Mọi người dân được hưởng quyền an sinh về bảo hiểm y tế

Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) ra đời từ năm 2008 và được sửa đổi, bổ sung năm 2014, là cơ sở pháp lý thể chế hóa quan điểm của Đảng và nhà nước trong thực hiện chính sách tài chính y tế công thông qua BHYT toàn dân theo định hướng công bằng, hiệu quả và phát triển. Trong đó đã quy định 'BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của luật này để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do nhà nước tổ chức thực hiện'.

Hiện, chính sách, pháp luật BHYT ngày càng hoàn thiện, con đường tiến tới thực hiện BHYT toàn dân được chỉ rõ tại các văn kiện của Đảng, quy định trong Luật BHYT và đang dần trở thành hiện thực. Bảo hiểm xã hội (BHXH) với trách nhiệm là cơ quan tổ chức thực hiện đã nỗ lực không ngừng để tiến dần đến việc thực thi pháp luật BHYT đạt hiệu quả cao nhất, mọi người dân đều được hưởng quyền an sinh về BHYT.

Theo Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn, sau gần 6 năm triển khai thực hiện Luật BHYT sửa đổi, đã đạt nhiều kết quả nổi bật trong tổ chức thực hiện chính sách BHYT: tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân đạt gần 90% dân số; đối tượng tham gia BHYT tăng nhanh qua các năm, bình quân mỗi năm tăng 48%, từ năm 2015-2019 tăng hơn 15 triệu người, đến hết năm 2019 đã có 85,636 triệu người tham gia BHYT, trong đó diện bao phủ đã tập trung vào các nhóm yếu thế, như: nhóm người lao động đã tham gia BHYT đạt hơn 90%; nhóm hưu trí, mất sức lao động, bảo trợ xã hội đạt 100% (khoảng 3,1 triệu người); nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ như: hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên đạt xấp xỉ 100% và trên 17,5 triệu người tham gia theo hình thức hộ gia đình.

Người dân khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế

Như vậy, Việt Nam cơ bản hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân và về đích trước thời hạn so với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020 (theo thống kê từ một số quốc gia có nền kinh tế phát triển, để đạt mục tiêu BHYT toàn dân nói trên phải mất 40-80 năm). Do đó mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ tham gia BHYT đạt 95% dân số như Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đặt ra là hoàn toàn khả thi.

Tại An Giang, đến nay đã phát triển 1.670.353 người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân đạt 87,48% dân số; đối tượng tham gia BHYT tăng nhanh qua các năm, so với năm 2015 tăng 267.013 người, tăng 19,03%, bình quân mỗi năm tăng 3,81%. Kết quả đó là sự nỗ lực của ngành BHXH và sự phối hợp chặt chẽ của các ngành liên quan. BHXH tỉnh đã chủ động đề xuất với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT cho từng địa phương. Tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND 11 huyện, thị xã, thành phố giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc và quyết liệt chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện các biện pháp để người dân tham gia BHYT thuận lợi nhất. Mở rộng hệ thống đại lý thu BHXH, BHYT đến UBND xã, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị-xã hội và tổ chức kinh tế. Hiện, toàn tỉnh có 176 đại lý thu với 1.139 điểm thu và 1.310 nhân viên đại lý thu và cộng tác viên. Ngành BHXH làm tốt ứng dụng công nghệ thông tin và tích cực cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHYT.

Quyền lợi của người tham gia BHYT luôn được đảm bảo. Đến nay, toàn tỉnh có 27 cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) ký hợp đồng KCB BHYT với cơ quan BHXH, trong đó có 9 cơ sở KCB tư nhân (bao gồm cả bệnh viện tư nhân và Phòng khám đa khoa tư nhân). Liên thông KCB, cơ hội tiếp cận với dịch vụ KCB BHYT ngày càng mở rộng, số lượt KCB BHYT được quỹ BHYT thanh toán tăng mạnh. Nếu như năm 2009 có 2 triệu lượt KCB BHYT thì đến năm 2019 số lượt người đi KCB BHYT tăng gần gấp 2,5 lần với 5 triệu lượt. Số tiền chi KCB từ quỹ BHYT ngày càng tăng, từ 214 tỷ đồng của năm 2009, đến năm 2019 tăng lên đến hơn 1.352 tỷ đồng.

Với hơn 18.000 dịch vụ kỹ thuật y tế bao gồm cả những dịch vụ kỹ thuật cao chi phí lớn như: can thiệp tim mạch, phẫu thuật tim mạch, phẫu thuật nội soi, MRI, CT, PET-CT… trên 1.000 hoạt chất, sinh phẩm tân dược và hàng trăm vị thuốc đông y, thuốc từ dược liệu bao gồm cả các thuốc tim mạch, điều trị ung thư đắt tiền… hàng ngàn loại vật tư y tế bao gồm cả vật tư y tế thay thế như: máy tạo nhịp tim, stent mạch vành, khớp nhân tạo… phạm vi quyền lợi về BHYT của Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá là rộng rãi so với nhiều nước trong khu vực và thế giới. Thực tế khá nhiều bệnh nhân được chi trả chi phí KCB BHYT kỹ thuật cao vài trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng; cá biệt, có bệnh nhân đã được BHYT chi trả hơn 9 tỷ đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển bền vững chính sách BHYT đang gặp nhiều vấn đề thách thức trong thời gian tới như: già hóa dân số, mô hình bệnh tật thay đổi... và đặc biệt là chi KCB BHYT không ngừng gia tăng. Do đó, để thực hiện được mục tiêu Nghị quyết 20-NQ/TW đã đề ra đến năm 2025 tỷ lệ tham gia BHYT đạt 95% dân số và để phát triển BHYT bền vững, cần phải tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp: phát triển đối tượng tham gia BHYT bền vững; quản lý, sử dụng quỹ BHYT hiệu quả, an toàn nhưng cũng cần bảo vệ quyền lợi của người tham gia BHYT.

HẠNH CHÂU

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/moi-nguoi-dan-duoc-huong-quyen-an-sinh-ve-bao-hiem-y-te-a277885.html