Mỗi ngày, TPHCM tiết kiệm được 2,4 tỷ đồng tiền điện

Chiều 25-5, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế TPHCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn TPHCM. Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phạm Đức Hải chủ trì họp báo.

TPHCM tiết kiệm 10,2 triệu kWh điện

Tại họp báo, ông Nguyễn Phú Vĩnh, Trưởng Ban Kinh doanh, Tổng Công ty điện lực TPHCM (EVNHCMC), thông tin về kết quả thực hiện Công văn số 1993 của UBND TPHCM về việc đẩy mạnh tiết kiệm điện và đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định trên địa bàn TPHCM trong mùa khô và năm 2023.

Theo đó, hiện nay tất cả các quận huyện, TP Thủ Đức và Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp (HEPZA) đã triển khai chỉ đạo của UBND TPHCM tới các cơ quan, doanh nghiệp, người dân. Các cơ quan, đơn vị đã chủ động giảm sử dụng điện, góp phần đáng kể trong việc ổn định việc cung ứng điện.

Ông Nguyễn Phú Vĩnh, Trưởng Ban Kinh doanh, Tổng Công ty điện lực TPHCM (EVNHCMC) thông tin. Ảnh: THẢO LÊ

Ông Nguyễn Phú Vĩnh, Trưởng Ban Kinh doanh, Tổng Công ty điện lực TPHCM (EVNHCMC) thông tin. Ảnh: THẢO LÊ

Bên cạnh đó, toàn bộ hệ thống chiếu sáng công cộng đã điều chỉnh thời gian mở đèn trễ và tắt đèn sớm hơn 30 phút. Phần lớn hệ thống chiếu sáng quảng cáo, trang trí giảm 50% công suất hoặc tắt sau 22 giờ.

Kết quả, từ ngày 16-5-2023 tới nay, TPHCM đã tiết kiệm được 10,2 triệu kWh điện. Trung bình mỗi ngày TPHCM tiết kiệm được gần 1,14 triệu kWh điện, khoảng 2,4 tỷ đồng.

EVNHCMC tiếp tục đề nghị khách hàng tích cực hưởng ứng và thực hành ngay các biện pháp tiết kiệm điện. Cụ thể, đơn vị này khuyến cáo người dân tắt các thiết bị khi không còn sử dụng, đặt máy lạnh ở nhiệt độ từ 26 độ C trở lên, tắt bớt hoặc sử dụng đèn có chế độ tắt mở tự động ở các khu vực công cộng, nhà để xe, hành lang các chung cư….

EVNHCMC cũng đề nghị các quận huyện và TP Thủ Đức tăng cường chỉ đạo các cơ quan trên địa bàn tiết kiệm điện và phối hợp cùng EVNHCMC kiểm tra, đôn đốc các đơn vị.

Đề nghị sớm có giải pháp dự trữ thuốc hiếm

Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM Lê Thiện Quỳnh Như thông tin tại họp báo

Thông tin về tình hình thiếu thuốc hiếm, Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM Lê Thiện Quỳnh Như cho biết, hiện nay TPHCM đang thiếu một số thuốc hiếm như thuốc nhỏ mắt Atropine, thuốc uống Acitretin, thuốc viên Dapson phối hợp sắt oxalat, thuốc tiêm Mitoxantrone, thuốc tiêm Idarubicin, thuốc tiêm Foscarnet trisodium hexahydrate.

Theo bà Lê Thiện Quỳnh Như, đây là các loại thuốc thiếu trong thời gian dài do không có nhà cung ứng, các bệnh viện đã sử dụng phác đồ thay thế. Khi thay thế bằng các thuốc khác, bệnh nhân phải chi trả giá thuốc cao hoặc không được bảo hiểm y tế thanh toán. Do đó, Chánh Văn phòng Sở Y tế cho biết, Sở Y tế đề xuất cơ chế mua sắm dự trữ thuốc hiếm cấp địa phương hoặc quốc gia bằng nguồn ngân sách nhà nước.

Thông tin về các trường hợp ngộ độc Botulinum vừa xảy ra nhưng TPHCM không có sẵn các thuốc cấp cứu, bà Lê Thiện Quỳnh Như cho biết ngày 22-5, ngay sau khi tiếp nhận thông tin về các trường hợp ngộ độc Botulinum toxin, Cục Quản lý dược đã có công văn khẩn gửi đến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đề nghị hỗ trợ thuốc giải độc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT).

Ngày 23-5, WHO đã tích cực rà soát và điều phối thuốc. Đến 19 giờ ngày 24-5, 6 lọ thuốc giải độc tố Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) về đến sân bay Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, một bệnh nhân do bị biến chứng nặng và quá thời gian chỉ định dùng thuốc giải độc nên đã không qua khỏi.

Qua trường hợp này, ngành y tế TPHCM mong Bộ Y tế sớm có giải pháp về dự trữ thuốc hiếm cho những trường hợp cấp cứu tối khẩn cấp không có thuốc thay thế.

Đầu tư phát triển các dự án văn hóa, thể thao

Phó Chánh Văn phòng Sở VH-TT TPHCM Nguyễn Mỹ Hạnh thông tin. Ảnh: THẢO LÊ

Thông tin về tình hình phát triển các dự án lĩnh vực văn hóa, thể thao, Phó Chánh Văn phòng Sở VH-TT TPHCM Nguyễn Mỹ Hạnh cho biết, hiện nay, Sở VH-TT TPHCM đang nghiên cứu đề xuất các dự án kêu gọi xã hội hóa theo phương thức PPP và thu hút vốn FDI cho khoảng 27 dự án. Đồng thời, đơn vị này sẽ rà soát các cơ sở nhà đất đang quản lý để xem xét các mặt bằng đủ điều kiện sẽ đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư.

Ngay khi dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 được thông qua, Sở VH-TT TPHCM sẽ phối hợp Sở KH-ĐT TPHCM và các đơn vị có liên quan lập kế hoạch xây dựng phương án, mời gọi các nhà đầu tư tham gia các dự án.

Bên cạnh đó, Sở VH-TT cũng đầu tư nâng cấp các công trình văn hóa phi vật thể, tác phẩm nghệ thuật có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng nhằm bảo tồn và phát huy giá trị, di sản lịch sử, văn hóa trong bối cảnh mới.

THẢO LÊ

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/moi-ngay-tphcm-tiet-kiem-duoc-24-ty-dong-tien-dien-post691136.html