Mỗi năm ăn 2.000 tấn thịt thú rừng để 'thể hiện đẳng cấp'

Theo khảo sát, Lào, Việt Nam và Campuchia là ba quốc gia đang có mức độ sử dụng thịt động vật hoang dã cao, đặc biệt các loài thú và chim được bày bán nhiều ngoài chợ, tiêu thụ tại các nhà hàng.

Quang cảnh buổi họp báo

Quang cảnh buổi họp báo

Sáng 21-10 tại Hà Nội, Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) đã phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức buổi họp báo ra mắt Chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi tiêu thụ thịt thú rừng của người tiêu dùng thành thị, nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh từ thú rừng sang người, đồng thời bảo tồn các loài động vật hoang dã.

Theo khảo sát, Lào, Việt Nam và Campuchia là ba quốc gia đang có mức độ sử dụng thịt động vật hoang dã cao, đặc biệt các loài thú và chim được bày bán nhiều ngoài chợ, tiêu thụ tại các nhà hàng.

Chia sẻ tại họp báo, bà Nguyễn Đào Ngọc Vân - cố vấn cấp cao của WWF - Việt Nam về Chương trình chống buôn bán động vật hoang dã, thông tin: Ước tính mỗi năm có khoảng 2.000 tấn thịt thú rừng và động vật hoang dã được tiêu thụ tại Việt Nam, trong đó khoảng 80% là tại các nhà hàng, quán ăn đặc sản tại Hà Nội, TPHCM và một số thành phố khác.

Bà Nguyễn Đào Ngọc Vân kêu gọi chấm dứt tiêu thụ thịt thú rừng

Chuyên gia của WWF - Việt Nam cho biết, đối tượng tiêu thụ lượng thịt thú rừng này là những người có mức thu nhập từ 20 triệu đồng/tháng trở lên, ở độ tuổi khoảng 26-55 tuổi và làm việc trong các lĩnh vực như: bất động sản, buôn bán kinh doanh, ngân hàng, tài chính, xây dựng…

“Họ là những người có thu nhập cao, muốn ăn thịt thú rừng để thể hiện mình có đủ khả năng tài chính, hoặc muốn thể hiện đẳng cấp hoặc vì cho rằng ăn thịt thú rừng thì sẽ bồi bổ sức khỏe…”, bà Nguyễn Đào Ngọc Vân nói.

Trong khi đó, phát biểu tại họp báo, quyền Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Văn Long cảnh báo, trong khoảng 800 bệnh mới nổi trên con người thời gian qua thì có 75% là có nguồn gốc từ động vật hoang dã.

Ông Văn Ngọc Thịnh, CEO của WWF - Việt Nam cũng khẳng định, những dịch bệnh nguy hiểm vừa qua, phần lớn đều xuất phát từ động vật hoang dã. Mỗi mắt xích trong quá trình tiếp xúc với động vật hoang dã đều có nguy cơ phát sinh và lây truyền các tác nhân gây bệnh.

Ông Văn Ngọc Thịnh khẳng định những dịch bệnh nguy hiểm thời gian qua xuất phát từ động vật hoang dã

“Qua đại dịch Covid-19, chúng ta có cơ hội nhìn lại mối quan hệ của con người với thiên nhiên, để chúng ta nhìn thấy rõ hơn vai trò của mỗi cá nhân trước một cuộc khủng hoảng kép: khủng hoảng với sức khỏe con người và khủng hoảng với thiên nhiên”, ông Văn Ngọc Thịnh chia sẻ.

Tại họp báo, các chuyên gia cũng như các nhà quản lý đều đồng quan điểm về mối nguy của dịch bệnh lây lan từ động vật hoang dã sang người và nhất trí rằng, giải pháp để ngăn chặn là phải xử lý tình trạng buôn bán và tiêu thụ thịt thú rừng, trước mắt là tập trung ở nhóm người tiêu dùng tại khu vực thành thị.

Theo WWF, chiến dịch truyền thông sẽ được thực hiện tại ba quốc gia: Việt Nam, Lào và Campuchia. Tại Việt Nam, WWF phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam thuộc Bộ NN-PTNT phát động và thực hiện chiến dịch này từ nay đến tháng 1-2023 và chia làm 2 giai đoạn chính.

Đáng chú ý, chiến dịch sẽ có sự tham gia của các cá nhân có ảnh hưởng với cộng đồng, giúp chia sẻ thông điệp của chiến dịch và kêu gọi công chúng chấm dứt tiêu thụ thịt thú rừng. Để kêu gọi sự đồng hành của các tổ chức, WWF - Việt Nam sẽ phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế thuộc Bộ NN-PTNT đồng tổ chức hội thảo về tiêu thụ thịt thú rừng và nguy cơ lây truyền bệnh từ động vật sang người.

VĂN PHÚC

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//moi-nam-an-2000-tan-thit-thu-rung-de-the-hien-dang-cap-850611.html