc đẩy phát triển vùng lãnh thổ này.

Trong bài diễn văn dài 40 phút, ông Modi cố trấn an người dân Kashmir, đồng thời cáo buộc Islamabad lợi dụng quy chế đặc biệt của khu vực này để khuấy động tình hình bất ổn. Để xoa dịu dân chúng, lệnh giới nghiêm được giảm nhẹ vào ngày 9-8, ngày cầu nguyện quan trọng của người Hồi giáo. Ông Modi còn nêu lên những dự án lớn mà chính quyền Ấn Độ dự kiến tiến hành và có thể tạo ra việc làm như nâng cấp sân bay và xây các tuyến đường sắt mới.

Giải thích lý do vì sao Ấn Độ lại thay đổi tình trạng của vùng lãnh thổ đang tranh chấp vào thời điểm này, chuyên gia Long Xingchun, GĐ Trung tâm nghiên cứu Ấn Độ của ĐH Sư phạm Tây Trung Quốc cho rằng chính quyền Ấn Độ có ý định làm loãng phần Hồi giáo của dân số Kashmir bằng người theo đạo Hindu và do đó tăng cường kiểm soát phần lãnh thổ này.

Theo chuyên gia này, “chủ nghĩa dân tộc ở Ấn Độ rất mạnh mẽ. Đảng của Thủ tướng Narendra Modi cũng tuân thủ cùng một hệ tư tưởng. Ấn Độ luôn tin rằng Kashmir là một lãnh thổ không thể chia cắt. Các hành động của Ấn Độ chủ yếu nhằm tăng cường kiểm soát khu vực này bằng cách thay đổi thành phần dân số của Kashmir ở vùng họ đang kiểm soát”.

Một cuộc biểu tình tại Kashmir. (Ảnh tư liệu)

Một cuộc biểu tình tại Kashmir. (Ảnh tư liệu)

Mồi lửa gây căng thẳng

Cả Trung Quốc và Pakistan đều coi một số khu vực của bang Jammu và Kashmir là lãnh thổ của mình. Vì vậy, giới quan sát cho rằng quyết định của New Delhi sẽ châm ngòi căng thẳng quan hệ ngoại giao giữa Ấn Độ với Pakistan và Trung Quốc.

Pakistan lên án gay gắt Ấn Độ vì lo ngại tình hình biên giới sẽ trở nên bất ổn. Thủ tướng Pakistan Imran Khan tuyên bố: “Pakistan không muốn chiến tranh, nhưng nếu Ấn Độ cứ ép chúng ta như vậy, chúng ta sẽ đáp trả theo đúng lẽ”. Chuyên gia Long Xingchun nhận định, "việc Ấn Độ quyết định xóa bỏ tình trạng đặc biệt của Jammu và Kashmir có thể gây ra một cuộc xung đột vũ trang với Pakistan”.

Tuy nhiên, Islamabad đã gạt giải pháp quân sự sang một bên. Ngoại trưởng Pakistan Shah Mehmood ngày 9-8 nói rõ: “Chúng tôi thiên về các giải pháp chính trị, ngoại giao và pháp lý hơn”. Tại cuộc họp của Ủy ban Quốc phòng Pakistan, Thủ tướng Imran Khan đã chỉ đạo “kích hoạt tất cả các kênh ngoại giao…” Tuyên bố cuối cùng cuộc họp đề cập việc cần “xem xét lại quan hệ song phương”. Theo đó, Pakistan tuyên bố trục xuất đại sứ Ấn Độ Ajay Bisaria và đình chỉ thương mại với Ấn Độ, vốn đã không đáng kể do căng thẳng trong quan hệ song phương. Đồng thời, đại sứ mới được bổ nhiệm của Pakistan, ông Moin-ul-Haq, sẽ không đến nhận nhiệm sở tại New Delhi.

Ngoại trưởng Pakistan Shah Mahmood Qureshi và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị đã có cuộc gặp khẩn hôm 9-8 về tình hình Kashimir, trong đó ông Vương Nghị đã bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn đối với Pakistan. Theo Reuters, Pakistan đã kêu gọi quốc tế can thiệp, cho biết sẽ đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua một nghị quyết chỉ trích hành động đơn phương của New Delhi.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Pakistan cho biết đang kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) can thiệp nhằm buộc Ấn Độ ngồi vào bàn đàm phán. Chính quyền Pakistan hiện đang đợi xem tình hình tại Kashmir tiến triển ra sao sau khi lệnh giới nghiêm được dỡ bỏ. Nhiều người còn đợi xem liệu cuộc diễu hành mừng Quốc khánh Ấn Độ ngày 15-8 tới có sẽ trở thành cuộc biểu tình ủng hộ người dân Kashmir hay không.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/moi-lua-cham-ngoi-cang-thang-voi-pakistan-va-trung-quoc-158686.html